Người truyền lửa vovinam

17/02/2015 19:48 GMT+7

(TN Xuân) Từ nhiều năm trước, võ sư Nguyễn Văn Chiếu không chỉ mày mò dạy võ cho từng học trò, mà đêm đêm còn thắp đèn dầu để chấm thi, lựa ra từng vận động viên tài năng cho bộ môn vovinam.

(TN Xuân) Từ nhiều năm trước, võ sư Nguyễn Văn Chiếu không chỉ mày mò dạy võ cho từng học trò, mà đêm đêm còn thắp đèn dầu để chấm thi, lựa ra từng vận động viên tài năng cho bộ môn vovinam.
 
Đòn tấn công của vovinam - Ảnh: Khả HòaĐòn tấn công của vovinam - Ảnh: Khả Hòa
Vào những năm 1980 và 1990, võ thuật được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, nhưng có một thực tế là số đông đổ xô đi học taekwondo, judo hay quyền anh chứ ít chú tâm rèn luyện môn quốc võ vovinam và võ cổ truyền. Lúc đó hàng loạt giải đấu xuất hiện rầm rộ được khán giả mong đợi mỗi cuối tuần nhưng không hề có một giải vovinam đúng nghĩa để truyền bá phát triển môn võ này.
Triết lý dạy võ
Tôi còn nhớ lần đầu tiên nhận tin nhắn của võ sư Nguyễn Văn Chiếu, lúc đó đang là Phó phòng Thể dục thể thao quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, mời sang xem biểu diễn vovinam. Tôi đạp xe qua cầu chữ Y đi mãi con đường Phạm Thế Hiển để tìm đến một võ đường, đúng hơn là một ngôi nhà xập xệ được sắp xếp làm nơi biểu diễn võ vovinam.
Khi đó, võ đường toàn là môn sinh của quận 8 chứ chưa hề có bất cứ đồ đệ nào từ địa phương hay quận huyện lân cận đến học. Nhưng thầy Chiếu không hề lo lắng. Ông cười và nói: “Tôi mời nhà báo đến để mọi người cùng thấy võ Việt Nam đâu hề kém các môn võ chính thống khác của thế giới. Hơn nữa võ Việt lại đẹp và rất sáng tạo, động tác đầy thu hút, biểu cảm. Chỉ cần các anh viết bài cổ vũ cũng đã tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho chúng tôi phổ cập mạnh mẽ hơn”. Hôm đó chứng kiến những pha bay lượn trên không, những thế tấn vững chãi và những bài thi quyền đẹp mắt của võ sinh vovinam, ai cũng xuýt xoa trầm trồ và hy vọng một ngày không xa vovinam sẽ lớn mạnh.
Dù báo chí đã có nhiều bài viết động viên khi đó, nhưng vovinam vẫn chỉ tồn tại một cách âm thầm, bên cạnh sự “đình đám” của các môn võ khác. Một phần do không có thi đấu quốc tế và cũng chưa được vươn xa ra các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Nhưng với võ sư Nguyễn Văn Chiếu thì không có chuyện gì là không thể. Một mặt dốc hết vốn liếng ra phối hợp với các võ sư khác mở nhiều lò luyện vovinam, mặt khác ông đi khắp các địa phương động viên thanh niên học sinh theo học võ. Nhiều môn sinh ở xa lặn lội đến xin học ban đêm vì ban ngày phải kiếm sống, ông vẫn tận tình chỉ bảo, đứng lớp đến tận 12 giờ khuya. Có hôm dù chỉ 1 người từ nước ngoài về thọ giáo, ông cũng sẵn sàng đứng lớp. Bởi mục đích cuối cùng như ông tâm sự, càng nhiều người biết đến vovinam thì môn võ này càng thẩm thấu và đi vào lòng người nhiều hơn.
Ông nói: “Vovinam không chỉ sử dụng các đòn ném, quật, đấm, đá mà còn có thể phối hợp khi dùng vũ khí. Chiêu thức đặc trưng của môn võ là đòn khóa bằng chân có thể vô hiệu hóa đối thủ bằng việc kẹp một phần cơ thể, thường thấy nhất là cổ. Đây là chiêu thức có cả sự đẹp mắt và hiệu quả. Tuy sở hữu các chiêu thức đa dạng nhưng vovinam vẫn đề cao sự điềm tĩnh và ý chí của bản thân. Triết lý của môn võ là đào tạo một công dân tốt cho xã hội, có thể tự bảo vệ mình chứ không phải để ra ngoài đánh nhau”.
 
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu - Ảnh: T.K
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu - Ảnh: T.K
Trên trường quốc tế
Khi vovinam bắt đầu đứng vững ở trong nước thì cũng là lúc võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng ra nước ngoài. Ông tham gia tổ chức các hoạt động biểu diễn ở hơn 20 quốc gia, bắt đầu tại Belarus vào năm 1990. Đi đến đâu, vovinam cũng được nhiều người thích thú, chú tâm học hỏi. Số môn sinh đông dần ở các nước châu Âu, trong đó có công không nhỏ của võ sư Chiếu. Đến nay có khoảng hơn 1 triệu người theo tập vovinam tại Việt Nam và hơn nửa triệu người ở 52 quốc gia khác trên thế giới. Một sự phát triển vượt bậc sau 20 năm.
Ông Chiếu kể lại: “Khi tôi đến Pháp, ban đầu chỉ có chưa đến 100 người học và cách học cũng đơn giản vì người châu Âu cần nhiều tài liệu để nghiên cứu trước khi bắt tay vào đòn thế. Chúng tôi đã cho dịch và in tài liệu rồi thường xuyên đi các nơi trên đất nước hình lục lăng này khích lệ tinh thần ham học của môn sinh Pháp. Chỉ tính đến đầu năm 2014, riêng tại Pháp đã có 10.000 người học và thành phố Paris cũng vừa đăng cai giải vô địch thế giới vovinam lần thứ tư”.
Càng vui hơn khi đến nay vovinam đã được công nhận trên toàn thế giới. Sau khi được đưa vào thi đấu tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á năm 2009 và hai kỳ SEA Games liên tiếp năm 2011 và 2013, ông Chiếu xác định mục tiêu sắp tới của vovinam là làm sao trở thành môn thi đấu chính thức tại ASIAD và xa hơn, tấn công vào Olympic.
Ở tuổi gần 70, như người khác đã có thể vui nghỉ cùng con cháu, nhưng ông Chiếu vẫn đau đáu với vovinam. Ông vẫn miệt mài tham gia liên đoàn, tham gia tổ chức quản lý các hoạt động chuyên môn và dành thời gian bám sát các lò võ để tiếp tục chỉ dạy học trò.
Mới đây, kênh truyền hình CNN đã có phóng sự về võ sư Nguyễn Văn Chiếu với tiêu đề Human to Hero (Từ người thường thành người hùng), trong đó có lời phát biểu của ông: “Giấc mơ của tôi là mở một học viện vovinam thật lớn cho tất cả mọi người trên thế giới có thể tới học và nghiên cứu môn võ này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.