Lỗ nặng vì giá
Mỗi lần nhìn giá vàng, chị Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) 'phát khóc' vì số nợ vàng chưa trả cho người thân. Đầu năm 2022, chị Thanh mượn 5 lượng vàng, bán với giá 62 triệu đồng, được khoảng 310 triệu đồng. Nay giá vàng miếng SJC lên gần 82 triệu đồng, chị Thanh phát hoảng vì phải thêm 100 triệu đồng mới đủ mua lượng vàng trên. Mỗi lượng vàng phải bù thêm 20 triệu đồng, số tiền bỏ ra tăng trên 32%.
Chị Thanh cho biết, nếu giờ mua thì chấp nhận mức thiệt này, còn cao hơn cả tiền lãi vay ngân hàng. Chị đang trì hoãn tới giữa năm, hy vọng giá giảm xuống để mua vàng trả lại cho người thân. Trường hợp như chị Thanh không phải hiếm. Những người mượn người thân bằng vàng thì nay phải trả lại bằng vàng, dù không tính lãi nhưng giá vàng tăng cũng khiến số tiền bỏ ra khá nhiều.
Cập nhật giá vàng ngày 8.4: Vàng nhẫn tăng 'sốc' lên gần 75,5 triệu đồng/lượng
Không những cá nhân, doanh nghiệp vay vàng cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Vay 5.833 lượng vàng SJC của Sacombank từ năm 2009, số nợ của Công ty CP Kinh doanhThủy hải sản Sài Gòn (APT) không ngừng tăng lên qua các năm. Theo hợp đồng ký với ngân hàng tháng 1.2009, APT vay 5.833 lượng vàng bổ sung vốn lưu động trong 12 tháng. Lãi suất cho vay 10,8%/năm.
Hợp đồng này đã quá hạn thanh toán nhưng công ty chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Tính đến 31.12.2020, tính theo giá vàng thời điểm này tương đương 249,36 tỉ đồng. Đến cuối năm 2023, số nợ vàng tương đương lên 435,1 tỉ đồng, tăng 185,74 tỉ đồng so với cuối năm 2020. Số tiền lãi vay vàng chưa trả là 665 tỉ đồng (trong tổng lãi gần 837 tỉ đồng) và công ty không có khả năng thanh toán khoản nợ này.
Khoản nợ của APT tại Sacombank đưa công ty vào tình cảnh lỗ nặng trong hoạt động kinh doanh. Năm 2023, công ty tiếp tục lỗ thêm 136 tỉ đồng (chủ yếu đến từ chi phí tài chính), nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên 1.355 tỉ đồng. Như vậy, công ty đã có 5 năm liên tiếp lỗ trên 100 tỉ mỗi năm. APT đang gánh nợ phải trả hơn 1.400 tỷ đồng, chủ yếu là nợ gốc và lãi tại Sacombank. Trong khi tổng tài sản chỉ còn 170 tỉ đồng. Vào tháng 5.2022, Sacombank đã khởi kiện APT ra tòa yêu cầu thanh toán nợ.
Giá vàng không ngừng tăng
Đầu giờ chiều 8.4, giá vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng mỗi lượng, vượt qua mức gái 82 triệu đồng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 80,1 triệu đồng, bán ra 82,1 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào lên 79,9 triệu đông, bán ra 81,9 triệu đồng… So với đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 7 triệu đồng/lượng, tương ứng đi lên 7,4%. Còn nếu so với đầu năm 2020, giá vàng miếng SJC tăng 38 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng hơn 88,6%.
Sau khi lên như "diều gặp gió", giá vàng nhẫn đã giảm khoảng 200.000 - 250.000 đồng mỗi lượng vào đầu giờ chiều 8.4. Tập đoàn Doji mua vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng với giá 73,75 triệu đồng, bán ra 75,2 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 73,78 triệu đồng, bán ra 75,18 triệu đồng… So với đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng 11 - 11,5 triệu đồng mỗi lượng.
Biến động vàng ngày 8.4: Bẫy giảm giá rình rập giá vàng
Kim loại quý quốc tế hiện nay đang đứng ở mức cao lịch sử khi chạm mức 2.346 USD/ounce - tăng 300 USD/ounce so với đầu năm, tương đương mức đi lên 14,6%. Trong những ngày gần đây, các tổ chức, chuyên gia thế giới đưa ra các mức dự báo giá vàng có thể lên đến 3.000 USD/ounce trong năm nay (tính theo giá USD ngân hàng quy đổi giá vàng vào khoảng 90,8 triệu đồng/lượng).
Trong cơn sốt vàng hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng người dân không nên đổ hết tiền cũng như đi vay tiền để mua vàng. Thị trường vàng trong nước hiện nay đang chịu áp lực từ Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng nên giá vàng miếng SJC có thể giảm bất cứ lúc nào. Lúc đó, người vay không những chịu lỗ từ vàng mà còn phải ôm khoản nợ phải trả.
Bình luận (0)