Ông Thành quyết định dọn về ở hẳn dưới Phú Mỹ, sau khi nhận được quyết định nghỉ hưu. Hai ngàn mét vuông đất ông đã mua từ mấy tháng trước vừa nhận được sổ đỏ. Bên bán là một gia đình nông dân, đang lúc cần tiền. Ông mua trực tiếp của chủ, không qua trung gian nên giá cả cũng phải chăng.
Hai ngàn mét vuông đất phèn mặn, lơ thơ vài cây đước cây mắm còi cọc, mấy thân dừa cụt đọt vừa nhìn thấy là đã ngán ngẩm tận cổ, chưa tính chuyện đây là xứ khỉ ho cò gáy, bệnh chết rũ xương vài tháng cũng chưa chắc đã có ai hay.
Vợ ông Thành muốn lên huyết áp khi tháp tùng chồng về Phú Mỹ để “ngắm” miếng đất mà ông bảo là trong mơ.
- Lương hưu của ông, ông muốn làm gì thì làm, chớ tôi thì không điên tới mức tự dưng lại đày mình về xứ này.
|
Mặc thái độ của vợ, cầm được sổ đỏ trên tay, ông Thành lập tức thực hiện ngay ý định của mình. Hành trang ông mang theo chỉ đơn sơ vài bộ quần áo và một số đồ dùng cá nhân. Một gia đình nông dân tốt bụng ở gần đó đồng ý cho ông tạm trú đến khi nào dựng xong nhà trên mảnh đất mới mua.
***
Về Phú Mỹ là về thế giới của riêng mình. Mấy mươi năm nay ông Thành luôn nằm mơ về nó.
Hơn ba mươi năm trước, ông từng là đứa con của Phú Mỹ. Những Giáp Nước, Đất Cháy, Phong Lạc, Đầm Bà Tường…, nơi nào mà chẳng có dấu chân của ông.
Phú Mỹ không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng lại là nơi chứng kiến từng bước trưởng thành của một cậu giao liên trẻ tuổi đến anh đại đội trưởng dày dạn trận mạc vào sinh ra tử. Chính Phú Mỹ là người mẹ hiền tiễn ông cùng đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản thị xã hơn ba mươi năm về trước.
Và Phú Mỹ còn là nơi ông vĩnh biệt người nữ du kích tên Liên, mối tình đầu của ông trong một trận chống trực thăng đổ bộ ven đầm Bà Tường.
Nhờ sự giúp đỡ hết lòng của bà con hàng xóm, ngôi nhà của ông Thành chỉ trong vòng một tháng đã cất xong. Nhà nền đất, cột kèo bằng cây đước, mái lợp lá dừa nước. Ông gọi vui là nhà nghĩa tình, dù ông không ở trong diện được cấp nhà tình nghĩa.
Cất xong nhà, đã có chỗ an cư, ông Thành tính ngay chuyện làm ăn.
Ông thuê cơ giới vào đào mương lên liếp. Ông dự định trên liếp sẽ trồng dừa, loại dừa lùn chỉ sau ba năm chăm sóc tốt sẽ cho trái. Còn dưới mương, ông sẽ thả đủ loại cá, xung quanh nhà thì trồng rau, chăn nuôi gà vịt… Tự cung tự cấp là tốt nhất. Bạn bè đến nhà chỉ cần chạy ra vườn ít phút là sẽ có thứ đãi đằng, lai rai. Lúc đó ông sẽ mời bà vợ về đây tận mắt chứng kiến hai công đất mà bà từng chê ỏng chê eo đã trở thành một “khu du lịch sinh thái” duy nhất ở vùng này.
Sau khi cất nhà, lập vườn xong, ông sẽ quần nát hai bên đầm.
Hài cốt của Liên chắc vẫn còn nằm đâu đó. Trong trí nhớ của ông thì cô được đặt nằm dưới gốc một cây su già, xung quanh được che chở bằng trùng trùng lớp lớp dừa nước, đước, vẹt... Để sau này dễ nhận ra, ông còn tháo chiếc đồng hồ Rado của mình đeo vào tay cô và đinh ninh rằng ngay sau ngày hòa bình, ông sẽ trở lại.
Vậy mà thoắt đó đã hơn ba mươi năm.
Ông Thành còn dự tính nhiều việc nữa. Vì sợ nay nhớ mai quên, ông cẩn thận ghi vào cuốn tập học sinh từng công việc một, việc nào ưu tiên thì ông ghi bằng mực đỏ. Cứ mỗi lần uống trà, ông lại lật nó ra đọc lại và ghi thêm những công việc mới.
Vậy nhưng tiến độ thực hiện của ông không mấy khả quan. Cơ giới đang gấp rút đào mương lên liếp thế nhưng máy móc cứ hư tới hư lui. Thành ra mất khá nhiều thời gian mà mọi chuyện vẫn chưa đâu vào đâu.
Điều làm ông Thành day dứt hơn cả là, hơn nửa năm qua ông đã lội tới lội lui khắp hai bên bờ đầm để cố tìm ra nơi chính tay mình đã chôn cất Liên mà mãi vẫn chưa thể tìm thấy.
Không còn bóng dáng cây su cổ thụ, triền dừa nước um tùm ngày nào cũng không còn. Không còn bất cứ cái gì mà ngày xưa ông Thành từng quen thuộc.
Vài người dân xung quanh tội nghiệp ông, cũng xăng xái phụ ông tìm kiếm nhưng sau đó hoàn toàn vô vọng. Mấy mươi năm qua, mặt đầm đã rộng hơn rất nhiều do triều cường, xoáy lở, cộng với việc đào mương xẻ kinh để dẫn nước nuôi tôm.
Cốt của cô ấy… biết đâu đã… Nghe họ thì thầm bàn tán, ông Thành thực sự thấm thía với câu “thương hải biến vi tang điền”.
Nhưng đào được hơn hai phần ba diện tích thì máy móc lại bị trục trặc, lần này có vẻ phức tạp hơn những lần trước. Thợ cứ hí hoáy với đống sắt thép đầy dầu mỡ đến mấy ngày trời vẫn chưa thấy chút hy vọng nào.
“Chuyến này chắc tụi tui lỗ sặc máu rồi bố già ơi. Miếng đất của ông kỳ cục quá. Động thổ có cúng kiếng đàng hoàng đầy đủ rồi mà vẫn bị vật hoài là sao vậy trời?!”.
Nhìn tay chủ máy vò đầu bứt tai mà ông Thành cũng chẳng biết làm sao hơn. Lớp lớp đất sình ngổn ngang xung quanh khiến ông càng thêm ngán ngẩm. Bao hùng tâm tráng chí lúc mới về đây của ông Thành dường như đã bị hao hụt hết tám chín phần.
***
Trong lúc uống trà, ông Thành đem chuyện máy móc trục trặc ra than thở với người nông dân đã bán cho mình miếng đất ấy. Người chủ đất nhíu mày như cố nhớ ra điều gì, rồi vỗ đét vào đùi, giọng hoảng hốt: “Chết rồi, cháu quên mất chuyện này. Lẽ ra phải nói trước với bác!”.
Rồi anh ta cứ rề rà, cà kê, kể có đầu có đuôi mọi việc mà theo anh ta thì đáng lẽ phải nói rõ trước khi bán đất.
“Theo lời ông già của cháu kể lại thì ngày xưa, bờ đầm không phải ở trong này mà ở tận ngoài kia, tức là cách chỗ bây giờ gần cả công đất. Mà cây cối lúc đó um tùm lắm…” (điều này ông Thành biết rõ hơn anh ta. Thời chiến hễ nghe tiếng máy bay, cứ lẩn vào biền lá xanh hai bên bờ, đố cha thằng phi công nào thấy được).
“Trong một trận chống càn, bên mình đã bắn rớt năm chiếc trực thăng định đổ quân. Bộ đội, du kích hy sinh cũng khá nhiều, sau này phần lớn đã được cải táng về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (chuyện này thì lẽ ra ông phải là người kể còn anh ta ở vị trí người nghe mới đúng). Sau giải phóng, cha của cháu có lần đi bắt cua ven đầm tình cờ thấy một cây su già đã ngã xuống mép nước. Bữa sau quay lại, ổng định cưa cây su già về xẻ ra làm ván, không ngờ chỗ gốc cây su ngã bật ra một cái hốc đất sâu, nhìn kỹ thì thấy toàn xương người. Thiệt ra việc phát hiện xương người trong lúc đào vuông hay làm nhà cửa là chuyện bình thường, không có gì lạ…”.
Vừa nghe đến “cây su già”, ông Thành đã giật thót người, run rẩy đánh rơi cả tách trà trên tay.
Anh nông dân lại nhẩn nha kể tiếp:
“Sau khi phát hiện ra, cha cháu cúng kiếng vái van đủ cả, sau đó mới bốc cốt đem về chôn trên miếng đất của nhà... Nghĩa tử là nghĩa tận bác ơi…”.
Ông Thành không còn kiên nhẫn được nữa, đứng bật dậy:
- Miếng đất đó ở đâu? Bộ hài cốt đó bây giờ ở đâu?
Anh nông dân gãi đầu:
- Dạ… miếng đất đó cháu đã bán cho bác… Mà chắc xáng cuốc cũng cuốc gần tới nơi rồi… Chuyện lâu quá, giờ cháu mới sực nhớ…
- Trời ơi, sao cậu không nói sớm? Cậu có biết cái quên của cậu là có lỗi với vong linh người đã khuất hay không? Và cậu có biết ai đang nằm ở đó hay không? Đó là… (ông Thành định nói đó là Liên, nhưng ông ghìm lại kịp)… Đó là một liệt sĩ, đồng đội của tôi đã hy sinh trên đất Phú Mỹ này! - Ông Thành như hét vào mặt người nông dân trẻ tuổi đang chưng hửng vì thái độ lạ thường của ông.
***
Ngay tối hôm đó, ông Thành một mình mang đèn đi ra chỗ chiếc xáng cuốc bị hư. Theo lời anh nông dân thì: “Chiếc xáng bị hư hoài chắc do cũng ở gần chỗ đó… Mà không chừng ở ngay phía dưới lưỡi xáng cuốc… Cháu nghe tay chủ máy bảo, cứ hễ mỗi lần sửa xong, đem đi đào xung quanh thì không sao nhưng cứ định hạ gàu xuống chỗ gốc cây trâm bầu đó là có trục trặc ngay. Mười lần như một!”.
Đúng là có gốc trâm bầu theo lời mô tả của anh nông dân. Đúng là chỉ vì máy hư nên lưỡi xáng cuốc đã dừng lại cách đó chỉ vài thước.
Ông Thành đặt cây đèn bên cạnh, nhẹ nhàng dùng lưỡi dá đào nhẹ xung quanh gốc trâm bầu. Chỉ sau vài lần đào, một tiếng “cách” đã vang lên. Lưỡi dá chạm phải một vật gì đó.
Toàn thân run rẩy vì xúc động, bỏ cây dá sang một bên, ông Thành dùng tay cào từng lớp đất.
Vật đầu tiên ông nhìn thấy chính là ánh phản chiếu của chiếc đồng hồ Rado quen thuộc…
***
Ngôi nhà vừa cất xong, hai ngàn mét vuông đất còn đang ngổn ngang bờ liếp, ông Thành đã cho người chủ cũ thuê lại với giá rẻ, với ý định sẽ nhờ anh ta trông chừng.
Những dự định ghi trong sổ của ông Thành thực ra đã bị phá sản từ lâu mà ông cố tình không chịu thừa nhận: cả vùng Phú Mỹ này đã bị nước biển xâm thực kể từ khi chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm. Ông Thành cứ đinh ninh, giống như hồi đó, tuy ở ngoài đầm nước mặn nhưng phía trong cây cối vẫn tốt tươi bạt ngàn, lúa mỗi năm một vụ, còn cá đồng thì nhiều vô kể.
Sau những đợt chống càn, muốn bồi bổ bằng tôm tép, cua cá biển thì ra ngoài đầm; ăn ngán thì vót vài cây cần câu cắm ở bờ ruộng, kiếm vài con cá lóc cá trê nấu nồi cháo tống, cả đơn vị ăn không hết. Còn bây giờ, dân ở đây muốn ăn một ngọn rau cũng phải đi mua, vì nhìn đâu cũng thấy toàn vuông tôm nước mặn. Tới mùa nước rong, nước tràn lên sân nhà, nổi phèn mặn chát, không thứ cây con gì sống nổi.
Lúc ông đang nung nấu ý định “về hẳn” ở Phú Mỹ ra sao, giờ ông trở ngược lại cũng y như vậy. Cũng chỉ vài món đồ vặt vãnh, vàng ám một màu phèn mặn. Chỉ mới mấy tháng mà ông Thành đen đúa già sọm hẳn ra, trông giống một lão nông tri điền thứ thiệt chứ không hồng hào tươi nhuận như lúc mới rời chốn quan trường.
***
Mỗi khi có người đến nhà tìm chồng, vợ ông Thành đáp cụt ngủn: “Ổng ở ngoài nghĩa trang, ra đó mà kiếm!”. Nhiều khi, khách lại tưởng ông Thành nhận thêm việc trông coi nghĩa trang, nên hỏi tới thì bà vợ bực bội xẵng giọng: “Có gì đâu. Chẳng qua ổng thích ở với người chết, không thích ở với người sống. Vậy thôi!”.
Với bạn bè, bà còn tiết lộ, rằng toàn bộ số tiền nghỉ chế độ cộng với số vốn gom góp được khi còn đương chức, ông Thành đã trút hết vào hai ngàn mét vuông đất ở Phú Mỹ.
Phải chi miếng đất đó bán lại được, kiếm lời chút đỉnh thì cũng đỡ, đằng này ổng chỉ xách đít về không. Coi như mất trắng.
Mà không, ổng có đem về duy nhất một thứ, đó là bộ hài cốt của người yêu cũ! - Bà vợ chua chát đay nghiến.
Làm sao biết được, sau khi về hưu, trong những cái còn lại, điều gì có giá trị nhất với ông Thành.
Chỉ có mình ông hiểu rõ. Nhất là sau khi ông từ Phú Mỹ trở về.
Truyện ngắn của Lê Minh Nhựt
Bình luận (0)