Người Việt chơi

20/01/2012 09:16 GMT+7

Ăn và Chơi là hai từ đa nghĩa bậc nhất và có lẽ được sử dụng với tần suất cao nhất trong tiếng Việt. Còn nhớ một quyển sách lý thú nhất từng đọc là cuốn “Lịch sử trò chơi”.

 
Cô gái và cành cây. Sơn dầu của Nguyễn Quân

Lịch sử thành người, văn minh, tiến hoá được diễn trình qua sự chơi, trò chơi ở mọi quốc gia, dân tộc.

Dĩ nhiên ham chơi là một thuộc - tính - người, cần để tồn tại và tiến hoá. Nhưng thường đủ ăn rồi mới chơi dữ. Thời kinh tế khá giả các thế kỷ 16 - 19, văn hoá làng người Kinh hoàn chỉnh bậc cổ điển có lẽ là thời hoàng kim của trò chơi, sự chơi. Ngôi đình làng là kiến trúc gỗ nguyên cây đồ sộ bậc nhất - có lẽ trên cả thế giới - là nơi chốn của sự chơi/trò chơi của dân làng - tức mọi người. Trong lòng nó là không gian lễ hội - vui chơi. Các phù điêu toàn cảnh đời sống làng đầy ắp tiếng cười hân hoan, sảng khoái của các trò kéo co, đánh vật, múa lân, chèo thuyền, đi săn, cưỡi ngựa, cưỡi voi… cả cảnh ghẹo gái, tắm tiên nữa. Ngay con rồng cũng vui nhộn tung tăng không uy nghiêm, trấn áp mà chơi đùa, làm mây, làm mưa cùng tiên nữ. Tiên cưỡi rồng là hoạt cảnh chơi từ trần gian lên tiên giới ca ngợi sự chơi - hạnh phúc - lạc quan là tinh chất của giống Tiên Rồng! Xuyên suốt thời gian người Việt mình là người-chơi có hạng và đặc sắc.

Ngoài nghĩa chơi một trò chơi cụ thể, ít nhất còn có mấy sắc thái chính của chơi: Đi chơi, ngồi chơi, nằm chơi, thi chơi, đấu chơi, làm chơi… là không chú tâm, không nghiêm túc, triệt để, không chuyên nghiệp, thực dụng mục đích gì. Chơi một ván chơi, làm một keo chơi… là chơi không nhắm giải hay xếp hạng. Thể thao, bóng đá hiện đại của ta vẫn chơi thế này!

 
Chơi Trung thu. Sơn mài của Bé Ký

Ngược lại Chơi cũng thể hiện quyết tâm, ý chí bền bỉ: Mi muốn chơi tau hỉ? Chơi thì chơi! Lão ấy bị tớ chơi cho mấy vố đau... Chơi ở đây mang thêm sắc thái lạc quan khi làm việc to lớn, cần vui để vượt khó, vượt khổ… Càng dưới lớp bình dân sắc thái lạc quan này càng đậm rõ. Lối sống của dân Việt có nét độc đáo này, đến nay vẫn đậm đà bản sắc. Nhưng thói vừa làm vừa chơi cũng cản trở việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao!

Chơi còn có thể là tiêu dao, lánh đời, giải tán ham hố, là cách tu thân thoát tham - sân - si, thoát vòng bi - ai - hỷ - nộ. Sắc thái chơi này dành riêng cho các vị “có chữ”, trí thức đau đời hoặc đau vì tài không được đời dùng, yếm thế sau các thất bại trên đường “trần ai, ai dễ biết ai”. Đời là một cuộc rong chơi, là du sơn du thủy, bèo dạt mây trôi… thậm chí là một ván tổ tôm lãng mạn “Đời chẳng qua là một ván ù xuông” (Huy Cận). Các tiên ông lý tưởng cũng chỉ có mỗi việc chơi cờ vô mục đích, giết thời gian. Nhiều nghệ sĩ thời ta đây dõng dạc tuyên bố: Nghệ thuật là một cuộc chơi. Có nhẽ để khỏa lấp chất nghiệp dư và nỗi sợ thất bại.

Từ tổ ăn chơi là một từ thú vị nhất của tiếng ta mãi mãi không dịch ra ngoại ngữ nào được. Ăn là nhu cầu sinh học, là ham muốn tinh thần, là ý chí (ăn thua) rất quan thiết. Thế nên Chơi của người Việt là nhu cầu - ham thích và ý chí sống. Đang Xuân này có bao nhiêu triệu người cả tháng ăn các sự chơi, trò chơi với đầy đủ bản sắc dân tộc ta đây?

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.