Người Việt chuẩn bị mâm cúng giao thừa thế nào, tại sao cúng ngoài trời?

21/01/2023 18:02 GMT+7

Với nhiều gia đình Việt, giao thừa thường có mâm cúng ở trong nhà và cả mâm cúng ngoài trời. Đây là thời khắc thiêng liêng đánh dấu thời khắc bắt đầu năm mới. Cách chuẩn bị mâm cúng và ý nghĩa cúng giao thừa là gì?

Lễ giao thừa còn có tên gọi khác là lễ Trừ Tịch (Trừ là giao lại chức quan, Tịch là ban đêm), được cử hành vào đúng thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới. Người ta làm lễ Trừ Tịch để tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới.

Ý nghĩa cúng giao thừa

Theo Nhất Thanh trong Đất lề quê thói, người Việt xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành khiển coi việc trong nhân gian, mỗi vị có một tên riêng với vương hiệu và cũng gọi là Đương niên chi thần. Mỗi vị Hành khiển có một vị phụ tá là phán quan.

Có 12 vị Hành khiển luân phiên kể từ năm Tý đến năm Hợi là 12 năm, hết lượt quay trở lại năm Tý với vị Hành khiển của năm ấy.

Dân gian cũng cho rằng, Hành khiển có ông thiện, ông ác. Có năm trời ra tai hạn hán lụt lội mất mùa đói kém hay dịch tễ chết hại, là do sớ tấu của Hành khiển, trừng phạt vua quan không có nhân chính hay dân ăn ở càn rỡ.

Nhân viên đường sắt chuẩn bị mâm cúng giao thừa trên tàu

phạm hữu

Lễ Trừ Tịch tiễn và đón các vị Hành khiển Phán quan của năm cũ năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ. Các thôn xã thiết lập hương án nơi trung thiên, ở sân đình, ở Văn chỉ, có khi ở ngã ba trước điếm canh, vàng hương trầu rượu, hoa quả xôi gà, tế lễ trọng thể, trống chiêng vang dậy đêm khuya, nhưng tư gia thì không làm riêng lễ Trừ Tịch.

Người ta cho rằng, vì việc bàn giao tiếp quản diễn ra hết sức khẩn trương nên các vị không có thời gian vào bên trong nhà mà chỉ có thể ở ngoài sân chứng kiến lòng thành của chủ nhà.

Vì vậy mà nhiều người tin rằng mâm cúng càng thịnh soạn sẽ càng được may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. Còn mâm cúng giao thừa trong nhà để thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.

Do đó, mâm cúng giao thừa của mỗi gia đình thường được chăm chút để cảm ơn đất trời, ông bà tổ tiên. Ngày trước, vừa xong mâm cơm cúng tất niên vào chiều 30 Tết, cả nhà lại cùng nhau chuẩn bị mâm cúng giao thừa.

Mâm cúng giao thừa chuẩn bị thế nào?

TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết, mâm cúng giao thừa của người miền Nam và miền Bắc thường khác nhau.

Có người chú trọng chuẩn bị mâm cúng giao thừa theo các món ăn truyền thống, đặc trưng vùng miền, nhưng có những nhà trong gia đình có sẵn món gì thì cúng món đó.

Mâm cúng giao thừa của một gia đình Việt

V.P

Thông thường, mâm cúng giao thừa của người miền Nam thường có món bánh tét, mứt gừng, quả dưa hấu xanh, món thịt kho tàu; trong khi đó một số gia đình ở miền Bắc thì cúng bánh chưng hay những món bánh, kẹo mà gia đình mua về ăn Tết kèm theo mâm ngũ quả.

“Món cúng của người miền Nam thường mang ý nghĩa biểu tượng, như thịt kho tàu có hình vuông tròn, mang biểu tượng âm dương; canh khổ qua là khổ đã qua, những chuyện buồn bực của năm cũ là bỏ qua hết; bánh tét là nói trại từ bánh tết, hình dáng tròn trịa thể hiện sự dư dả, phồn vinh trong gia đình”, TS Dương Hoàng Lộc giải thích.

Mâm cúng của những gia đình có cúng món mặn của người miền Bắc thường có đĩa chả giò, nem rán, tô canh, con gà luộc. Sau khi cúng giao thừa, người miền Bắc thường cúng cơm ông bà cho đến ngày đốt vàng mới thôi.

Một số tài liệu cho rằng, tục cúng gà luộc trong đêm giao thừa thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp. Con gà luộc ngậm bông hoa sẽ làm cho bàn thờ ngày Tết thêm trang trọng, ấm áp. Người Việt tin rằng gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín.

Ông Lộc cũng cho biết, ngày trước cúng kiếng tổ tiên các cụ chuẩn bị rất kỹ, cúng từ 30 tới mùng 3 Tết. Một ngày cúng từ 2 - 3 lần, ăn gì cúng nấy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.