Người Việt du học Nhật giảm
Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), trực thuộc Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản, hồi tháng 5.2024 công bố thống kê về số du học sinh ở nước này tính đến đầu tháng 5.2023. Việt Nam có 36.339 người, giảm 2,8% so với năm 2022 và là quốc gia duy nhất sụt giảm về số lượng trong top 5 nước đông du học sinh nhất tại Nhật. Việt Nam cũng chiếm 13% tổng số sinh viên nước ngoài du học Nhật.
Đáng chú ý, Nhật Bản từ điểm đến được du học sinh Việt ưa chuộng nhất, vượt qua các nước phương Tây hay Hàn Quốc vào những năm 2018-2019 khi liên tục có hơn 72.000 người lựa chọn, nay chứng kiến mức giảm hơn 50%. Không chỉ giảm mạnh, số du học sinh Việt tại Nhật Bản còn giảm liên tục từ 2019 đến nay. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam đứng thứ 3 về số du học sinh sau khi liên tục giữ vị trí thứ 2 từ 2014.
Trước đó, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 5 từ năm 2005 và chứng kiến sự tăng trưởng liên tục, chính thức đạt đỉnh vào năm 2019 với 73.389 du học sinh.
Trong top 5, dẫn đầu nhiều năm qua về số du học sinh luôn là Trung Quốc. Nepal thường đứng thứ 3, nay tăng trưởng 56,2%, lên đến 37.878 người và "soán ngôi" thứ 2 của Việt Nam. Một quốc gia khác có mức tăng "khủng" tương tự là Myanmar với 103,9%, vượt Indonesia để xếp thứ 5. Trong khi đó, Hàn Quốc tăng nhẹ 1.245 người, tiếp tục giữ hạng 4 về số du học sinh tại Nhật Bản.
Tuy đứng thứ 3 về tổng số du học sinh, Việt Nam lại xếp thứ 2 về số lượng du học sinh theo học toàn thời gian tại các cơ sở giáo dục ĐH của Nhật với 22.353 người, chiếm 11,9%. Ngoài ra, có 448 người Việt du học ngắn hạn ở các cơ sở giáo dục ĐH nước này, tăng 196 người so với năm 2022. Đây cũng là chỉ số duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng của Việt Nam.
Báo cáo cũng chỉ ra, 3 nhóm ngành tại Nhật Bản được sinh viên quốc tế theo học nhiều nhất là khoa học xã hội (chiếm 30,5%), nhân văn (23,1%), kỹ thuật (18,6%). 3 vùng thu hút đông du học sinh nhất là Kanto (chiếm 48,9%), Kinki (22,6%), Kyushu (10%). Còn 3 trường ĐH lớn có nhiều sinh viên quốc tế nhất là ĐH Waseda (với 5.560 người), ĐH Tokyo (4.658) và ĐH Ritsumeikan (3.027).
Du học Nhật đang đắt đỏ hơn?
Theo báo cáo của JASSO, 2023 cũng là năm đầu tiên ghi nhận sự tăng trưởng về số du học sinh tại Nhật Bản sau 4 năm kể từ khi nước này dỡ bỏ các quy định hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19, với tổng cộng khoảng 280.000 người. Đồng thời, Nhật Bản còn ghi nhận mức kỷ lục về số sinh viên quốc tế đăng ký học ở các cơ sở dạy tiếng Nhật, tăng hơn 83% so với năm 2022.
Trả lời trang tin giáo dục quốc tế The PIE News, ông Kuniko Takeda, Phó giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế từ Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản, nhận định những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm khôi phục số sinh viên quốc tế, vốn đã giảm đáng kể do ảnh hưởng của Covid-19, đang cho thấy kết quả ổn định.
Ông Takeda cho biết thêm, các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng này bao gồm môi trường nghiên cứu học thuật hấp dẫn, đời sống an toàn và chi phí phải chăng, nền văn hóa độc đáo cùng mạng lưới các cựu du học sinh tại quê nhà. "Đồng thời, chúng tôi nhận thấy còn nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa việc trao đổi sinh viên quốc tế và muốn tăng cường nỗ lực ở khía cạnh này", đại diện cơ quan giáo dục Nhật Bản chia sẻ.
Trước đó, hồi tháng 3, Nhật Bản quyết định sẽ dỡ bỏ mức trần học phí đối với sinh viên quốc tế tại 86 trường ĐH quốc gia và cho phép các trường được tăng học phí ở mức tối đa là 20%. Động thái này nhằm cải thiện trải nghiệm học tập cho du học sinh và khuyến khích các trường cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho các bạn. Hiện tại, mức "tiêu chuẩn" là 535.800 JPY và các trường có thể tăng tối đa đến 642.960 JPY (103 triệu đồng).
Mới đây nhất, ĐH Tokyo, ngôi trường hàng đầu xứ sở hoa anh đào và thu hút đông sinh viên quốc tế thứ 2 tại Nhật, hôm 16.5 thông báo trên trang tin nội bộ rằng dự kiến tăng học phí từ 2025. Trên website chính thức, ông Teruo Fujii, Hiệu trưởng ĐH Tokyo, cho biết học phí đã không thay đổi trong 20 năm qua kể từ khi thành lập. Song, điều này lại khiến trường rơi vào nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Hiện, 7/86 trường ĐH quốc gia của Nhật Bản đang thu học phí cao hơn mức "tiêu chuẩn". Tuy nhiên, giới quan sát nhận định mức phí này vẫn "dễ chịu" hơn nhiều so với các điểm đến du học truyền thống như Mỹ, Anh, Canada, Úc. Nhật Bản cũng đang đặt mục tiêu thu hút 400.000 sinh viên quốc tế vào năm 2033, gấp đôi mức hiện tại, đồng thời tăng số lượng sinh viên bản địa đi du học lên 500.000 người.
Bình luận (0)