Người Việt được trực tiếp ngắm nhật thực toàn phần xưa nay hiếm ở Bắc Mỹ

09/04/2024 12:21 GMT+7

Nhiều người Việt ở Bắc Mỹ, Canada... vô cùng háo hức khi chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần. Hạnh phúc hơn khi họ được hoà chung không khí cùng người dân địa phương hay được công ty cho nghỉ 30 phút để chứng kiến tượng hiếm có.

Chiều hôm 8.4 (rạng sáng 9.4 theo giờ Việt Nam) nhật thực toàn phần được nhìn thấy ở miền bắc Mexico, một phần của 15 tiểu bang Mỹ và miền đông nam Canada.

Đây là một trong những nhật thực được theo dõi nhiều nhất từ trước đến nay với hơn 32 triệu người sống trong đường nhật thực toàn phần, tuyến đường rộng 185 km xuyên qua Bắc Mỹ, nơi mặt trăng sẽ bao phủ 100% đĩa mặt trời.

Phạm Minh Mẫn (26 tuổi) hiện đang học tập và làm việc tại TP.Guelph, Ontario, Canada là một trong những người Việt được chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này.

Gần 1 tháng trước, Mẫn đã thấy báo đài địa phương đăng tin về sự kiện nhật thực sắp diễn ra. Những ngày gần tới sự kiện, các trang truyền thông trên mạng xã hội như Instagram hay Facebook đồng loạt đưa tin, nhắc người dân bảo vệ mắt bằng cách mang kính xem nhật thực có tiêu chuẩn ISO 12312-2.

Nhật thực thời điểm 14 giờ 40 phút (sau khi bắt đầu khoảng 20 phút) ở thành phố Guelph, Ontario, Canada.

Nhật thực thời điểm 14 giờ 40 phút (sau khi bắt đầu khoảng 20 phút) ở thành phố Guelph, Ontario, Canada.

Minh Mẫn

Nhật thực toàn phần trăm năm có một xuất hiện: Việt Nam bao giờ sẽ có?

Tại thành phố Guelph, diễn ra sự kiện mọi người cùng xem nhật thực chung với nhau. Ví dụ như thư viện công cộng Guelph Public Library phát hơn 10.000 kính miễn phí cho người dân xem. Hoặc trường đại học Guelph, khoa vật lý học, có giảng viên mang kính viễn vọng được trang bị đầy đủ để sinh viên được xem nhất thực một cách trọn vẹn nhất.

Hòa mình vào không khí chung của thành phố, Mẫn thấy tất cả mọi người đều hào hứng với việc xem nhật thực. Đường sá trước giờ nhật thực toàn phần rất đông đúc, mọi người di chuyển ra công viên, ở đây họ có thể nằm xuống để xem.

Nhật thực ở nơi Mẫn sống bắt đầu từ 14 giờ 30 phút, đạt đỉnh điểm lúc 15 giờ 5 phút và kết thúc hoàn toàn vào khoảng 16 giờ. Vì đã chuẩn bị kính đạt chuẩn để xem nên Mẫn chiêm ngưỡng được trọn vẹn nhật thực, không bị mỏi mắt.

"Mình rất kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên trong đời mình chiêm ngưỡng nhật thực một cách trọn vẹn. Lúc đạt đỉnh điểm, bầu trời trở nên tối như ban đêm và mọi người bắt đầu vỗ tay hoặc thốt lên nhiều câu cảm thán trước vẻ đẹp của thiên nhiên", Mẫn kể.

Cảnh trời tối đi và nhật thực toàn phần ở thành phố Guelph, Ontario, Canada.

Anh Đặng Sơn (58 tuổi) hiện đang sống ở Texas, Mỹ chia sẻ cũng biết trước thông tin về nhật thực trên báo đài. Đang trong giờ làm việc tại một hãng in, anh Sơn bất ngờ được công ty cho phép tạm nghỉ để có thể ra ngoài ngắm nhật thực.

"Chủ hãng in chuẩn bị kính và thức ăn nhẹ để nhân viên cùng nhau xem. Nơi tôi sống nhật thực diễn ra vào lúc 13 giờ 35 phút và toàn phần được khoảng 4 phút. Mọi người ở công ty có khoảng 30 phút để trải qua những giây phút háo hức chờ đợi, chiêm ngưỡng hiện tượng tự nhiên tuyệt vời này.

Người Việt được trực tiếp ngắm nhật thực toàn phần xưa nay hiếm ở Bắc Mỹ- Ảnh 2.

Anh Sơn được công ty chuẩn bị kính để ngắm nhật thực.

NVCC

Toàn cảnh xem nhật thực ở nơi anh Sơn đang làm việc, Texas, Mỹ. 

Theo quan sát của anh, nhiều người Việt ở đây không săn tìm mua kính để có thể chiêm ngưỡng khoảnh khắc nhật thực. Đến khi thấy trời tối hẳn, vào khoảng 13 giờ 30 thì mới ra ngoài để ngắm nhìn. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều, khi trực tiếp ngắm nhìn những khoảnh khắc hiếm có của nhật thực, mọi người ai cũng tỏ ra ngạc nhiên và thích thú.

Khoảnh khắc nhật thực tại TP.Bloomington, bang Indiana, Mỹ.

Khoảnh khắc nhật thực tại TP.Bloomington, bang Indiana, Mỹ.

Hạnh Nguyên

Chị Bùi Hạnh Nguyên, hiện đang sống tại TP.Bloomington, bang Indiana, Mỹ cho biết hiện tượng nhật thực kéo dài từ 13 giờ 45 phút, toàn phần vào lúc 15 giờ 5 phút. 

 "Chỗ mình sống trời nắng gắt nhưng khoảnh khắc mặt trăng che mặt trời thì bắt đầu tối dần, nhiệt độ giảm theo, từ nóng đến mát rồi có chút lạnh luôn. Lúc nhật thực toàn phần thì trời tối om, thấy được cả sao. Chứng kiến khoảnh khắc hiếm có mình bất ngờ đến "nổi cả da gà", chị Nguyên kể. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.