Người Việt kiện Hãng Apple, được không ?

Phan Thương
Phan Thương
04/03/2018 09:02 GMT+7

Việc hai luật sư ở Hà Nội nộp đơn kiện Apple thu hút dư luận thời gian qua.

Tuy nhiên, đến nay đơn khởi kiện vẫn chưa được tòa án thông báo có thụ lý hay không, khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính khả thi của vụ kiện.
Trả lời PV Thanh Niên ngày 27.2, ông Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng (luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết sau khi nộp đơn khởi kiện đại diện chính thức của Apple tại VN là Công ty TNHH Apple VN vào ngày 10.1, đến nay TAND TP.HCM vẫn chưa có thông báo thụ lý đơn khởi kiện đối với vụ án.
Cố ý gây khuyết tật để tăng lợi nhuận
 
Trả lời PV Thanh Niên về lý do chưa thụ lý đơn khởi kiện của ông Hùng và ông Tùng, TAND TP.HCM cho biết vẫn đang yêu cầu và chờ nguyên đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ.
 
Trong đơn khởi kiện kèm hồ sơ, tài liệu hơn 600 trang, 2 nguyên đơn cho rằng Apple đã cố tình làm chậm iPhone cũ thông qua việc phát hành, cập nhật phiên bản hệ điều hành mới làm giảm hiệu suất trên các phiên bản điện thoại iPhone 6, iPhone 6 Plus, iPhone 6S, iPhone 7, iPhone 7 Plus và iPhone SE, mà không hề thông báo trước.
Căn cứ để khởi kiện Apple, nguyên đơn cho biết ngày 28.12.2017, đại diện Apple INC đã chính thức thông báo xin lỗi người tiêu dùng trên toàn thế giới vì hành động làm chậm iPhone cũ thông qua việc phát hành phiên bản hệ điều hành mới.
“Việc Apple INC xin lỗi công khai và thừa nhận lỗi này được đăng tải trên website của hãng, nhưng không kèm theo chính sách bồi thường thiệt hại hay giải pháp nhanh chóng khắc phục lỗi cho người tiêu dùng là phủi trách nhiệm”, nguyên đơn nêu trong đơn khởi kiện.

Ngoài ra, theo ông Hùng, ngoài việc xin lỗi trên, Apple INC còn đưa ra khuyến nghị thay pin để đảm bảo hiệu suất máy khiến người tiêu dùng có thể thiệt hại nhiều về kinh tế. “Việc làm này của Apple INC không những không phải là giải pháp tích cực cho người tiêu dùng mà còn làm một giải pháp mang tính kinh doanh, nhằm gia tăng tối đa lợi nhuận cho Apple INC”, ông Hùng nhận định.
Nguyên đơn cũng khẳng định việc phát hành hệ điều hành mới cho các sản phẩm iPhone của Apple INC là hành động cố ý gây khuyết tật kỹ thuật cho sản phẩm để buộc người tiêu dùng phải đứng trước hai lựa chọn: thay pin mới cho dòng điện thoại cũ hoặc mua máy mới, với mục đích duy nhất là tăng hiệu quả kinh doanh.
“Và dù là lựa chọn phương án nào thì người tiêu dùng chúng tôi cũng bị thiệt hại với lỗi cố ý của nhà sản xuất nên buộc chúng tôi phải đòi quyền lợi cho mình và những người tiêu dùng khác trên toàn lãnh thổ VN”, ông Hùng chia sẻ.
Từ đó, với tư cách vừa là người tiêu dùng vừa là luật sư, 2 nguyên đơn yêu cầu TAND TP.HCM buộc Apple INC đưa ra các giải pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả và chấm dứt việc gây thiệt hại cho nguyên đơn cũng như người tiêu dùng tại VN khi sử dụng sản phẩm điện thoại iPhone; đối với những sản phẩm đã bị lỗi, khuyết tật về kỹ thuật, tức đã bị suy giảm hiệu suất của điện thoại và suy giảm một số tính năng khác do sử dụng bản cập nhật hệ điều hành mới, nguyên đơn yêu cầu bị đơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng cách sửa chữa phần mềm, hệ điều hành để sản phẩm trở về đúng hiệu năng ban đầu, hoặc thay pin miễn phí.
Hàng ngàn người muốn kiện cùng phải làm gì ?

Song song với việc nộp đơn khởi kiện, 2 nguyên đơn đã lập một địa chỉ website để những người dùng iPhone tại VN gặp tình huống tương tự có thể đăng ký tham gia vụ kiện. Đến chiều 27.2, đã có 4.717 người tiêu dùng VN đăng ký tham gia vụ kiện tại địa chỉ này.
Với những người đã đăng ký tham gia vụ kiện, ông Hùng cho biết thông qua số điện thoại và email đăng ký, ông sẽ cung cấp phiếu thông tin để họ đưa ra yêu cầu của mình. Sau đó, 2 nguyên đơn sẽ đề nghị tòa đưa những cá nhân này tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc đồng nguyên đơn.
“Việc kêu gọi người tiêu dùng VN cùng khởi kiện là cách buộc nâng cao trách nhiệm của nhà phân phối sản phẩm, và để người tiêu dùng VN không còn dễ tính, an phận với sản phẩm mình đã lựa chọn sử dụng”, ông Hùng nói.
Với phương án kêu gọi khởi kiện thông qua hình thức đăng ký trên website, ông Nguyễn Công Phú, Thẩm phán Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM), cho rằng khởi kiện ra tòa là quyền của người tiêu dùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình. Tuy nhiên, để tòa chấp nhận phương thức này thì người tiêu dùng cần làm đúng các thủ tục về tố tụng được quy định tại bộ luật Tố tụng dân sự cũng như luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, theo ông Phú, cá nhân phải tự khởi kiện vụ án để yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với những người đăng ký cùng tham gia vụ kiện, để tòa thụ lý, thì phải đồng ký vào một đơn khởi kiện chung hoặc mỗi cá nhân có một đơn khởi kiện riêng gửi đến tòa. Khi đó, những cá nhân này có cùng một yêu cầu đối với cùng một tổ chức thì tòa án sẽ nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án. “Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không cho phép ủy quyền khởi kiện mà chỉ cho ủy quyền tham gia tố tụng”, ông Phú nhấn mạnh.
Về đề nghị đưa những người đăng ký trên website tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, theo ông Phú, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được tòa án chấp nhận.
“Trường hợp người tiêu dùng muốn đề nghị tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì họ cần phải làm đơn đề nghị gửi tòa án, trong đó trình bày rõ căn cứ của đề nghị này để tòa xem xét, chứ không đề nghị thông qua một tổ chức trung gian. Khi xem xét, giải quyết vụ án, nếu thấy thực sự có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của những người tiêu dùng khác thì tòa án mới chấp nhận đưa vào, nếu không liên quan thì không đưa vào”, ông Phú nói.
Bộ Tư pháp Mỹ điều tra Apple
Bức thư xin lỗi khách hàng của Apple  Chụp từ màn hình website của Apple
Bức thư xin lỗi khách hàng của Apple Chụp từ màn hình website của Apple

Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Apple cung cấp thông tin liên quan đến cáo buộc hãng sử dụng các bản cập nhật phần mềm để làm chậm hiệu suất của một số dòng iPhone đời cũ. Theo Bloomberg, cuộc điều tra do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ tiến hành, Apple cam kết sẽ hợp tác, cung cấp bằng chứng theo yêu cầu. Trước đó, hãng này đã đăng thư xin lỗi khách hàng và giảm 63% chi phí thay pin trên các phiên bản iPhone. Apple cũng thông báo đang cân nhắc khả năng hoàn một phần tiền cho những người đã mua pin mới trước khi hãng có chính sách giảm giá. Tuy vậy, hiện “nhà Táo” đang đối diện khoảng 60 vụ kiện trên khắp thế giới, trong đó có nhiều vụ ở Mỹ, Israel, Pháp…, theo trang tin MacRumors.com. Trong đó, gây chú ý nhất là vụ nguyên đơn Violetta Mailyan ở bang California (Mỹ) đòi bồi thường số tiền lên đến gần 1.000 tỉ USD. Một số nguồn tin cho biết giới hữu trách Mỹ đang nghiên cứu gộp tất cả các đơn kiện ở nước này thành một hồ sơ chung để thụ lý.
Huỳnh Thiềm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.