Người Việt làm game: Clone hay không clone?

25/04/2014 08:00 GMT+7

Xin trả lời chắc chắn rằng bản thân việc clone là không xấu mà cái xấu tùy thuộc vào cách clone của các nhà phát triển.

Ngành phát triển game di động Việt không nhờ Flappy bird mà phát triển

Khi smartphone với công nghệ và sức mạnh càng ngày càng phát triển, cùng với đó là nhu cầu sử dụng các thiết bị di động để phục vụ cho công việc và giải trí cũng ngày một nâng cao. Không nằm ngoài quy luật chung, game cũng phải thay đổi để phù hợp.Điều đó được chứng minh bằng sự lớn mạnh không ngừng của ngành game dành riêng cho các thiết bị di động, ngành mà đem lại doanh thu nhiều tỉ đô hằng năm cho các nhà phát triển game. Game mobile là hướng phát triển của ngành game thế giới nói chung và các nhà phát triển game của chính Việt Nam.

Thời gian gần đây việc làm game của các nhà phát triển tại Việt Nam thật sự sôi nổi hơn bao giờ hết, có rất nhiều người nói thành công của Flappy bird là nguyên nhân thúc đấy các nhà phát triển game ở Việt Nam? Nhưng về cá nhân người viết, tôi nghĩ nên đính chính lại rằng: "Sau Flappy bird, ngành phát triển game mobile của Việt Nam được chú ý nhiều hơn từ dư luận trong và ngoài nước. Flappy bird không phải là đại diện của ngành game di động Việt và cũng không phải vì nó mà ngành game Việt phát triển".

Flappy bird là niềm tự hào, nhưng nó không đại diện cho cả ngành game Việt (Ảnh: GG)

Cho dù Flappy bird có đủ lí do để trở thành niềm tự hào của ngành lập trình game Việt đi chăng nữa, thì sự thật rằng trước nó, ngành công nghiệp game di động tại Việt Nam đã và đang được xây dựng bằng công sức của rất nhiều studio lớn nhỏ, hoặc các nhà phát triển game độc lập có nhiều sản phẩm được đưa lên các chợ ứng dụng khác nhau. Không ít trong số đó đã có những thành công nhất định.

Với số tiền khổng lồ mà ngành game mobile mang lại, giữa sự cạnh tranh của rất nhiều đơn vị phát triển game trên thế giới, đâu là hướng đi cho các nhà phát triển game của Việt Nam?

Kế từ khi Flappy bird bắt đầu được biết đến kéo dài cho đến gần đây, đã có rất nhiều ý kiến - đặc biệt là của giới truyền thông và trên mạng xã hội - cho rằng các nhà phát triển game độc lập của Việt Nam thường chỉ làm ra các bản game đạo ý tưởng hoặc thậm chí là "clone" game - tức sao chép nguyên xi từ gameplay cho tới cả dữ liệu bên trong như hình ảnh, âm thanh…

Vậy nên clone hay không clone, clone là đúng hay sai, clone như thế nào cho đúng...? Có rất nhiều câu trả lời cho những câu hỏi này. Và nên nhớ, cái gì cũng phải có 2 mặt chứ không đơn thuần chỉ là vài nhận xét cảm tính và những lời phán "thôi đừng mơ mộng nhiều" nói cứ như đúng rồi.

Clone hay không clone?

Xin trả lời chắc chắn rằng bản thân việc clone là không xấu mà cái xấu tùy thuộc vào cách clone của các nhà phát triển. Clone game thích hợp với các bạn trẻ mới làm game với tiêu chí clone để học hỏi, clone để hiểu sâu hơn hay đơn giản clone để tạo ra lại các game yêu thích của bản thân.

Clone game còn thích hợp với các nhà phát triển mới khi chưa có đủ các điều kiện về con người, kỹ thuật cũng như kinh phí phát triển. Việc dựa trên ý tưởng đã có sẵn là một hướng đi đúng đắn nếu biết kết hợp thêm sự sáng tạo và cái tôi cá nhân vào trong chính sản phẩm game của mình.

Gần đây nhất, sự thành công của game 2048 là một ví dụ về việc clone game kết hợp với cái tôi của bản thân lập trình viên 19 tuổi người Ý Gabriele Cirulli. Nhiều người nhận ra được 2048 rõ ràng là một phiên bản làm mới của Threes - một sản phẩm game mobile cũng đã rất thành công được ra đời trước đó không lâu.

Clone game, thành công hay là chết tùy thuộc vào cách clone của người làm game (Ảnh: Slashattack)

Nhưng mặt trái việc clone game quá nhiều lại làm các nhà phát triển chỉ quá tập trung vào việc sao chép những sản phẩm game đã thành công thay vì sáng tạo để tạo ra những sản phẩm riêng biệt. Vì vậy clone game vừa là bước đi khả dĩ nhất trong thời kỳ đầu, cũng vừa là "con dao hai lưỡi" giết chết sự sáng tạo và "bít đường" phát triển của các cá nhân, studio hay cả một nền công nghiệp game còn non trẻ.

Phiên bản xấu xí nhất của việc clone game chính là "ăn cắp" toàn bộ nguồn dữ liệu của các game khác, tạo ra những phiên bản nhái giống y chang và kiếm tiền bằng các chiêu trò trong game để móc túi người chơi.

Một số trường hợp khác cũng sao chép nhưng lại không hề tập trung đến chất lượng sản phẩm, đầu tư về nội dung. Nên có hàng loạt các sản phẩm game của các nhà phát triển Việt ra đời với chất lượng cực kì kém. Bạn có thể thấy được điều đó rõ ràng khi vào chợ ứng dụng của Android nơi mà sự kiểm duyệt không được chặt chẽ như iOS.

Thành công đòi hỏi sự khác biệt, niềm tin, bản lĩnh và một chút may mắn

Tuy nhiên, không thể từ cái nhìn chủ quan đó mà nói các nhà phát triển game Việt chỉ biết clone mà không biết sáng tạo phát triển những tựa game riêng, hoặc không làm chủ được công nghệ chỉ biết chạy theo những sản phẩm đã thành công. Thực tế đã có những nhà phát triển tự biết chọn cho mình những hướng đi riêng và các sản phẩm đã có những ấn tượng trong và ngoài nước.

Trước đây chúng ta có những Rip off  của ColorBox hay gần đây là Flappy Bird thành công với những thị trường game mobile quốc tế. Mới nhất là những sản phẩm thật sự ấn tượng, với Chiến binh CS của JOY Entertainment, Sweet madness của Guava7, Ninja revenge của DivMob hay Freaking math và nhiều game khác nữa với sự đầu tư rõ ràng về đồ họa, nội dung hoặc làm mới hoàn toàn gameplay.

Tất cả những game trên đều đã gây được sự chú ý và thích thú cho cộng đồng người chơi game di động ở thị trường quốc tế; riêng Chiến binh CS, nhờ có được sự hợp tác với 2 nhà phát hành trong nước, đã chọn hướng đi lên từ chính "sân nhà". Hi vọng đây sẽ là hướng đi mà các nhà phát triển game lựa chọn để phát triển và cũng là tiền đề để xuất hiện nhiều game hay, chất lượng bằng việc đầu tư công sức và nội dung thay vì tập trung vào việc clone những game đã có sẵn. Và tất cả những tựa game, những studio kể trên đang là "đầu tàu" để kéo tư tưởng làm game của người Việt đi lên - rất chậm rãi, từ từ nhưng vững chắc.

Có một câu nói rất hay: "Không có ý tưởng nào tồi - chỉ vì cách bạn làm ra nó chưa tốt mà thôi". Vì vậy, đừng viện cớ rằng với hàng nghìn game mobile đang có, ý tưởng mới là không còn nên cách tốt nhất là clone những sản phẩm đang thành công.

Không có ý tưởng nào tồi - chỉ vì cách bạn làm ra nó chưa tốt mà thôi (Ảnh: 9Gag)

Ý tưởng hoàn toàn có thể không mới nhưng cách làm mới cũng đã cho ra đời một sản phẩm với bản chất và hình thái riêng. Đừng hi vọng sản phẩm của các bạn sẽ thành công chỉ với công thức clone sản phẩm người khác. Thành công chỉ thật sự đến khi bạn có sự khác biệt, niềm tin, bản lĩnh và có thể là cần thêm một chút may mắn.

Chúng ta hãy mong chờ, hi vọng sau những gì những nhà phát triển game Việt đã có trong thời gian qua là bước đệm để cho ra đời nhiều sản phẩm game Việt. Đưa Việt Nam trở thành nơi có thể cho ra đời những sản phẩm game từ đầu chứ không phải là nơi chỉ gia công hoặc phát hành lại game của những đất nước khác.

Những kỳ vọng đó có trở thành hiện thực được hay không phụ thuộc và cái “tầm” và cái “tâm” của các nhà phát triển game di động Việt, vào sự ủng hộ của game thủ Việt, và vào sự sáng suốt của giới truyền thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.