Người Việt mang chuông đồng, tượng Phật sang Hungary xây chùa

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/02/2019 10:12 GMT+7

Bà Phan Bích Thiện rất nhớ những ngày còn là thiếu nữ ở Hà Nội, chiều chiều lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng. Hơn 40 năm sau, khi đã định cư Hungary, ước vọng lắng nghe chuông chùa Việt ở chốn này đã thành hiện thực.

Mang chuông đồng, tượng Phật từ Việt Nam sang Hungary

Ngày 19.9.2018, chùa Đại Bi, ngôi chùa Việt đầu tiên được chính quyền Hungary chính thức cấp phép xây dựng đã khánh thành tại thành phố Simontornya, cách thủ đô Budapest 140 km. Kinh phí xây chùa được tài trợ chính từ Quỹ quan hệ Việt Nam - Hungary. Người có công đầu tiên trong việc vận động tài trợ kinh phí, đặt người tạc tượng Phật, đúc chuông… từ Việt Nam mang sang ngôi chùa này chính là tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện, chủ sở hữu khách sạn lâu đài Fried ở Hungary.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Thiện nói: “Mặc dù đã hội nhập hoàn toàn với cuộc sống ở Hungary, coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình, dẫu là ở nhà cũng có bàn thờ đầy đủ, ngày rằm, mồng một, lễ tết đều thắp hương nhưng tôi vẫn thấy thiếu điều gì đó...".
"Tôi nhớ không gian tĩnh lặng trong ngôi chùa trong ngõ nhỏ ngày xưa, nhớ không khí trang nghiêm tĩnh mịch pha chút huyền bí của những ngôi chùa cổ được ghé thăm mỗi lần về quê, thèm được nghe tiếng chuông chùa khi hoàng hôn xuống. Càng nhiều tuổi, tôi càng cảm nhận được ngôi chùa không chỉ đơn thuần là nơi đến để lễ lạt cầu xin mà mái chùa, sân chùa, tiếng chuông chùa đã gắn liền vào tâm thức của mình, là một phần của cuộc sống”, bà kể.
Vật liệu xây chùa đều được mang từ Việt Nam sang Hungary
Từ chùa Đại Bi nhìn xuống thành phố Simontornya Phan Bích Thiện
Theo bà Thiện, chùa được xây trên đồi cao, tạo thế “tựa sơn hướng thủy”, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông. Với quan niệm ở đâu có người Việt, ở đó có chùa, ngôi chùa Đại Bi tuy không lớn nhưng mang phong cách rất Việt Nam với mái kép cong và rồng chầu trên mái.
Để xây dựng một ngôi chùa đúng hồn Việt, trong các chuyến về thăm Việt Nam, bà Thiện đã đi thăm rất nhiều các ngôi chùa, gặp gỡ các thầy, các thợ cũng như đọc sách để tìm hiểu về kiến trúc cũng như cách thiết kế chùa Việt.
Ngay từ khi bắt đầu lên ý tưởng thiết kế cho đến lúc thực hiện toàn bộ quá trình xây dựng, bà Thiện và ban quản lý luôn mong chùa Đại Bi sẽ mang đầy đủ nét Việt, từ nguyên vật liệu đến nội thất bên trong đều được mang từ Việt Nam sang.
Tượng Phật Quan Âm đứng trước chùa nhưng không hướng thẳng mà hướng về phía chân con đường là các bậc thang để bước lên chùa với ý nghĩa như dẫn dắt mọi người từ dưới đi lên chùa hướng về Phật. Tượng này được làm bằng đá hoa cương do các nghệ nhân ở Đà Nẵng làm, sau đó bà Thiện chuyển sang Hungary.
Tượng Phật A Di Đà được đúc bằng đồng đỏ do các nghệ nhân tại Ý Yên, Nam Định đúc. Chuông được đúc tại Huế. Cửa chùa bằng gỗ chạm tứ quý và tứ linh. Trong chùa có 4 tấm tranh gốm 4 mùa tứ quý làm từ làng nghề Bát Tràng.
Bà Phan Bích Thiện giới thiệu cho quan khách chuông được đúc ở Huế mang sang chùa tại Hungary
Các sư thầy và khách trước chùa Đại Bi trong ngày khánh thành, bà Phan Bích Thiện đứng thứ 3 từ phải sang
Bà Phan Bích Thiện trong vườn đào Hà Nội tết 2019
Xung quanh chùa Đại Bi là những cột có đèn hoa sen bằng đá hoa cương. Giữa sân chùa có đài phun nước hoa sen. Hai bên cửa chùa là tượng quan văn - quan võ mang ý nghĩa mỗi con người vừa phải tu luyện cả về kiến thức cũng như thể lực. Hai bên bậc thang là hai tượng rồng chầu. Mặc dù ngôi chùa tuy nhỏ nhưng bao gồm ý nghĩa của cả cuộc sống và thế giới trong văn hóa Việt.

Quê hương như ở bên mình

Bà Phan Bích Thiện rất nhớ những ngày còn là thiếu nữ ở trong ngôi nhà nhỏ ven Hồ Tây, Hà Nội, chiều chiều nghe tiếng chuông chùa vang vọng. Những năm tháng định cư ở Hungary, trong nỗi nhớ quê hương, có nỗi nhớ những mái chùa Việt “đó là mái chùa khuất sau những rặng cây, bức tường phủ rêu xanh, trong buổi chiều tĩnh lặng chợt vang lên tiếng chuông lan xa”.
Cho đến hôm nay, sau hơn 40 năm sống ở xứ người, mong ước được nghe tiếng chuông chùa Việt đã trở thành hiện thực. Bà xúc động: “Mỗi khi ngày rằm, mùng 1 khi tiếng chuông chùa vang lên giữa vùng đồi quê Hungary, tôi thấy lòng mình thật ấm áp, thấy quê hương thật gần gũi”.
Đang ở Việt Nam đón Tết nguyên đán 2019 cùng gia đình, bà Phan Bích Thiện hạnh phúc khi biết chùa Đại Bi đón đông đảo phật tử người Việt và đông đảo người dân ở nước sở tại, như hai câu thơ rất hay của hòa thượng Thích Mãn Giác (Huyền Không): “Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của tổ tông”… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.