Năm nay Perseids sẽ đạt đỉnh vào ngày 11-12.8. Với những người quan sát, trong điều kiện thuận lợi có khả năng nhìn thấy tới 100 sao băng mỗi giờ, theo NASA. Những thiên thạch này là các mảnh vỡ từ sao chổi Swift-Tuttle và thường tạo ra trận mưa sao băng ngoạn mục nhất trong năm.
Space.com cho biết trận mưa sao băng này đã bắt đầu từ 15.7 và người yêu thiên văn, trong đó có Việt Nam đã có thể quan sát chúng trước thời điểm cực đại. Mưa sao băng này có gì đặc biệt?
1. Được sinh ra bởi "người khổng lồ"
Sao chổi Swift-Tuttle là nguồn gốc cho các mảnh vỡ tạo ra Perseids. Đây là vật thể lớn nhất được biết đến liên tục đi qua gần trái đất. Nhân của nó có đường kính khoảng 26 km, khiến nó lớn gấp đôi kích thước của tiểu hành tinh được cho là đã gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long.
2. Sao chổi đang tới gần
Các nhà khoa học cho rằng sao chổi Swift-Tuttle có thể va chạm với trái đất trong một lần đi qua trong tương lai. Tuy nhiên, các quan sát tiếp theo đã sớm loại trừ mọi khả năng xảy ra va chạm. Họ phát hiện ra rằng sao chổi và trái đất có thể có một cuộc chạm trán tương đối gần, đi qua nhau trong khoảng cách một triệu dặm, vào năm 3044.
3. Thiên thạch Perseids tốc độ cực nhanh
Thiên thạch Perseids có tốc độ cực nhanh, đi vào bầu khí quyển của trái đất dưới dạng sao băng với tốc độ khoảng 59 km một giây. Hầu hết có kích thước bằng hạt cát, nhưng một số lớn bằng hạt đậu hoặc bi ve. Hầu như không có thiên thạch nào chạm đất, nhưng nếu có thì được gọi là thiên thạch.
4. Nóng bỏng
Khi một hạt Perseids đi vào khí quyển, nó nén không khí phía trước nó, khiến không khí nóng lên. Đến lượt mình, thiên thạch có thể nóng lên đến hơn 1.650oC. Nhiệt độ cao làm bốc hơi hầu hết các thiên thạch, tạo ra thứ mà chúng ta gọi là sao băng.
5. Nhiều họ hàng
Sao chổi Swift-Tuttle có nhiều họ hàng sao chổi, hầu hết đều bắt nguồn từ đám mây Oort xa xôi. Phần lớn họ hàng của sao chổi này không bao giờ "mạo hiểm" đi vào bên trong hệ mặt trời. Tuy nhiên, một số ít, như Swift-Tuttle, đã bị lực hấp dẫn đẩy vào các quỹ đạo mới, có thể là do ảnh hưởng của một ngôi sao đi qua từ lâu.
6. Rất ít thiên thạch Perseids chạm đất
Perseids bắt đầu bốc cháy cách bề mặt trái đất khoảng 100 km. Rất ít (nếu có) thiên thạch có thể chạm tới mặt đất.
7. Thần thoại
Theo thần thoại cổ đại, Perseus là con trai của thần Zeus và người phàm Danaë. Trận mưa sao băng Perseids được cho là để kỷ niệm thời điểm thần Zeus đến thăm Danaë, mẹ của Perseus, trong một trận mưa vàng.
8. Thời gian dài
Có thể bạn đã từng nhìn thấy sao băng Perseids trong năm nay vì chúng hoạt động từ giữa tháng 7 cho đến gần cuối tháng 8. Điều này là do luồng mảnh vỡ của sao chổi Swift-Tuttle rất rộng nên trái đất cần một khoảng thời gian để đi qua nó.
9. Dậy sớm "bắt" được sao băng
Những giờ trước bình minh trở thành thời điểm tốt nhất để ngắm sao băng Perseids và các trận mưa sao băng khác, cũng như các ngôi sao băng ngẫu nhiên.
10. Sao chổi hơn 1 lần qua hệ mặt trời
Sao chổi Swift-Tuttle được quan sát lần cuối vào năm 1992, trong một lần đi qua hệ mặt trời, không quá ấn tượng và cần phải dùng ống nhòm để quan sát. Trước đó, lần cuối cùng người ta nhìn thấy nó là vào năm 1862, năm mà nó được phát hiện bởi các nhà thiên văn học người Mỹ Lewis Swift và Horace Tuttle, khi Abraham Lincoln còn là tổng thống.
Bình luận (0)