Người Việt ngày càng chuộng ô tô Hàn Quốc

Hoàng Cường
Hoàng Cường
25/01/2019 13:02 GMT+7

Những thay đổi tích cực về kiểu dáng thiết kế, công nghệ tính năng cùng giá bán khá cạnh tranh trong từng phân khúc... đang góp phần giúp các mẫu ô tô Hàn Quốc ngày càng được nhiều khách hàng Việt Nam ưa chuộng.

Bất chấp sự áp đảo của “thế lực” xe Nhật cùng áp lực cạnh tranh đến từ các thương hiệu xe Mỹ, Đức... ô tô Hàn đang ngày càng lớn mạnh tại thị trường Việt Nam. Tính đến thời điểm này, dù chưa thể sánh ngang xe Nhật, Mỹ về số lượng mẫu mã, thương hiệu góp mặt tại thị trường Việt Nam, thế nhưng sức hấp dẫn của xe Hàn đối với khách hàng đang ngày càng gia tăng.
Báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng bảng thống kế doanh số bán xe của Hyundai Thành Công cho thấy, số lượng người Việt chọn mua các loại ô tô mang thương hiệu Hàn Quốc đang gia tăng.
Người Việt ngày càng sắm nhiều ô tô mang thương hiệu Hàn Quốc
Cụ thể, các dòng xe mang thương hiệu Hyundai do Hyundai Thành Công phân phối tại Việt Nam đạt tổng lượng tiêu thụ lên tới 63.526 xe, tăng 106% so với năm 2017. Xét về doanh số bán theo từng thương hiệu ô tô tại Việt Nam trong năm 2018, Hyundai chỉ xếp sau Toyota (đạt 65.856 xe). Trong đó, hai dòng xe du lịch cỡ nhỏ Grand i10 và Accent đã chiếm hơn một nữa doanh số bán của Hyundai Thành Công tại Việt Nam trong năm 2018.
Các dòng xe KIA do Trường Hải (THACO) phân phối cũng chứng tỏ được sức hút với người tiêu dùng. Riêng năm 2018, đã có 28.986 xe KIA thuộc các phân khúc khác nhau được các đại lý THACO KIA giao đến tay người tiêu dùng ô tô Việt Nam, tăng 31% so với năm 2017. Ngoại trừ mẫu KIA Optima, các dòng xe còn lại như KIA Morning, Cerato, Sedona, Sorento... đều có doanh số bán tăng cao hơn so với năm 2017. Riêng Cerato - mẫu xe bán chạy nhất của KIA tại Việt Nam đạt doanh số lên tới 11.678 xe, tăng 6.026 xe so với năm 2017.
Xe Hàn ngày càng trẻ hóa về kiểu dáng thiết kế, cập nhật nhiều công nghệ mới
Trong số 5 thương hiệu ô tô bán chạy nhất Việt Nam năm 2018, Hyundai, KIA lần lượt nắm giữa các vị trí thứ 2 và 4. Các vị trí còn lại đều thuộc về các hãng xe Nhật Bản như Toyota, Mazda và Honda. Điều này phần nào cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các thương hiệu xe Hàn so với xe Mỹ tại thị trường Việt Nam, qua đó từng bước gia tăng sức cạnh tranh với các dòng xe mang thương hiệu Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, mẫu mã thiết kế cũng chất lượng xe Hàn tại Việt Nam đang được cải thiện đáng kể. Hàng loạt mẫu xe như Hyundai Grand i10, Accent hay KIA Cerato, Optima, Sedona... liên tục được nhà sản xuất cải tiến, nâng cấp thiết kế, công nghệ theo xu hướng ngày càng trẻ hoá, thời trang và tiện dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những mẫu mã mới như Hyundai Kona, SantaFe thế hệ mới... góp phần cung cấp thêm lựa chọn mới đồng thời mở rộng nhóm khách hàng yêu thích xe Hàn tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Hyundai Kona - mẫu xe đô thị hướng tới nhóm khách hàng trẻ
Ở một số phân khúc trên thị trường, xe Hàn Quốc đang duy trì được vị thế nhờ sức hấp dẫn về kiểu dáng thiết kế, công nghệ tính năng nhiều hơn xe Nhật trong khi giá bán lại thấp hơn đáng kể. Điển hình như phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A, Hyundai Grand i10, KIA Morning chiếm hơn 75% thị phần. Hai mẫu xe này hiện đang lắp ráp tại Việt Nam với nhiều phiên bản được trang bị khá đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn, đồng thời giá bán cũng cạnh tranh hơn so với các dòng xe nhập khẩu như Toyota Wigo, Suzuki Celerio...
Phân khúc sedan hạng B chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Accent sau khi được Hyundai Thành Công nâng cấp và chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam. Lợi thế về giá bán đang giúp Hyundai Accent vượt Honda City để gây áp lực cạnh tranh lên Toyota Vios. Trong khi đó, ở phân khúc xe SUV cỡ nhỏ dành cho đô thị Hyundai Kona đang trở thành mối đe doạ lật đổ ngôi vương của Ford EcoSport. Dòng xe gia đình MPV cao cấp vẫn được xem lãnh địa riêng của KIA Sedona... Với những nỗ lực trong việc cải tiến sản phẩm, các thương hiệu xe Hàn đang từng bước gia tăng sức hấp dẫn tại thị trường Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.