Người Việt nối vòng tay trên đảo quốc sư tử

08/11/2008 19:22 GMT+7

Có những người con Việt ra đi quá nửa vòng trái đất, rồi “trở về” lập nghiệp trên mảnh đất kề cận quê hương. Cùng với thế hệ trẻ, họ tạo nên một vòng tay lớn, sẵn sàng nối với quê nhà.

Hội tụ 2020

Chú Hân, tên đầy đủ là Võ Tá Hân, sinh ra ở Huế. Học hành đỗ đạt tại Mỹ, rồi làm việc nhiều năm ở Canada, và cuối cùng chuyển về sống tại Singapore. Hơn 27 năm qua, chú như chiếc cầu nối, từ ngoại giao đến văn nghệ, giữa hai nước Singapore và Việt Nam. Nhà chú cũng là nơi anh chị em trong nước sang Singapore công tác ghé chơi, ăn chén cơm rau, uống tách trà, và thưởng thức vài bản nhạc chú hát với tiếng đàn guitar tự đệm. Chú Hân hoạt động năng nổ, quen biết rộng, xã giao nhiều, không chỉ tại Singapore hay Việt Nam, mà ở khắp nơi trên thế giới. Vậy nên, có gia đình người Việt nào từ đâu chuyển về Singapore chú đều biết. 

Chính sự tập trung chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia khiến Singapore trở thành nơi hội tụ tài năng, trong đó có nhiều người Việt: chị Đào học ở Mỹ làm việc cho Intel; anh Sơn mang quốc tịch Mỹ làm việc cho hãng General Electric, anh Nam sinh tại Thụy Sĩ làm việc cho tập đoàn ngân hàng lớn nhất nước này là UBS, Ngọc Hân sinh ở Đức làm việc cho tổ chức phi chính phủ về giáo dục của LHQ International Baccalaureate, và hàng chục tiến sĩ được đào tạo tại các quốc gia tiên tiến u, Mỹ, Úc... đang giảng dạy, nghiên cứu tại các đại học công lập của Singapore hoặc mở doanh nghiệp riêng.

Mảnh đất 700 km2  này còn tập hợp một lượng rất lớn trí thức Việt Nam rất trẻ. Đó là các tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo ngay tại Singapore và hơn ngàn sinh viên xuất sắc đang học đại học, nghiên cứu sinh bằng học bổng của chính phủ nước này. Đa số có độ tuổi chưa quá 30 và hầu hết sau khi học xong họ lưu lại làm việc vài năm, nhiều người phải trả “món nợ” học bổng. 

Cách đây 3 năm, chú Hân lập ra “Vietnam 2020”. Cái tên gợi lên niềm tha thiết đối với quê hương, niềm mong ước một Việt Nam “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, giàu mạnh và văn minh ở cái mốc năm 2020. Dưới cái tên đó, hàng trăm trí thức Việt đã tập hợp, không chỉ những người đang ở Singapore mà còn ở nhiều nước khác. Vietnam 2020 chính thức được ra mắt cách đây một năm với 4 nhóm chuyên môn ở các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, quản trị kinh doanh, ngân hàng và đầu tư, và công nghệ thông tin.

Các nhóm này làm công tác trao đổi thông tin và hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho những sinh viên, thực tập sinh và sinh viên mới ra trường. Vietnam 2020 cũng có các nhóm làm công tác thiện nguyện, nhóm dạy guitar, nhóm chơi tennis... Không chỉ là “nơi đi về” của người Việt tại Singapore, mục đích cao hơn của Vietnam 2020 là tập hợp một lực lượng trí thức sẵn sàng xắn tay áo lao vào các công việc mà quê nhà cần đến hiền tài.

Hiện đại nhưng đậm bản sắc Việt

Kỷ niệm tròn một năm chính thức ra mắt, hôm 1.11, Vietnam 2020 đã có buổi trình diễn đông vui, đáng nhớ. Lấp đầy hai hàng ghế đầu của hội trường là các cô chú, anh chị tóc đã điểm muối tiêu. Hầu hết họ là các doanh nhân thành đạt bằng kiến thức và vốn sống tích lũy nhiều năm ở các nước phương Tây. Nay họ tham gia Vietnam 2020 như những mạnh thường quân.


Chú Võ Tá Hân (giữa), người sáng lập Vietnam 2020 tặng Khánh Dung cây  guitar thân thuộc - Ảnh: Kiên Trung

Bàn tiệc kỷ niệm sinh nhật đầy ắp thức ăn. Thức ăn ngon và phong phú với nhiều hương vị. Nhưng háo hức nhất có lẽ là món bánh bột lọc tôm thịt và bánh ít gói lá chuối do cô Châu, vợ chú Hân làm. Những chiếc bánh nho nhỏ, xinh xinh, đậm hương vị làng quê Việt khiến ai cũng thích thú nhón lấy vài cái. 

Phần văn nghệ lôi cuốn với những giọng ca quá đỗi ngọt ngào và sắc sảo, những bước nhảy, vũ điệu mạnh dạn và gợi cảm, những sáng tạo thời trang nghịch ngợm mà dễ thương. Không là ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng phong thái và chất giọng của Nhật Thanh vút cao mà sâu lắng với Còn đó chút hồng phai, rồi trào dâng nồng nhiệt với Anh muốn sống bên em trọn đời. Quang Khôi buồn mà ấm áp với hai ca khúc tiếng Anh Chasing Car và Home. Ngọc Hân dịu dàng với Right Here Waiting For You. Khi được yêu cầu hát bằng tiếng Việt, Hân hát bài Sắc màu. Nửa chừng thì Hân... quên lời. Bố của Hân, chú Phong, ngồi bên dưới hát phụ con gái. Chú Phong cho biết Hân thích bài hát này, nhưng thường hát karaoke nên không thuộc lời. Sinh ra và học hành ở Đức, Hân nói tiếng Đức và tiếng Anh như gió nhưng em cũng học tiếng Việt qua những bài hát. Hân cũng từng hát tại nhà hát Esplanade nổi tiếng của Singapore. 

Một bất ngờ nữa đến từ Khánh Dung, cô gái giản dị ôm đàn guitar hát một ca khúc tiếng Anh như một nghệ sĩ. Khó có thể tin được Dung mới đến lớp vỡ lòng guitar của chú Hân cách đây 2 tháng. Hạnh phúc và xúc động, chú Hân tặng luôn cho Dung cây guitar vốn gắn bó hơn chục năm qua, như một sự giang tay nối vòng thế hệ. 

Thục Minh (VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.