Báo chí Việt, chợ Việt, đền chùa Việt và cả nghĩa trang riêng của người Việt cũng lần lượt xuất hiện ở nơi đây. Văn hóa Việt hiện diện ngày càng rõ nét nơi xứ người...
Điều lạ là, cộng đồng người Việt đã và đang từng bước hội nhập khá thành công vào một xã hội Đức văn minh hiện đại và nổi tiếng là kỷ cương nền nếp. Lạ hơn nữa, khắp xứ u châu này hễ người Việt làm kinh doanh bao giờ cũng ở hàng chiếu dưới so với người Trung Quốc, trừ nước Đức.
Về chính trị, mới đây thôi cái tin một người Đức gốc Việt (36 tuổi, Bộ trưởng Y tế Liên bang) vừa trở thành thành viên trẻ nhất trong nội các của nữ Thủ tướng Đức Merkel đã làm nức lòng cộng đồng người Việt tại đây.
|
Con em người Việt học giỏi hơn cả người Đức
Ngay hôm báo Đức đồng loạt đưa tin về sự kiện này, anh Nguyễn Văn Hiền - Tổng Giám đốc Trung tâm thương mại (TTTM) Đồng Xuân tại Berlin (người Việt bên này quen gọi là chợ Đồng Xuân) - khoe với tôi rằng, mấy trợ lý người Đức của anh đã lập tức cầm báo đến đưa cho xem rồi bắt tay chúc mừng một cách đầy thán phục.
Anh bảo, tôi cảm nhận được một sự vị nể thực sự trong ánh mắt của họ, người Việt mình giờ đây ngày càng được đánh giá cao trong xã hội Đức.
Quả đúng như vậy, nhiều năm nay báo chí Đức đã không ít lần đưa tin về khả năng học tập vượt trội của con em người Việt trên khắp nước Đức, thậm chí kết quả học tập của các em còn cao hơn cả học sinh Đức.
Tạp chí uy tín Deutschland của Đức xuất bản bằng 11 ngôn ngữ tại 180 quốc gia trên thế giới số ra tháng 8 - 9/2009 vừa có bài viết dài 3 trang nhan đề Điều kỳ diệu Việt Nam (The Vietnamese Miracle) ca ngợi những học sinh Việt - thế hệ thứ hai của người Việt trên nước Đức - còn học giỏi hơn cả người Đức và luôn đứng vào top đầu của lớp.
Tác giả bài báo thừa nhận một thực tế: Không có nhóm di dân nào tới Đức học giỏi hơn người Việt Nam: Khoảng 50 phần trăm con cái họ được vào học các trường trung học. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ học sinh người Việt vào học đại học cao hơn cả người Đức.
Được biết, hệ thống giáo dục phổ thông tại nước Đức thực hiện việc phân luồng học sinh từ rất sớm, thường là đến lớp 7 em nào có khả năng sẽ tiếp tục học tiếp trung học để vào đại học, còn lại sẽ chỉ theo học trường dạy nghề.
TTTM Đồng Xuân của người Việt rộng tới 18 ha tọa trên khu phố Herzberg thuộc quận Lichtenberg ở thủ đô Berlin đã trở thành địa điểm thực tập quen thuộc của nhiều sinh viên Đức đang học tại các trường kinh tế.
Họ tới đây để tìm hiểu về mô hình và phương thức giao nhận hàng hóa khá thành công của người Việt.
|
Mới đây, báo chí Đức đã có hẳn bài phân tích nhan đề Sức mạnh kinh tế của người Việt ở quận Lichtenberg. Đây có lẽ cũng là quận tập trung đông người Việt sinh sống nhất tại Berlin (ước tính có khoảng 4.000 người).
Trường trung học Barnim ở khu vực này có khá nhiều học sinh người Việt và các em học rất giỏi. Nhà báo Đức Martin Spiewak trong bài Điều kỳ diệu Việt Nam cho biết có tới 17 phần trăm học sinh của trường này là người Việt, ở các lớp dưới con số này chiếm 30 phần trăm.
Còn thầy giáo hiệu trưởng Detlef Schmidt - Ihnen chỉ phàn nàn duy nhất một điều: Có quá nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải Olympic toán học đến nỗi ông rất vất vả để đọc sao cho đúng họ tên của các em. Chẳng hạn như học sinh lớp 7 đoạt giải là Tran Phuong Duyen hay Duyen Tran Phuong? Khối lớp 10 là Dao Minh Duc hay Duc Dao Minh?
|
'Đất Mẹ' nơi xứ người
Khu chợ Đồng Xuân thời Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức nghe nói vốn là một nhà máy pin, rồi sau đó ngừng sản xuất và bỏ hoang... Giờ đây cả khu vực rộng lớn này đã được ông chủ Nguyễn Văn Hiền mua đứt. Ý tưởng táo bạo biến khu đất hoang thành một trung tâm thương mại và văn hóa, cho người Việt đã được ông chủ rất kiệm lời này ấp ủ từ lâu.
Anh chia sẻ : Hồi đó, thấy tôi thuê máy xúc, máy ủi tới san nền xây chợ, chính nhiều người Việt mình còn bán tín bán nghi, nghĩ chắc ông này chỉ làm phép...
Thế nhưng anh làm thật, bắt đầu từ Haller 1 (khu 1) đến Haller 2... và mới đây nhất là Haller 4 khang trang và đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn của người Đức cứ lần lượt hiện lên.
Khu nào cũng tấp nập và đầy ăm ắp các gian hàng, từ hàng hóa tiêu dùng như quần áo, giầy dép đến siêu thị thực phẩm Việt Nam, nhà hàng, quầy sách báo văn hóa phẩm, cửa hàng cắt tóc làm đầu, chăm sóc sắc đẹp...
Mỗi một khu như vậy rộng tới 5.000 m2, tổng cộng đã có tới 500 gian hàng tương ứng với chừng ấy các công ty đang thuê một diện tích lên tới 20.000 m2.
Tính cả đường sá, bãi đỗ xe và hạ tầng phụ trợ thì cũng mới có già một nửa diện tích trong tổng số 18 ha được sử dụng, điều đó có nghĩa là quỹ đất nơi xứ người của ông chủ Hiền còn rất nhiều và chắc hẳn sẽ còn không ít dự án mà ông chủ người Việt này đang ấp ủ.
Chỉ biết rằng, mới đây hơn 100 sinh viên khoa Kiến trúc và Thiết kế đô thị trường Đại học tổng hợp Berlin đã mở hội thảo về Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Thương mại Đồng Xuân. Chủ đề Học tập Đồng Xuân là một trong những dự án đầu tiên, lớn nhất từ trước tới nay của trường dành cho người nước ngoài tại Đức.
|
Anh Trần Công Thành, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức tự hào khẳng định : Riêng ở nước Đức, giới kinh doanh người Trung Quốc phải chịu đứng hàng thứ hai sau người Việt ! Trong tổng số 500 gian hàng tại khu TTTM Đồng Xuân có tới 75% là của người Việt, số còn lại là người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ, Pakistan...
Khắp xứ Đông u này, chuyện người Việt đứng ra mở chợ thành công đạt được qui mô lớn như Đồng Xuân, và người Trung Quốc phải thuê lại của người Việt chắc chỉ có ở nước Đức.
Ông chủ Nguyễn Văn Hiền cho tôi biết, mới đây thôi vừa đón tiếp ông chủ chợ Tứ Hổ nổi tiếng người Trung Quốc ở Budapest, Hungary sang thăm chợ Đồng Xuân để học tập kinh nghiệm.
Những năm gần đây, Sức mạnh kinh tế của người Việt ở quận Lichtenberg giữa thủ đô Berlin này ngày càng được khẳng định không những trên thương trường mà ngay cả trong cách nhìn nhận của chính quyền thành phố, cảnh vây ráp khám xét các gian hàng của cảnh sát một thời nay dường như không còn nữa.
Anh Thành tiết lộ, chính quyền thành phố Berlin và quận Lichtenberg còn đang có kế hoạch biến con đường Herzberg chạy qua khu TTTM Đồng Xuân thành Con đường ẩm thực châu Á, nhiều tour du lịch của người Đức tới Berlin đã coi Đồng Xuân là một điểm dừng chân hấp dẫn về ẩm thực và văn hóa Á Đông, không ít chính trị gia, tỷ phú người Đức cũng đã từng ghé Đồng Xuân.
Có lẽ cung cách làm ăn đường hoàng, bài bản của người Việt tại đây đã thuyết phục được chính quyền sở tại, hơn nữa chỉ riêng việc TTTM này đang tạo công ăn việc làm chính đáng cho hàng ngàn người lao động (trong đó có cả người Đức) và đóng góp nghiêm chỉnh những khoản thuế kinh doanh rất đáng kể cho khu vực này cũng đủ chứng minh lý do tồn tại và phát triển của nó.
Riêng công ty Hà nail tại đây, nơi chuyên cung cấp máy móc, thuốc và mỹ phẩm cho các tiệm nail khắp nước Đức, đã có doanh số tới 1 triệu euro trong năm 2008.
Chưa có con số thống kê cụ thể về doanh số hàng ngày của khu TTTM chủ yếu là bán buôn này, nhưng nhìn vào 500 gian hàng tấp nập và đầy ắp hàng hóa, dịch vụ, nhìn bãi xe tải ra vào nườm nượp hàng trăm chiếc kia, một doanh nhân tại đây ước đoán con số doanh thu lên tới cả triệu euro mỗi ngày chứ không ít.
Có lẽ ít người Việt nào tới thủ đô nước Đức mà lại không ghé chợ Đồng Xuân. Giờ này Berlin đã chớm đông, trời buốt lạnh, bạn sẽ thực sự cảm thấy ấm lòng và vợi đi nỗi nhớ quê hương xứ sở khi bước chân vào khu chợ Việt này.
Ngoài đường Herzberg kia tuyết rơi trắng xóa là một không gian u châu trầm mặc, vắng vẻ khiến người xa xứ dễ có cảm giác cô đơn... Ấy thế mà chỉ rảo thêm vài bước chân thôi, bạn đã cảm thấy như đang được trở về đất Mẹ.
Nhạc Việt văng vẳng đâu đây, biển hiệu quán xá nhan nhản với đầy đủ các món khoái khẩu, từ phở bò, gà, bún, miến tới lẩu, mực, cua, ghẹ và thậm chí cả tái dê, lòng lợn, cháo lòng, thịt chó Nhật Tân chính hiệu (được chuyển bằng máy bay qua).
Còn nếu muốn đi chợ về nấu nướng, hãy qua khu bán đồ thực phẩm, bạn có thể mua được tất tật từ giò chả, bánh chưng, xôi gấc đến cá chép tươi rói đang bơi trong chậu, lạng giá đỗ hay mớ rau thơm...
Muốn đọc sách báo, đã có gian hàng văn hóa phẩm, tin cộng đồng có tờ Tuần tin tức và nhiều loại khác, tin trong nước thì có đủ từ Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ tới An ninh thế giới...
Chiều muộn Chủ nhật cuối tháng 10 vừa qua, ghé chợ Đồng Xuân, tôi bắt gặp một đám cưới Việt tổ chức tại đây. Chợt nhận ra, cái khu chợ Việt rộng 18 ha giữa lòng Berlin này đâu chỉ có mỗi mua và bán, mọi sinh hoạt cộng đồng của người Việt từ chuyện hiếu, hỉ tới hội đồng hương, đêm trung thu... hay đơn giản chỉ là gặp gỡ chuyện trò, cà phê đều hiện diện nơi đây.
Mảnh đất Đồng Xuân xa xứ này đã thực sự trở thành điểm hội tụ của văn hóa Việt, cốt cách Việt giữa trời Tây.
Theo Nguyễn Việt Hùng / Tiền Phong
Bình luận (0)