Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, sang Malaysia năm 2017, nói với Thanh Niên rằng quanh nhà chị đã có 24 ca Covid-19. Chị sống tại bang Selangor quanh thủ đô Kuala Lumpur và là nơi có dịch nghiêm trọng nhất ở Malaysia. “Malaysia có ứng dụng báo số ca nhiễm xung quanh, nhưng họ không chỉ ra cụ thể ai mắc bệnh”, chị Hồng nói. Nước này phong tỏa toàn quốc nhưng không phong tỏa nơi có ca bệnh nên chị Hồng phải cẩn thận khi ra ngoài vì không biết mình sẽ tiếp xúc với ai.
Cùng suy nghĩ, anh Nguyễn Trọng Hùng (36 tuổi), ở Malaysia từ năm 2005, rất lo sợ khi phải ra ngoài. Anh Hùng sống tại bang Penang, tây bắc Malaysia. Tuy dịch ở Penang không nghiêm trọng như Kuala Lumpur, mỗi ngày bang này có 300 - 400 ca bệnh mới, nhưng lệnh phong tỏa khiến anh chỉ có thể di chuyển trong vòng 10 km quanh nhà và phải quét mã QR ở nơi công cộng. Siêu thị, chợ đóng cửa trước 20 giờ và người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang. Theo anh Hùng, lệnh phong tỏa khiến người lao động Việt gặp khó khăn. “Nhiều anh em không đi làm được, cũng không nhận được trợ cấp. Công ty sản xuất cần thiết mới được mở cửa”, anh chia sẻ với Thanh Niên. Cả anh Hùng và chị Hồng đều không muốn người nhà lo lắng, cố giữ tinh thần lạc quan và mong những đồng hương gặp khó khăn được giúp đỡ.
|
Người Việt đang ở Đài Loan cũng rơi vào thế khó. Anh Phan Tấn Phát (32 tuổi), nghiên cứu sinh tại Đại học Giao thông Đài Loan, nói anh rất cẩn thận khi ra ngoài vì nhà có trẻ nhỏ. “Giờ mình làm gì cũng dè dặt. Tôi phải đeo 2 lớp khẩu trang, mặc áo khoác, đeo bao tay dùng một lần và tắm ngay khi về nhà”, anh Phát kể với Thanh Niên.
Anh Phát sống tại Tân Trúc, cách tâm dịch Đài Bắc khoảng 100 km và quản lý nhóm Facebook chuyên cập nhật thông tin Covid-19 cho người Việt. “Một số bà con không thạo ngoại ngữ, vì vậy mình muốn giúp họ tiếp cận được thông tin mới nhất”, anh Phát chia sẻ.
|
|
Anh Nguyễn Thiên Bão, học thạc sĩ tại Đại học Trung Chính ở Gia Nghĩa, cảm thấy lần bùng phát dịch này ở Đài Loan nghiêm trọng và công tác chuẩn bị đề phòng dịch có sự chủ quan. Tuy nhiên, vì ký túc xá xa khu dân cư, anh Bão không thấy quá lo lắng. Với sinh viên Trịnh Tú Anh tại Đại học Thành Công, cô không thể đi thực tập vì làn sóng lây nhiễm hiện nay. Tú Anh nói nhiều bạn bè cô không thể tiếp tục làm thêm vì quán ăn đóng cửa. “Thu nhập giảm xuống khiến các bạn gặp khó khăn trong việc đóng học phí”, Tú Anh nói với Thanh Niên.
Bình luận (0)