Người Việt ở Guam

21/10/2012 03:15 GMT+7

Guam không chỉ là căn cứ quân sự của Mỹ mà còn là một hòn đảo du lịch hấp dẫn, có nhiều người Việt thành đạt.

200 người Việt và 25 quán phở

Khi nhận được lời mời  của Công ty Blue sky Travel - đại diện cho Cơ quan Phát triển kinh tế Guam (GEDA) và Hãng hàng không Eva Airways, trong đầu chúng tôi cứ hình dung về một Guam với đầy súng đạn, tên lửa, tàu bay, lính Mỹ đầy đường! Thế nên, khi xuống sân bay của Guam vào lúc 4 giờ sáng, chúng tôi bất ngờ thật sự về cái nơi được gọi đùa là “đảo súng đạn” này.

Buổi sáng ở Guam yên bình đến lạ. Ánh nắng mặt trời có phần chói chang hơn, có lẽ vì Guam cũng là những địa điểm của châu Á - Thái Bình Dương đón mặt trời sớm. Nhìn biển và những khách sạn ven biển, chợt có cảm giác mình đang ở Nha Trang, cũng những bãi cát trắng, biển xanh, nắng vàng rực rỡ vào mùa hè. Nhưng không, Guam là nước Mỹ thu nhỏ. “Nước Mỹ của châu Á” - như câu slogan của ngành du lịch Guam. Ngoài kia là đường phố có những căn nhà vuông vắn, thấp, là những hộp đêm san sát, những siêu thị khổng lồ mở thâu đêm suốt sáng, là những cửa hàng thời trang cao cấp…

“Có khoảng 200 người Việt định cư ở đây” - chị Jennife Ada Mai Anh, Đại sứ lưu động của Guam ở Việt Nam, người làm cầu nối cho chúng tôi đến đây, cho biết. Chị còn nói thêm, đa số người Việt ở Guam làm nghề mở quán ăn. “200 người mà có đến 25 quán ăn người Việt, mà quán nào cũng có phở” - chị hãnh diện tiết lộ.

 

Món ăn Việt là một trong những món chúng tôi lựa chọn mỗi khi đãi khách quý vì nó hàm chứa một nền văn hóa trong đó

Ông Eddie Baza Calvo - Thống đốc Guam

Biết được tâm lý đoàn Việt Nam vừa sang, chị đã đặt chỗ cho chúng tôi bữa trưa tại một quán ăn người Việt có tên là Trường’s. Quán có các món phở, bún bò Huế, bún riêu, chả giò… Chị Trang chủ quán cho biết gia đình chị đã sang đây mấy chục năm và mở quán ăn Việt cũng ngần ấy năm. “Trước đây, bán mỗi ngày được khoảng ba, bốn ngàn đô (USD) là chuyện thường, giờ thì ít hơn. Khách chủ yếu là người bản xứ, du khách và vài lính Mỹ thích món ăn Việt”. Chị cũng cho biết do thổ nhưỡng không khác Việt Nam nên nhà chị cũng tự trồng các loại rau cần thiết cho món phở và các món khác để đúng hương vị Việt.

Trong mấy ngày ngắn ngủi ở Guam, chúng tôi còn ghé quán phở khác của một gia đình có quê quán Sóc Trăng sang bên này lập nghiệp. Quán mang một cái tên bình thường là Phở, rất đông khách. Anh  Sang, con của chủ quán, cho biết người Việt ở bên này cũng giúp nhau sống, chứ không có cạnh tranh gì. “Có đến  gần 200.000 người sống ở đảo này và hình như rất nhiều trong số họ thích món ăn Việt” - anh cười hiền cho biết. Chợt nhớ lời ông Eddie Baza Calvo - Thống đốc Guam, khi tiếp chúng tôi đã bày tỏ:  “Món ăn Việt là một trong những món chúng tôi lựa chọn mỗi khi đãi khách quý vì nó hàm chứa một nền văn hóa trong đó”.

Bác sĩ của mọi người

Trước khi sang Guam, chị Mai Anh có nói với chúng tôi ở Guam có một người còn nổi tiếng hơn chị và là bác sĩ duy nhất người Việt ở Guam. Quả thật, khi gặp anh rồi mới thấy điều đó đúng.

Anh Nguyễn Văn Hòa, người Nha Trang, đã hành nghề bác sĩ ở Guam từ năm 1995 đến nay. Anh có dáng người đậm, cao to, da ngăm đen đúng chất dân miền biển. Anh cho biết rời Việt Nam khi còn nhỏ, từ trước 1975 và học ngành  y ở Mỹ. Anh đến Guam cũng vì mê biển và hợp với anh - “con người của nhiệt đới”. Lúc đầu anh chỉ mở phòng mạch nhỏ, trước khi cùng với mấy người bạn Mỹ mở một bệnh viện tư ở đây. Hiện mỗi ngày bệnh viện của anh khám và chữa bệnh cho cả trăm người trở lên, trong đó  tất cả người Việt ở đây, như anh đùa: “Đều là bệnh nhân của mình”. 

 
Thưởng thức phở Việt ở Guam - Ảnh: C.M.H

 
Thống đốc Guam tiếp đoàn nhà báo Việt Nam, chị Mai Anh (thứ ba từ trái) - Ảnh: C.M.H - M.A

Anh cho biết thêm, anh và vợ cùng cô con gái dự định tháng 3 năm sau sẽ về Việt Nam đi khám bệnh cho người nghèo và trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Biết  Báo Thanh Niên có những chương trình giúp người nghèo và học bổng Nguyễn Thái Bình, anh tha thiết đề nghị chúng tôi làm cầu nối để anh “giúp được cho quê nhà thì mình sẽ giúp”.

“Trâu” Việt trên phố

Có thể nói chúng tôi có được chuyến đi đến Guam phần lớn là nhờ chị Mai Anh. Câu chuyện về người phụ nữ này cũng thật độc đáo. Rời Việt Nam đến Mỹ cũng trước năm 1975  lúc còn bé như anh Hòa, mãi đến 1987 chị mới đến Guam lập nghiệp. “Lúc đầu mình mở nhà hàng và lần lượt bảo lãnh cả 14 người thân từ Việt Nam sang đây sinh sống”. Cuộc sống của chị thật sự sang trang khi về làm dâu trong một gia đình giàu nhất nhì ở Guam này. Gia đình chồng chị là người bản địa, sở hữu 18 bất động sản lớn ở Guam, kể cả Ngân hàng Guam (Bank of Guam). Người anh họ của chồng từng là thống đốc của Guam. Hiện toàn bộ gia sản gần như do chồng chị (con trai cả) và chị cùng các cô em gái của chồng quản lý và kinh doanh. Anh P.Sonny Ada, chồng chị Mai Anh, đã rất nhiệt tình khi thuyết phục được Thống đốc Guam, kể cả bà nghị sĩ quốc hội Mỹ Madeleine Z.Bordallo tiếp đón đoàn báo chí, doanh nghiệp từ Việt Nam sang.

Một câu chuyện về chị Mai Anh mà ở Guam nhiều người đều biết. Đó là việc chị đưa 80 con trâu bằng sợi thủy tinh và to như trâu thật, từ Việt Nam sang để trang trí trên những đường phố và các công sở ở Guam. Quả là chúng tôi cũng đã tò mò khi đi trên đường phố Guam thấy những con trâu có nhiều hình vẽ trên thân. “Trâu là hình ảnh quen thuộc của Việt Nam cũng như của Guam, nên mình muốn trang trí thêm cái hồn Việt ở nơi này” - chị Mai Anh tâm sự. Chị đang đề xuất với chính quyền của Guam đưa thêm cây cảnh, gốm sứ từ Việt Nam sang để làm đẹp đường phố Guam. Trong ngôi nhà của chị ở Guam có cả một khu vườn Việt với tre, thanh long và 2 “con trâu” đang gặm cỏ.

Kể về chị Mai Anh thì còn nhiều cái để kể, nhưng có lẽ những gì chị làm cho Việt Nam mới đáng khâm phục. “Từ 2005, mình đã đưa các doanh nhân Nhật Bản đầu tư vào khu chế xuất Tân Thuận. Từ đó đến nay mình luôn mong muốn đưa nhiều doanh nhân các nước khu vực, kể cả của Guam vào làm ăn ở Việt Nam và ngược lại. Mình đang thuyết phục để bà Madeleine Z.Bordallo và ông Eddie Baza Calvo vận động cấp cao hơn ở Washington miễn thị thực (visa) cho người Việt mình thật dễ dàng như đối với một số nước trong khu vực”.

Chị cũng đã cùng với chị Thanh Phi - Giám đốc Công ty  Blue sky Travel, anh Tưởng Quang Vũ (Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Eva Air tại VN) bắt tay nhau hứa hẹn một ngày không xa sẽ đưa được nhiều doanh nhân và du khách Việt sang Guam tìm cơ hội đầu tư và tham quan mua sắm, vì như chị nói: “Guam không chỉ là căn cứ quân sự, mà còn là nước Mỹ ở châu Á, là nơi rất gần Việt Nam về mặt địa lý và khí hậu…”.

Đảo Guam có diện tích rộng gần 550 km2 nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương, cách Philippines gần 2.000 km về phía đông. Mặc dù không cách Việt Nam quá xa nhưng việc di chuyển đến Guam mất khá nhiều thời gian. Nếu di chuyển bằng đường hàng không và chỉ đổi chuyến một lần thì cũng có thể mất 12 giờ mới hoàn thành hành trình từ Việt Nam đến Guam.

Đảo Guam là một lãnh thổ hải ngoại có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ. Lãnh thổ có tổ chức là nền tảng pháp luật ở đảo này chịu sự chi phối của Mỹ bằng một đạo luật cụ thể, Guam có cơ quan nghị viện riêng. Ngoài ra, đảo Guam cũng có một đại diện trong hạ viện Mỹ nhưng mang tư cách quan sát viên, không được bỏ phiếu. Về khái niệm “chưa hợp nhất” tức Guam chưa chính thức trở thành một phần lãnh thổ hợp nhất trong lãnh thổ quốc gia. Vì thế, Guam chưa được hưởng quy chế là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Mỹ và không trao đổi hay nhượng quyền.

 Hoàng Đình
(tổng hợp)

Cao Minh Hiển - Hồng Hạnh

>> Mỹ xây siêu căn cứ trên đảo Guam
>> Ông Obama thắng sát nút tại Guam
>> Mỹ sắp điều máy bay không người lái mới đến đảo Guam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.