Cùng nhau khóc đêm giao thừa
Tốt nghiệp cấp ba và thiếu một chút may mắn để đậu đại học nguyện vọng 1, Nguyễn Đặng Ngọc Giao (24 tuổi, quê Đà Lạt) theo nguyện vọng 2 vào khoa Song ngữ Nga – Anh tại trường ĐHKHXH&NV TP.HCM. Cuộc đời rẽ hướng khi Giao nỗ lực kết thúc năm nhất với thành tích học tập tốt cùng với sự năng nổ hoạt động Đoàn - Hội và được thầy cô động viên đi du học.
“Ban đầu mình không có dự định này, nhưng nghe thầy cô nói, tự thấy mình cũng có khả năng, nên mình cũng muốn thử. Mình nộp hồ sơ theo diện hiệp định để xin học bổng du học tại Moscow, Liên bang Nga. Sau nhiều cố gắng, đến tháng 11.2015, mình giành một suất học bổng toàn phần sang đất nước này”, Giao kể lại.
Một cô gái trẻ xa nhà, hẳn sẽ đầy lo lắng. Những câu hỏi xoay vần trong đầu Giao, về việc học tập thế nào, sinh sống ra sao?
|
|
Giao vẫn nhớ như in khoảng thời gian đầu khá khó khăn khi bước chân sang xứ người. Cái gì cũng mới, bạn bè mới, chỗ học, chỗ ở mới, khí hậu cũng khác hẳn, cô phải làm quen với tất cả mọi thứ. Tiếng Nga lúc đó chưa tốt, nên Giao cũng sợ sẽ không theo kịp bài giảng của thầy cô.
“Nhớ nhà, nhớ đồ ăn Việt Nam kinh khủng! Hồi đó, ngày nào mình cũng gọi về nhà, chỉ để kể lể, để nhìn tô canh chua, cá kho tộ mẹ nấu qua màn hình. Bù lại, mình nhận được sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè Việt Nam và quốc tế, nên đỡ thấy lạc lõng hơn. Chương trình học dày, lễ Tết lại lệch nhau, nên rất khó về thăm quê. Hơn 4 năm nay, mình chỉ về được 3 lần”, Giao chia sẻ.
|
|
|
Cái Tết xa quê đầu tiên, với Giao, là cái Tết đáng nhớ nhất, bởi những vui buồn lẫn lộn. Giao và bạn bè không được nghỉ Tết, vì theo lịch vẫn phải đi học. Nhưng đến đêm 30 Tết, đơn vị lưu học sinh Việt Nam tại trường cô đã tổ chức đón Tết.
“Cũng chỉ là toàn bộ người Việt trong trường, các anh chị, các bạn cùng nhau ăn một bữa cơm và đón giao thừa thôi. Mọi người dù xa nhà nhưng ít ra vẫn cảm thấy ấm áp vì còn có nhau, chứ không phải đón Tết một mình. Nhưng đang ăn uống vui vẻ thì đúng 8 giờ tối, tức là 12 giờ đêm ở Việt Nam, mọi người tự nhiên tản ra để gọi điện thoại về nhà. Mình cũng gọi, rồi tự dưng lại thấy buồn, thấy nhớ nhà, thế là khóc… làm mẹ cũng khóc theo...", Giao bồi hồi kể.
Không Tết nào bằng Tết nhà cả
Có cơ hội trải nghiệm Tết Nga và Tết Việt, Giao nhận ra nhiều điều khác biệt và những nét văn hóa đặc trưng thú vị của xứ ta, xứ người.
“Ở Nga, đêm 31.12 là đêm giao thừa. Người Nga sẽ cùng nhau nghe lời chúc tết của tổng thống Putin và xem bắn pháo hoa. Có một lần mình cũng lên Quảng trường Đỏ để xem pháo hoa, thời tiết lạnh, tuyết rơi dày nhưng mọi người ra đường rất đông, ai cũng tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc. Họ thường ăn Tết từ 1.1 đến 10.1 Dương lịch”, Giao kể.
Cô cũng cho biết, nếu ở Việt Nam là cành đào, cành mai, thì ở Nga, họ trang trí cây thông. Ở Nga vào dịp Tết, sẽ thường bắt gặp ông già tuyết với túi quà trên tay. Ngoài ra, người Nga cũng chuẩn bị những bàn đầy món ăn truyền thống như súp củ cải đỏ, salad Nga, bánh mì đen, bánh blin và cùng chúc nhau năm mới an lành.
|
|
|
“Sinh viên Việt như mình thì thường ăn Tết cùng nhau ở trường, tổ chức gói bánh chưng hoặc làm những món quê rồi quây quần xem Táo Quân. Ngoài ra, cũng có những nơi nhiều người Việt sinh sống và làm ăn, các cô chú sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực để quảng bá hình ảnh Tết Việt. Nhưng thật sự là… không Tết nào bằng Tết nhà cả”, Giao bộc bạch.
Rồi cũng phải tập quen, hơn 4 năm ở xứ người, nước Nga giờ đây như trở thành ngôi nhà thứ hai của Giao. Ngoài việc học tập, cô tích cực tham gia các phong trào Đoàn tại đây. Suốt những cái Tết vừa qua và sắp tới đây là 2020, Giao luôn cùng các bạn tổ chức chương trình văn nghệ đón xuân tại trường, để đưa cái Tết Việt gần gũi hơn với bạn bè quốc tế.
“Song song đó, cũng để du học sinh Việt đón một cái tết xa quê ấm áp hơn. Là người đứng ra chịu trách nhiệm và tổ chức chương trình, mình cảm thấy Tết ở xứ người trong tim mình trọn vẹn hơn, tình nghĩa hơn”, Giao chia sẻ.
|
|
Tháng 7.2020, cô gái 9X sẽ tốt nghiệp và trở về Việt Nam làm việc. Đi qua từng cái Tết ở xứ người xa xôi, Giao thấy mình ngày càng trưởng thành hơn, và nhất định sẽ mang những gì mình học được về cống hiến cho quê hương, cũng như có một công việc tốt để chăm lo cho gia đình.
Bình luận (0)