“Mọi người đều ngạc nhiên, chúng tôi thì rất hào hứng vì đang trong thời gian chuẩn bị cho giải bóng đá phủi lớn nhất trong năm. Mỗi chiều kết thúc giờ học tại trường hay hết giờ làm tại công sở, các bạn trẻ rủ nhau tới các sân bóng, không khí thật sự sôi động vào ngày cuối tuần. Cái lạnh cuối thu của Nhật Bản chưa hề đủ sức ngăn cản các cầu thủ 'phủi' người Việt trong những bộ quần áo thể thao. Nhiều bạn trẻ còn nói vui 'vợ thì bỏ được, chứ bóng đá thì khó đấy', anh Đỗ Quang Ba, Chủ tịch Hiệp hội bóng đá người Việt Nam tại Nhật Bản (FAVIJA), chia sẻ.
Ngày 25.11 tới đây sẽ diễn ra buổi họp báo và bốc thăm chia bảng giải FAVIJA KANTO CUP 2018 do Hiệp hội bóng đá người Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức. 32 đội sẽ tham gia giải đấu kỷ niệm 45 năm mối quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, tìm ra nhà vô địch và trao giải ngày 23.12.
Anh Đỗ Quang Ba cho hay người Việt tại Nhật rất mê bóng đá. Tại đây, mỗi trường học có đông học sinh người Việt thì trường đó sẽ có luôn một FC mang tên trường. Mỗi một công ty, xí nghiệp có nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam hoặc ông chủ là người Việt Nam thì cũng có một FC mang tên công ty đó, “do vậy, các đội cùng thoải mái đem quân đi tranh tài đọ sức với các đội khác trong cùng khu vực”.
|
“Chúng tôi nhớ về những năm tháng tuổi thơ ở Việt Nam, khi mà những thửa ruộng mới gặt lúa cũng trở thành sân bóng của những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ. Sân bóng đẹp hơn chút có thể là sân đình làng chỗ lồi chỗ lõm, mỗi lần sút bóng cố gắng đừng có để bóng lăn vượt ra đường lớn không thì bị mắng như chơi. Đam mê, nhưng đâu cứ phải vào các câu lạc bộ chuyên nghiệp mới được thể hiện tình yêu, bóng đá 'phủi' khiến ai cũng có niềm vui với trái bóng tròn”, anh Ba nói.
Anh Vi Việt Hải, 19 tuổi, du học sinh Học viện Ngôn ngữ quốc tế OJI, đang sống tại thành phố Tokyo chia sẻ: “Thói quen chiều chiều chạy ra sân bóng tưởng chừng chỉ có thể thực hiện được nếu đang ở Việt Nam, thế nhưng từ ngày đầu bước chân sang Nhật tôi đã được một anh cùng quê Phú Thọ rủ đi tập cùng mấy anh em trong FC 19, khi đó tôi mới biết FC 19 là các thành viên đội bóng đá 'phủi' đồng hương người Phú Thọ. Từ đó, cảm giác xa quê phải cô đơn không còn trong tôi nữa. Tôi mong chờ được ra sân để thể hiện 'màu cờ Phú Thọ', cùng thi đấu với các đội của đồng hương các tỉnh thành khác như FC Hải Phòng, FC Nghệ Tĩnh, FC Thanh Hóa...”.
Anh Nguyễn Hữu Hòa, một cầu thủ gạo cội của đội Yokohama FC bộc bạch: “Từ khi Hiệp hội bóng đá người Việt Nam tại Nhật Bản được thành lập vào đầu năm nay, các giải đấu lớn dành cho người Việt Nam tại Nhật Bản được tổ chức một cách rất quy mô và bài bản. Chúng tôi có một sân chơi lành mạnh, được rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực để học tập và làm việc tốt hơn. Ngoài ra, mọi người được gắn kết và nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, giao lưu học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn”...
Bình luận (0)