“Không ngờ lũ quá cao”
Nhiều kiều bào đang vất vả chạy lũ và gánh chịu những thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất ở Thái Lan trong hơn 50 năm qua.
Dù đã di tản về miền nam nhưng anh Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh con lũ hung hãn kéo vào quận Thawi Wattana ở thủ đô Bangkok, nơi gia đình anh sống mấy chục năm nay. Anh Vinh, có tên tiếng Thái là Thawisap, kể mọi người đang nghỉ trưa trong nhà thì bỗng nhiên thấy nước lênh láng trong phòng khách, nhìn ra ngoài thì thấy nước tràn đầy xóm. Khi đó mực nước áng chừng 20 cm và anh nghĩ rằng không vấn đề gì vì trước nhà đã có đặt bao cát chắn lũ. “Sau thấy nước liên tục dâng cao với tốc độ rất nhanh, tôi thực sự hoảng và không biết phải làm gì. Thấy có vẻ không ổn, chúng tôi quyết định chạy khỏi nhà sau khi gói ghém đồ đạc đưa lên tầng trên”, anh Vinh kể. “Chiều đó, liên lạc lại với mọi người trong xóm thì biết mực nước cao đến 1m. Nếu cố ở lại không biết sẽ thế nào”, anh nói. Thawi Wattana là quận bị lũ hoành hành nặng nhất của Bangkok với toàn bộ khu vực ngập trong hơn 1,5m nước.
Anh Thái Mạnh Hùng cũng bỏ nhà ở miền bắc để chạy về miền nam lánh nạn khi nước lũ gần như nhận chìm cả tỉnh Pathum Thani. Tỉnh này cùng Ayutthaya, Nakhon Sawan, Nonthaburi là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất ở Thái Lan. Anh Hùng cho biết ban đầu, mọi người nghĩ nước chỉ cao khoảng 30-40 cm nên hầu hết đều đặt bao cát hay kê đồ đạc cao hơn 50 cm. Nhiều người chuẩn bị đồ ăn, thức uống trong 1 tuần để ở nhà chống lũ. “Nhưng thực tế lũ đã kéo vào nhà cao tới cổ, chẳng ai có thể ở lại. Mọi thứ đều mất sạch”, anh Hùng tâm sự. Nhiều người gốc Việt khác trong khu vực cũng chung cảnh ngộ. Có một cụ già 73 tuổi sống một mình và nếu không có sự giúp đỡ của bà con thì cụ đã bị lũ nhận chìm. Giờ không ai biết cụ có được an toàn hay không, anh Hùng kể.
Một Việt kiều khác là anh Nguyễn Quang Bình thì đứng ngồi không yên vì lo cho cơ sở làm ăn của mình. Nhà ở Bangkok nhưng công ty của anh lại đặt tại Pathum Thani. Toàn bộ tài sản của gia đình đặt vào công ty sản xuất và sửa chữa động cơ này, có thể trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào. Anh Bình cho biết hơn 1 tháng trước, khi biết thông tin lũ sẽ kéo về, anh đã yêu cầu công nhân ngưng sản xuất để tập trung dựng đê bao cát. Không kể ngày đêm, 400 công nhân đã đắp được “bức tường thành” cao 2m bằng khoảng gần 50.000 bao cát. Bên cạnh đó, công ty còn tăng cường 10 máy bơm để sẵn sàng ứng phó. Dẫu vậy, anh không thể yên tâm khi cho biết nước bên ngoài đã cao gần 1m và nhiều công ty khác ở Pathum Thani đã chìm trong biển nước.
Tổn thất nặng nề
Anh Hòa, tên tiếng Thái là Somyod Thawiisake, đã đưa được gia đình lên Phetburi, cách Bangkok 170 km an toàn, nhưng vẫn rất lo lắng về xưởng sản xuất đồ nhôm của mình ở tỉnh Nonthaburi. Anh cho biết đồ đạc, nhà cửa coi như chả còn gì vì lũ quét sạch. Mọi người chỉ kịp mang theo quần áo và những đồ có giá trị, còn lại mất trắng. Anh Hòa ngậm ngùi cho hay nhà xưởng với máy móc, thiết bị trị giá cả triệu baht đang ngập trong nước. “Không biết có còn sử dụng được không. Cả tỉnh đều bị ảnh hưởng và thiệt hại, không riêng gì tôi”, anh chia sẻ như cố tự trấn an mình. Anh Vinh thì đang tiếc vườn chuối 800m2 trồng mấy năm nay đã tan hoang bởi trận lũ. May là trước đó anh kịp thu hoạch trái.
Về phần anh Bình, dù đã kịp dựng đê bao nhưng một số tài sản, máy móc vẫn bị hỏng do nước ngập. Ngoài ra, anh cho biết thiệt hại về sản xuất là khá lớn khi nhà máy phải gián đoạn hoạt động trong thời gian dài, công nhân nghỉ việc về quê cộng thêm chi phí xây đê bao. Theo anh Bình, ước tính tổng thiệt hại cho đến nay là 20 triệu baht so với tổng giá trị được đầu tư của công ty là 100 triệu baht. “Nếu lũ tiếp tục kéo dài thêm 1 tháng nữa thì tổn thất đối với chúng tôi còn nhiều hơn”, anh buồn rầu nói.
Minh Quang
(VP Bangkok)
Bình luận (0)