Hiệp hội Du lịch VN soạn bộ quy tắc ứng xử khi du lịch để hình ảnh du khách Việt được nâng lên. Bộ quy tắc này, theo nhiều người, cũng cần luật hóa.
Khách du lịch VN tham quan Hàn Quốc - Ảnh: Đoàn Xuân Hải |
Tại tọa đàm về nâng cao hình ảnh du khách Việt ngày 31.3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt, phải liệt kê một lúc lâu mới tạm hết thói xấu của người Việt. Mặc đồ ngủ ra nơi công cộng, gào to mọi lúc gây ồn ào, luôn đi trễ, ăn uống phàm phu, khạc nhổ liên tục... “Hình ảnh người Việt ngày càng thê thảm trong mắt bạn bè nước ngoài không phải bây giờ mới có”, ông Mỹ nói.
|
Chẳng xa xôi, nghệ sĩ Minh Béo bị bắt và buộc tội ấu dâm tại Mỹ cũng là một phần của hình ảnh du khách đang rất xấu ấy.
Hồi đầu năm, 56 khách du lịch VN biến mất khỏi khách sạn tại đảo Jeju, Hàn Quốc mà không thông báo hướng dẫn viên cũng như quản lý khách sạn. Họ đồng thời tắt điện thoại và không thể liên lạc được.
Cơ quan xuất nhập cảnh Hàn Quốc sau đó cũng tìm lại được hơn 10 người, trong đó có 3 người bị bắt khi đang lao động bất hợp pháp tại một xưởng sản xuất thực phẩm trên đảo.
Số liệu ông Mỹ cung cấp cho thấy số nước miễn thị thực cả ngoại giao, công vụ lẫn phổ thông cho VN chỉ bằng khoảng 1/4 Singapore, thua cả Lào, Campuchia và Đông Timor. Chỉ có 13 nước miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông VN gồm 9 nước ASEAN và 4 nước Ecuador, Dominica, Panama và Kyrgyzstan - những nước ít người nghĩ đến việc đi du lịch.
“Số liệu này phản ánh uy tín quốc gia của VN với thế giới”, ông Mỹ nói.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Transviet Travel, có nhiều lần phải xấu hổ khi đưa khách đi nước ngoài. “Tôi muốn cảnh báo chúng ta cố gắng phát triển kinh tế nhưng đừng quên nâng cao văn hóa. Xem clip dùng đĩa xúc tôm của người Trung Quốc nổi tiếng khắp thế giới đấy. Chúng ta đừng như khách Trung Quốc, có tiền mà vẫn bị thế giới coi thường”, ông nói.
Phạt cả doanh nghiệp lẫn khách
Hiệp hội Du lịch VN đã chủ động soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử có tên gọi “Những lời khuyên cho du khách VN”. Bộ lời khuyên có 3 phần. Phần thứ nhất, lời khuyên trong văn hóa ứng xử, nêu rõ những hành động nên làm, không nên làm như nói xin lỗi, cảm ơn, xếp hàng, hạn chế tiếng ồn, không bắt sinh vật biển khi lặn...
Phần thứ hai, lời khuyên trong khi đi du lịch, hướng dẫn làm gì tại nhà hàng, tại điểm tham quan. Chẳng hạn: cần dọn rác của mình và trả khay đúng vị trí tại nhà hàng ăn nhanh, không ép người khác ăn hoặc uống, không leo lên hiện vật... Phần thứ ba, hành động đẹp cho ứng xử văn minh, hướng dẫn việc vỗ tay khi xem biểu diễn, bồi dưỡng (tiền tip) cho nhân viên phục vụ...
Cụ thể là vậy, song nhiều người trong nghề và chuyên gia cho rằng, bộ quy tắc này không chỉ gắn với du khách. Muốn bộ quy tắc đi vào đời sống, vai trò của chính các công ty du lịch, các hướng dẫn viên rất quan trọng. “Hướng dẫn viên phải nhắc nhở khách trước và trong quá trình đi tour. Thực tế cho thấy nếu khách được công ty du lịch và hướng dẫn viên nhắc nhở thì có thể giảm từ 70 - 80% các hành động xấu”, ông Tiến Đạt nói.
Hình ảnh trên tờ rơi hướng dẫn du lịch văn minh
|
TS Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch ĐH KHXH-NV, cho rằng: “Trách là trách tư duy của người bán tour đã không truyền thông cho khách. Việc hướng dẫn khách cụ thể là cam kết của doanh nghiệp với khách hàng. Rõ ràng là khó làm, nhưng chúng ta phải làm được. Vì nếu không thì khách thiếu thông tin sẽ gây ra hình ảnh xấu cho quốc gia”.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng hiện chế tài cho hành vi xấu của du khách chưa có song Quy tắc ứng xử của du khách do Tổ chức Du lịch thế giới ban hành đã có rồi. “Tuy nhiên, các bộ quy tắc chỉ là gợi ý thôi. Quan trọng nhất vẫn là giáo dục người dân. Một số chương trình tiểu học đã đưa chúng vào giáo dục kỹ năng sống. Nó cần được đưa vào chương trình kỹ năng mềm”, ông nói.
PGS-TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Khách sạn và Du lịch (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng bộ quy tắc này nên được ban hành, để du khách hiểu về thông lệ du lịch quốc tế.
Ông Tiến Đạt lại nhấn mạnh, nếu ai cần phải chịu trách nhiệm đầu tiên, đó chính là doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp của ông cũng đã có bộ tờ rơi quy tắc ứng xử, tổ chức phát tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các hội chợ du lịch. Song theo ông, cần đưa văn minh du lịch vào luật. “Thậm chí cần cấm xuất cảnh với những du khách có hành động xấu”, ông nói. Ông cũng kiến nghị có thể phạt cả công ty du lịch lẫn khách nếu khách vi phạm. Như thế, cả hai sẽ có trách nhiệm với môi trường du lịch hơn.
“Cần kíp lắm rồi”
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh việc nâng cao hình ảnh du khách Việt đã cần kíp lắm rồi. “Chúng ta phải làm, chúng ta không chờ được. Chúng ta cũng không kỳ vọng ai làm hộ chúng ta cái này đâu. Chúng ta phải nói không với ứng xử bôi nhọ hình ảnh du lịch VN và cả con người VN. Bằng ứng xử của từng người để thế giới thấy ta xứng đáng với lời khen mà mấy chục năm trước họ dành cho ta”, ông Bình nói.
|
Bình luận (0)