Điều được nhiều người quan tâm nhất sau khi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn là bao giờ người tiêu dùng trong nước được sử dụng hàng châu Âu với giá rẻ hơn.
Ô tô, thịt bò, thịt heo nhập khẩu sẽ có thuế 0%
Để thực thi nghĩa vụ cam kết thuế của Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện EVFTA áp dụng từ ngày hiệp định có hiệu lực với Việt Nam và có lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo đúng cam kết trong hiệp định.
|
Tuy nhiên trong thời gian đầu, mức thuế nhập khẩu chỉ giảm dần đều. Ví dụ hiện nay, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ EU về Việt Nam là 70%. Với một chiếc ô tô Mercedes-Benz S450 L giá khoảng 4,3 tỉ đồng thì khi EVFTA có hiệu lực, người mua ô tô sẽ được mua rẻ hơn khoảng 350 triệu đồng/năm (mỗi năm giảm 8%). Chưa kể thuế nhập khẩu giảm giúp các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cũng giảm xuống, bởi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô được tính sau thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng là 10% tính sau thuế tiêu thụ đặc biệt nên mức giảm sẽ còn cao hơn.
|
Tương tự, thịt bò và thịt heo đông lạnh, thịt gà đông lạnh... nhập khẩu từ EU cũng sẽ được giảm thuế sớm nhất kể từ năm 2023. Ví dụ sữa và các sản phẩm từ sữa được cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau lộ trình 3 - 5 năm. Hay thịt bò được bỏ thuế hoàn toàn sau 3 năm và thịt heo đông lạnh thuế còn 0% sau 7 năm, thịt gà sau 10 năm... Hiện nay thịt bò nhập khẩu về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu từ 20 - 30% và sẽ giảm dần đều trong 3 năm tới. Tại một số cửa hàng chuyên bán thịt nhập khẩu tại TP.HCM, bắp bò Pháp được bán giá 230.000 đồng/kg. Giả sử năm đầu tiên thuế nhập khẩu thịt bò có thể được giảm khoảng 10% thì người tiêu dùng sẽ còn mua bắp bò Pháp rẻ hơn 23.000 đồng/kg (trong điều kiện các loại chi phí khác và người bán giữ nguyên giá). Hay thịt heo đông lạnh nhập khẩu từ Ba Lan về Việt Nam được bán khoảng 80.000 đồng/kg, thuế nhập khẩu là 25% và sẽ giảm về 0% sau 7 năm, tương đương mức giảm cho mỗi năm có thể ở khoảng 3 - 4%.
Ngoài ra theo dự báo, các loại nông sản như táo, lê, khoai tây, lúa mì, thịt gà từ EU vào Việt Nam cũng gia tăng sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, phần lớn nông sản từ EU vào Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với nông sản trong nước mà có yếu tố bổ sung cho nhau, mang lại cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng trong nước.
Chỉ có hàng giá tốt, không có hàng giá rẻ
Chuyên gia thương mại thị trường EU Vũ Quốc Tuấn phân tích khi đã giảm thuế nhập khẩu, nên nói đến cơ hội mua hàng chất lượng tốt nhất với giá phải chăng chứ hàng EU khó có giá rẻ. Đặc biệt, với mặt hàng sữa công thức dành cho trẻ em tại một số dòng cao cấp, chắc chắn trẻ em Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn sữa công thức tốt với giá phải chăng hơn hiện nay.
“Theo kinh nghiệm của tôi, cùng một thương hiệu sữa, nhưng sản phẩm sữa và phô mai được sản xuất từ các nước EU ngon hơn hẳn hàng cùng loại được sản xuất tại một quốc gia khác, ngoài Việt Nam. Với khí hậu ôn đới, vào mùa hè, nguyên cánh đồng cỏ tại các nước EU luôn có thêm nhiều loại hoa dại mọc, chính thức ăn từ cánh đồng hoa này là nguồn thực phẩm dồi dào, có chất lượng và tạo ra mùi thơm tự nhiên cho sữa bò. Vào mùa đông, thường bò ăn cỏ khô, các nhà máy sản xuất sữa tại EU trộn hai loại sữa này để sản xuất ra sữa công thức có hương thơm tự nhiên cho trẻ với chất lượng hơn hẳn sản phẩm cùng loại từ con bò được nuôi ở châu lục khác”, ông Tuấn cho biết.
Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Chinh, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, chuyên gia marketing đến từ Pháp, cho rằng các mặt hàng đồ hộp như thịt hộp, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, sữa... từ EU sẽ vào Việt Nam tăng nhanh hơn sau khi thuế các nhóm hàng này về 0%. “Người Việt lâu nay đã biết rõ thực phẩm từ châu Âu với những tiêu chuẩn khắt khe, chất lượng cao, nhưng do thuế nhập khẩu cao quá, họ không dám tiêu thụ nhiều. Thuế nhập khẩu về 0%, các dòng thực phẩm đóng hộp từ EU sẽ có cơ hội được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam trong tương lai gần. Như vậy, ngành công nghiệp thực phẩm Việt sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Đơn cử một hộp thịt của Việt Nam giá 60.000 đồng, hàng từ EU nếu miễn thuế nhập khẩu chỉ có giá 2 euro, giá tầm 80.000 đồng, chắc chắn vẫn được yêu chuộng hơn vì tiêu chuẩn chất lượng của nó”, ông Chinh nói nhưng cho rằng chi phí vận chuyển đường xa và chi phí bảo quản khiến giá thành các mặt hàng sữa và thực phẩm sữa của EU sẽ không quá thấp như kỳ vọng.
“Các bà mẹ Việt xưa nay có tâm lý, sữa ngoại đắt mấy cũng mua cho con uống. Nếu có hàng chất lượng, đúng chuẩn, giá thấp hơn chút, chắc chắn sẽ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của họ. Như vậy, các nhà sản xuất sữa công thức từ EU đã tìm thấy ở đây thị trường mới khá phóng khoáng”, ông Tuấn nhận xét.
Bình luận (0)