Người Việt tài trí : Người tình chung thủy của địa lý Việt Nam

20/07/2014 03:00 GMT+7

Vốn là sinh viên y khoa, nhưng Lê Bá Thảo đã chọn địa lý để cứu chữa cho những vết thương trên cơ thể đất nước gây nên bởi “những mốc meo của sự phàm tục” với mong muốn bảo vệ cảnh quan vô giá của VN.

GS Lê Bá Thảo (thứ hai từ trái qua) tại Đại hội thành lập Hội Địa lý Việt Nam (1988) - Ảnh: tư liệu gia đình

Công việc của một phóng viên cùng với máu xê dịch nên có dịp là tôi lại lang thang với các cung đường sơn cước. Khi thì theo đường vành đai biên giới Việt - Lào (Thanh Hóa), lúc lại xuyên núi từ cao nguyên Bắc Hà men dọc thung lũng sông Chảy lên đến Mường Khương, tạt ngang Si Ma Cai (Lào Cai) rồi lại vọt sang Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang). Mỗi cung đường ấy làm tôi “bất giác phải sững sờ trước công trình thực vĩ đại của thiên nhiên, và không thể ngờ rằng con sông ở dưới chân mình ngày trước đã có lần chảy ngay trên bề mặt cao nguyên và đã xẻ qua khối núi đồ sộ này như một lưỡi dao thật sắc” (Thiên nhiên Việt Nam)

 
 

GS Lê Bá Thảo (1923 - 2000) đã đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng khoa Địa lý - Trường ĐHSP Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng bộ môn Địa lý của Bộ GD-ĐT; Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa địa lý ở trường phổ thông; Chủ tịch đầu tiên Hội Địa lý Việt Nam (3 khóa). Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010 về Khoa học và Công nghệ với các công trình: Thiên nhiên Việt Nam (1977), Việt Nam: Lãnh thổ và các vùng địa lý (1998)... Đây là Giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên về chuyên ngành địa lý trong cả nước. Trước đó, năm 2005, GS Lê Bá Thảo cũng đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ trong công trình tập thể Atlas quốc gia Việt Nam (1996).

Có lần, tôi dừng chân khi chạm mặt hoàng hôn nơi ngã bản Đá Đỏ thuộc H.Phù Yên (Sơn La) là điểm giao lưu giữa ba tỉnh Phú Thọ, Sơn La và Hòa Bình. Hoặc lỡ độ đường, có lần chúng tôi hạ trại ngay con đường chênh vênh lên đỉnh Chiềng Công, H.Mường La (Sơn La). Bất chợt lại lọt vào vùng núi đá cao nguyên Mộc Châu mà nghe tiếng thở của núi ngày mới sau cơn mưa rừng. Mỗi khi dừng chân, tôi lại nghĩ: “Ngay đến vẻ đẹp kỳ lạ của lãnh thổ này cũng còn khó nhận thức hết được. Chúng ta chưa kịp xem ánh sáng chiều nô rỡn như thế nào trên các vòm trong thung lũng của đồng bào Thái có những bánh xe nước khẳng khiu đang quay một cách chậm chạp thì các tia nắng đã chuyển lên đến các đỉnh núi cao hơn, nơi lác đác những mái nhà của đồng bào Mèo (nay là người H’Mông - KMS) đang nhẹ nhàng tỏa khói lam nhạt bên những vườn hoa thuốc phiện sặc sỡ. Chúng ta chưa kịp hết ngạc nhiên vì vẻ đẹp của rừng cây hoa ban trắng được ca tụng trong các bản tình ca Tây Bắc thì đã lọt vào những khu rừng ẩm ướt và lạnh lẽo khí vì đá và bóng tối” (Thiên nhiên Việt Nam). Tất cả những điều tôi cảm nhận được qua các cung đường, kỳ lạ thay, đều không lọt qua được từng trang sách GS Lê Bá Thảo dựng nên trong Thiên nhiên Việt Nam từ năm 1977.

Trách nhiệm công dân của một nhà trí thức lớn

GS Lê Bá Thảo chính thức buông tay bút vào ngày 28.10.2000. Trong phút tiễn biệt ông, lời điếu của người học trò gần gũi là GS-TS Nguyễn Viết Thịnh (sau này là Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội) khiến xung quanh ai nấy đều nghẹn ngào: “Những gì thầy để lại, đó là tấm gương suốt một đời lao động cật lực, vừa tự học, vừa cống hiến và sáng tạo không ngừng. Đó là trách nhiệm công dân của một nhà trí thức lớn trước những lo toan của đất nước. Đó là lòng trung thực, khảng khái của nhà khoa học. Đó là những công trình mà thầy để lại cho đời sau. Đó là niềm tin mà thầy đã đặt vào các thế hệ học trò của thầy và các đồng nghiệp của thầy”.

Năm 1948, Lê Bá Thảo được điều động làm tham chính văn phòng Bộ Quốc phòng, đích thân Thứ trưởng Tạ Quang Bửu giao cho ông trách nhiệm làm phái viên xuống các trận địa đang nóng bỏng. Chính những chuyến băng rừng vượt suối xuống mặt trận, ông được đặt chân lên nhiều vùng khác nhau của đất nước, nhất là địa thế hiểm trở của quốc phòng, đồng thời củng cố thêm tình yêu thiên nhiên trong ông. GS Lê Bá Thảo đã tâm sự: “Nếu không đi kháng chiến thì chưa chắc tôi đã trở thành nhà địa lý”.

Bước ngoặt quan trọng của cuộc đời GS Lê Bá Thảo là lúc ông được điều sang dạy học ở Khu học xá T.Ư năm 1952. Từ dạy Anh văn, Pháp văn, do thiếu giáo viên, ông chuyển sang dạy địa lý. Từ tình yêu thiên nhiên ban đầu đã biến thành niềm say mê khám phá ngành khoa học địa lý còn rất mới mẻ. Năm 1957, khi tách khỏi khoa Sử - Địa, cùng GS Nguyễn Đức Chính, TS Đào Bá Cương, GS Trần Đình Gián, GS Hoàng Thiếu Sơn, GS Lê Bá Thảo là thế hệ cán bộ giảng dạy đầu tiên của khoa Địa lý, Trường ĐHSP Hà Nội.

Người cứu chữa cho những vết thương của cơ thể đất nước

 

“Biết anh, làm việc và đàm đạo nhiều với anh, tôi hiểu về sự trực tính của anh, anh thẳng thắn tranh luận về khoa học, song lại rất tình nghĩa với bạn bè và học trò. Nhiều nhà địa lý hàng đầu Việt Nam hiện nay nhớ về anh như về một người thầy đã dìu dắt, bồi dưỡng và hằng theo dõi từng bước đi của họ. Dù có thể cũng có đồng nghiệp từng bước được anh dìu dắt nhưng lại quên nghĩa tình thầy trò, điều đó cũng không phải là lạ lẫm trong đời thường, nhưng tôi chưa một lần được nghe từ anh những lời không đẹp về những người đó. Là người có cá tính, anh Thảo cũng là một nhân cách lớn”.

GS-TSKH Tống Duy Thanh - Đại học Quốc gia Hà Nội

GS Lê Bá Thảo sinh ngày 18.4.1923 tại một làng nhỏ ngoại thành TP.Huế. Đỗ tú tài toàn phần tại Huế năm 1944, ông trở thành sinh viên ĐH Y khoa Hà Nội. Nếu không có biến cố vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, ông sẽ trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người. Nhưng số phận đã đưa ông vào ngành địa lý để cứu chữa cho những vết thương trên cơ thể đất nước. Nói như GS-TS Nguyễn Viết Thịnh: “Những công trình lớn của đất nước có liên quan đến tổ chức lãnh thổ và các vấn đề môi trường đều có tiếng nói đóng góp khoa học của ông. Giới khoa học đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, đấu tranh kiên quyết của GS cho sự phát triển bền vững của môi trường VN”.

Trong cuốn Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ (Philippe Papin và Olivier Tessier chủ biên; Trung tâm KHXH và NVQG xuất bản năm 2002) - là chương trình nghiên cứu do GS Lê Bá Thảo cùng GS-VS Nguyễn Duy Quý đồng chủ nhiệm suốt 4 năm (1996-1999), ngay trang đầu, những người bạn Pháp đã trân trọng viết: “Công trình này là thành quả của một chương trình nghiên cứu khoa học được tiến hành trong suốt 4 năm dưới sự chỉ đạo của GS Lê Bá Thảo. Chúng tôi xin đề tặng GS Lê Bá Thảo quyển sách này để tưởng nhớ nhà địa lý nổi tiếng và cũng là người bạn của tất cả chúng tôi”. 

Các công trình của GS Lê Bá Thảo, đặc biệt nhất là cuốn Việt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Hoa...) và gây được tiếng vang lớn ở Paris ngay sau khi bản tiếng Pháp ra đời. Trên tờ Afrase số 47/1998, nữ GS Manuelle Franck tại

INALCO (Viện Nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh phương Đông quốc gia - Pháp) viết ngay sau khi bà chỉ mới được đọc bản tiếng Anh: “Afrase không có lệ điểm sách xuất bản bằng tiếng Anh, nhưng đối với cuốn sách này của Lê Bá Thảo là một ngoại lệ”. Và bà khẳng định: “Đây là cuốn sách vượt hẳn lên trên mọi cuốn sách địa lý Việt Nam đã được xuất bản đến ngày hôm nay”.

Trả lời câu hỏi của nhà văn Nguyễn Quang Thân, những gì ông tâm đắc nhất trong một đời làm người tình chung thủy của địa lý Việt Nam, GS Lê Bá Thảo đáp: “Đó là vấn đề tổ chức lãnh thổ hay tổ chức không gian của đất nước. Trước đây, những nhà địa lý lớn về VN người Pháp như P.Gourou tuy có nghiên cứu sâu sắc về địa lý Đông Dương, nhưng họ chưa có thể bàn về vấn đề tổ chức không gian, đơn giản vì phương hướng này chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở Mỹ và phương Tây từ năm 1950. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây tôi đã trình bày được cặn kẽ vấn đề đó nhằm mục đích sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước tốt hơn. Tôi cũng đã đi tới những kết luận trong việc nghiên cứu phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng lãnh thổ và cuối cùng là những dự báo cần thiết cho tương lai. Quả thực trước đây những vấn đề đó vẫn còn là những trang trắng trong khoa học địa lý nước nhà”.  

Kiều Mai Sơn

>> Người Việt tài trí: Người thầy của các nhà sử học
>> Người Việt tài trí: Nhà khoa học yêu dân
>> Người Việt tài trí: Người thầy của một thế hệ
>> Người Việt tài trí: Người thầy độc đáo
>> Người Việt tài trí: Nghệ sĩ vĩ cầm Việt định danh trên thế giới
>> Người Việt tài trí: Kỳ thủ người Việt vô địch châu Âu
>> Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.