|
Tàu cảnh sát biển lớp San Juan vừa chở đoàn người di tản từ Tacloban cập cảng Cebu vào sáng 14.11, tôi lại mua vé tàu hãng Weesam để sang Ormoc ở bên kia eo biển. Mục đích của chuyến đi là để gặp những người Việt bị nạn ở Tacloban đang tập trung tại đây.
Tình cảnh người Việt bị nạn
Cùng ngày, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines đã sang Ormoc. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện đoàn công tác cho biết đoàn đã trao hàng cứu trợ cho 36 bà con tại đây, gồm những người ở Ormoc và những người từ Tacloban di tản lên, trong đó có 8 phụ nữ và trẻ em. Trong ngày 14.11, đoàn cũng đã xuống Tacloban để tìm cách di tản hai gia đình Việt kiều bị kẹt lại ở đấy trong điều kiện rất nguy hiểm về an ninh: một là gia đình anh Phước và chị Hương, một gia đình là anh Phước lấy vợ người Philippines. Gia đình anh Phước và chị Hương đã theo đoàn lên Ormoc; trong khi gia đình còn lại nói rằng họ có thể tự đảm bảo về an ninh sau khi đã gửi con cái cho bà con; và họ sẽ lên Ormoc sau.
|
Đến sáng hôm qua, khoảng 20 người Việt đã rời Ormoc sang Cebu bằng tàu thủy. “Tụi em đang cùng quẫn, anh ạ. Mong muốn lớn nhất bây giờ là bảo toàn tính mạng. Tụi em phải rời khỏi Tacloban và Ormoc vì tình hình quá nguy hiểm”, một thành viên nhóm di tản nói. Tôi hỏi trong cuộc gặp, đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam có hứa hẹn giúp đỡ gì nữa không, anh này nói rằng phía Đại sứ quán đã lấy danh sách toàn bộ nhóm người Việt di tản và hứa sẽ tiếp tục trợ giúp. Cũng theo anh này, nguyện vọng lớn nhất bây giờ là trở về Việt Nam.
“Nhưng chắc phải chờ lâu vì còn cả đống thủ tục anh ạ”, anh nói.
Phải rời khỏi nơi này
Ngày hôm trước, tôi tới Ormoc vào buổi chiều tối. Cả thành phố tối đen, chỉ có ánh đèn ô tô và xe máy. Một số điểm đặc biệt đông đúc là các khách sạn Pongos, Ormoc Villa... Khách sạn lớn nhất là Don Ormoc thì đã bị hư hại, không còn hoạt động. Tất cả những chỗ khả dĩ cho khách vãng lai trú ngụ qua đêm đều chật cứng, với những tờ giấy thông báo “Hết chỗ” (“Fully booked”, “No more rooms available”...). Khách đứng ngồi trên hành lang, tràn ra đường. Thành phố tối tăm và càng trở nên đông đúc quá tải khi dân chúng đổ ra đường vì không thể chịu nổi bóng tối ở trong nhà. Một số điểm khách sạn có chạy máy phát điện đều đông nghẹt người chờ sạc pin điện thoại, hay chỉ đơn giản là tới nhìn ánh sáng điện cho đỡ tối tăm, hiu quạnh.
Sau cả tiếng đồng hồ tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được ông bảo vệ khách sạn Ormoc Villa cho ngủ qua đêm ở tiền sảnh. Dù tạm bợ, nhưng nơi này cũng là một tiện nghi xa xỉ nếu so với những chiếc ghế nhựa nằm đau cả lưng mà tôi từng trải qua những đêm ở Tacloban. Ở đây có ghế nệm. Máy phát điện chạy đến 21 giờ.
Yoyo Rosas, tên người bảo vệ, kể ông ta quê ở Cebu nhưng sang làm việc và cùng vợ con sống ở Ormoc từ lâu. “Bão đánh sập nhà rồi. Tôi và vợ con phải ở gầm cầu”, ông ta bảo thế. Rồi Rosas nói rằng Ormoc bị bão quật tơi bời, nhưng khác với Tacloban, nơi người dân được nhận hàng cứu trợ từ sớm, Ormoc tới nay vẫn chưa được hỗ trợ gì, ngoài việc cảnh sát và quân đội tăng cường. Điều này thì ông ta nói đúng và cũng hợp lẽ, bởi mọi nguồn lực đều đang dồn tới trung tâm thảm họa Tacloban và các vùng phụ cận Tunga, Palo... Những nơi bị tàn phá ít hơn sẽ được trợ giúp sau. Nhiều người khác cũng kể cho tôi nghe điều tương tự.
Chính vì phải tự gồng mình trong hoàn cảnh không điện, không nước máy và nhiều thứ không khác mà người dân nơi đây rất khổ, khi giá cả tăng cao kỷ lục. Một lít xăng lên tới 110 peso, gấp đôi bình thường. Sau xăng dầu là thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đều tăng giá, dù trên các chuyến tàu khách từ Cebu sang người ta đã tranh thủ nhồi thêm nhiều hàng hóa như mì gói, gạo, dầu ăn... Nhưng bao nhiêu cho đủ nhu cầu của một thành phố với chiếc bụng trống khổng lồ này.
Cũng chính sự khốn khó và tăm tối ấy mà Ormoc chỉ là điểm dừng chân tạm thời của những người tháo chạy khỏi Tacloban bằng đường bộ. Hành trình kế tiếp của họ sẽ là vượt biển sang Cebu, rồi sau đó đi tiếp tới những nơi chốn mà họ có thể tìm kiếm được sinh kế trong thời gian chờ đợi Tacloban hồi phục.
Buổi sáng 15.11, sau khi thức dậy từ chiếc sofa ở sảnh khách sạn Ormoc Villa, tôi ra khu bến cảng. Tại đây, dòng người rồng rắn đang xếp hàng vào mua vé của các hãng Weesam, 2Go, Roble... để sang Cebu. Dòng người kéo dài như vô tận trên các con phố nhớp nháp đầy di vết của bão Haiyan. Cũng kéo dài tương tự là các dòng người chờ sạc pin điện thoại tại khách sạn Pongos, xếp hàng tại các trạm đổ xăng, ngân hàng, tiệm thuốc, tiệm nạp tiền điện thoại di động, dòng người xe chờ lên phà, tàu cao tốc sang Cebu, hoặc ít đông đúc hơn một tí là tại các điểm cung cấp nước sạch. Cả thành phố đang vô cùng hỗn độn.
“Chúng tôi phải rời khỏi nơi này thôi. Ở đây biết lấy gì mà sống”, ông Pinote Peruta đang đứng đợi mua vé tàu Weesam tâm sự.
Mâu thuẫn về số nạn nhân Ngày 15.11, chính quyền Philippines công bố thống kê mới nhất cho thấy đã có ít nhất 3.621 người thiệt mạng vì siêu bão Haiyan, theo AFP. Con số này tăng mạnh so với số liệu liền trước đó là 2.360 người nhưng vẫn còn thấp hơn thống kê của LHQ (4.460 người). Trước đó một ngày, quan chức cảnh sát cấp cao đưa ra thông tin có hơn 10.000 người thiệt mạng do siêu bão đã bị cách chức và “đưa đi điều trị tâm lý”. Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho rằng sở dĩ chính quyền địa phương đưa ra con số trên có thể do “chấn động tâm lý” vì phải chứng kiến cảnh tàn phá khủng khiếp của Haiyan. Đến nay, công tác viện trợ cho nạn nhân vùng bão đang được đẩy mạnh nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo CNN, hiện hơn 2 triệu người Philippines đang trong tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men. Chính quyền thành phố Tacloban, nơi bị tàn phá nặng nề nhất, phải cho tiến hành chôn cất tập thể trong khi còn nhiều thi thể kẹt dưới các đống đổ nát và các bệnh viện đang trở nên quá tải. Cũng trong ngày 15.11, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận cho rằng Trung Quốc nên gửi tàu chiến và binh sĩ đến Philippines tham gia cứu trợ. Tờ báo chỉ ra rằng Mỹ đã triển khai đội tàu chiến hùng hậu do tàu sân bay USS Washington dẫn đầu đến Philippines từ hôm 14.11, mang theo thiết bị và nhu yếu phẩm trong khi Nhật thông báo sẽ gửi tàu khu trục Ise cùng 1.000 binh sĩ. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố tăng viện trợ cho Philippines lên 1,6 triệu USD sau khi có nhiều tranh cãi về việc ban đầu nền kinh tế thứ hai thế giới chỉ thông báo gửi 100.000 USD. Hà Trinh |
Đỗ Hùng
(từ Ormoc, Philippines)
>> Philippines phải chôn tập thể nạn nhân siêu bão Hải Yến
>> Philippines, LHQ 'chỏi nhau' về số người chết do siêu bão
>> Đã tiếp cận được người Việt ở Ormoc, Philippines
>> Báo Thanh Niên trao tiền bạn đọc ủng hộ người dân Philippines
Bình luận (0)