Người viết thư thuê cuối cùng ở Bưu điện TP.HCM qua đời: Những người trẻ ngoài 20 đến tiễn ông

Phan Diệp
Phan Diệp
03/08/2023 15:40 GMT+7

Những ngày đầu thôi làm, ông Dương Văn Ngộ vẫn đạp xe đến Bưu điện trung tâm TP, ngồi cạnh bàn gỗ quen thuộc, trò chuyện với những vị khách tham quan vì đó là 'một thói quen suốt đời'.

Ông qua đời hôm 1.8, ở tuổi 94 do tuổi cao sức yếu. Ông là người viết thư thuê lâu năm nhất, được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao danh hiệu năm 2009 và cũng được xem là người cuối cùng làm công việc này.

"Sự ra đi của ba tôi ví như ngọn đèn đến lúc hết dầu... Tuổi già, ai rồi cũng sẽ đến lúc này. Trong lòng các con cháu và những người yêu quý, ba tôi đã sống một cuộc đời trọn vẹn, không còn gì để tiếc nuối", ông Dương Minh Đức, con trai ông Ngộ chia sẻ.

Ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê đại diện hình ảnh của người dân TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Minh Đức trước bàn thờ ba mình hôm 3.8.

Phan Diệp

Ba còn làm bạn với những người trẻ

Đó là lời tâm sự của ông Minh Đức khi tưởng nhớ về người cha của mình. Từ lâu, tất cả 6 người con đều xem cha mình là một công chức bình thường, làm một công việc bình thường như bao người và không phải là người nổi tiếng. Cho đến ngày ông Ngộ mất, không chỉ có người thân, đồng nghiệp cũ đến nhà tiễn biệt mà có những người trẻ cũng đến. Cho dù, họ chỉ từng trò chuyện với ông đôi lần ở góc nhỏ bưu điện nhiều năm về trước.

"Tôi cứ nghĩ chỉ có khách du lịch hay những vị cao niên cùng lứa tuổi thì ba mới thích nói chuyện. Không ngờ ba cũng làm bạn được với một cậu em chỉ ngoài 20 tuổi", ông Đức cho biết.

Video tư liệu Người dịch thư thuê cuối cùng ở Bưu điện Thành phố

Ngày 3.8, sau một ngày tin ông Ngộ qua đời được gia đình chia sẻ. Anh Huy (27 tuổi) ở Q.Bình Thạnh đến "chào tạm biệt" ông từ sáng sớm rồi mới đi làm. Huy đến thắp nhang rồi kể rằng từng trò chuyện với ông Ngộ vài lần khiến gia đình ai cũng bất ngờ, xúc động.

Người viết thư thuê cuối cùng ở Bưu điện TP.HCM qua đời: Những người trẻ ngoài 20 đến tiễn ông - Ảnh 2.

Anh Huy đến "tạm biệt" ông từ sáng sớm rồi mới đi làm

Ông Ngộ gắn bó với ngành bưu điện gần như trọn đời. Riêng Bưu điện trung tâm TP, ông có hơn 30 năm gắn bó với công việc viết thư thuê sau khi nghỉ hưu.

Sinh ra trong một gia đình gốc Hoa tại TP.HCM, ông Ngộ từng theo học trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Năm 16 tuổi, ông bắt đầu làm việc trong ngành bưu điện, trải qua nhiều vị trí khác nhau. Không biết từ bao giờ, hình ảnh ông Ngộ trở nên thân thuộc với người dân TP.HCM và đặc biệt khách du lịch đến tham quan Bưu điện trung tâm TP.HCM. Nhiều người thương quý gọi ông với biệt danh "người viết thư xuyên hai thế kỷ".

Ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê đại diện hình ảnh của người dân TP.HCM - Ảnh 2.

Ông Ngộ những ngày còn làm việc ở Bưu điện trung tâm, Q.1 hồi tháng 7.2019.

Phan Diệp

Thông thạo tiếng Anh, Pháp, ông là cầu nối cho rất nhiều người Việt Nam và nước ngoài bằng những lá thư tay. Tuổi cao sức yếu, tay run, mắt mờ phải dùng đến kính lúp soi từng chữ, ông Ngộ viết thư bằng hết tâm sức và kiến thức "để dành cả đời" mà có.

Anh Bùi Công Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Bưu điện TP.HCM đến tiễn ông Ngộ sáng 3.8 vẫn còn nhớ như in ngày mới vào làm ở bưu điện tròn 30 năm trước. Lúc bấy giờ, ngoài ông Ngộ còn có 3 người khác cùng ngồi cạnh chiếc bàn gỗ dài trong bưu điện viết và dịch thư thuê. "Nhưng về sau, chỉ còn mỗi cụ vẫn cần mẫn làm việc, dù có những ngày không một vị khách nào thuê viết thư cả", anh Trường nhớ lại.

Ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê đại diện hình ảnh của người dân TP.HCM - Ảnh 3.

Đại diện Bưu điện TP.HCM đến viếng ông Ngộ - người đồng nghiệp gắn bó gần như suốt đời với bưu điện.

Phan Diệp

Ông Ngộ làm việc không vì tiền mà bởi vì yêu công việc này, muốn gắn bó với bưu điện và được giúp đỡ mọi người. Một vị khách đến viếng ông ở nhà riêng tối 2.8 chia sẻ: "Nhiều người muốn viết thư cho người thân nhưng không biết diễn giải tâm sự của mình như thế nào, ông Ngộ sẽ hỏi ý chính, sau đó viết lại câu văn phù hợp. Cũng có những người muốn viết thư bằng tiếng Anh nhưng không giỏi ngoại ngữ, ông Ngộ sẽ dịch giúp".

Hơn chục năm trước, khi công nghệ thông tin phủ sóng, việc liên lạc, kết nối người thân ở nước ngoài đã dễ dàng hơn, ít ai còn nhờ ông Ngộ viết và dịch thư. Nhưng cứ đúng 8 giờ, người ta đã thấy cụ có mặt Bưu điện trung tâm TP.HCM. Với bộ đồ giản dị nhưng lịch sự, ông tự đạp xe đi, rồi chiều lại về nhà.

Không có khách thuê viết, ông trò chuyện với những vị khách phương xa đến, chỉ dẫn họ từng khu vực, lối đi ở bưu điện. Hôm nào khách đông, ông đi vòng quanh trông coi đồ đạc giúp nhân viên. Đến trưa, ông ngồi ăn cơm cùng với các anh chị em trong bưu điện.

Những lời tri ân...

Ông Lê Hải Hòa, Chánh văn phòng Bưu điện TP.HCM chia sẻ lúc cụ mới nghỉ làm, thỉnh thoảng vẫn đến thăm anh chị em. Ông Hòa cho biết đó là một "thói quen suốt đời" của một người đam mê công việc, thích được trò chuyện, chia sẻ.

"Cụ Ngộ trở thành một biểu tượng của Bưu điện trung tâm. Trong lòng du khách, hình ảnh của cụ như đại diện cho con người TP.HCM dễ mến, nhiệt tình. Tất cả nhân viên trong Bưu điện rất thương và biết ơn sự gắn bó, cống hiến của cụ", ông Hải Hòa chia sẻ.

Đam mê công việc là vậy nhưng ông lại rất quan tâm đến con cháu và đồng nghiệp. Dịp Tết đến, ông nhờ nhân viên đổi tiền mới để về lì xì cho những đứa cháu nhỏ, mua từng cuốn lịch bỏ túi tặng cho nhân viên bưu điện.

Ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê đại diện hình ảnh của người dân TP.HCM - Ảnh 4.

Ông Dương Văn Ái, con cả của ông Ngộ (áo trắng) và ông Minh Đức, người con thứ (áo xanh) trò chuyện với những vị khách đến tiễn ba mình sáng 3.8.

Phan Diệp

Trước năm 1968, ông Ngộ còn làm thêm nghề chụp ảnh. Xóm giềng cạnh nhà thường gọi ông bằng cái tên "ông Năm đờn" vì ông còn là một người chơi đàn mandolin rất giỏi. Vợ ông làm nghề thợ may. Hai người có cuộc sống bình dị, sống bằng sức lao động của mình, vun vén lo được cho 6 người con.

Ông Minh Đức còn nhớ năm mình vào đại học, cha đã nhường lại chiếc xe đạp quý nhất trong nhà để con đi dự khai giảng. Nhưng vì muốn tiết kiệm tiền giữ xe nên để bên ngoài, ông Đức đã làm mất. Người cha không rầy la, chỉ nhẹ nhàng nói: "Mất rồi thì thôi, giờ con đi bộ".

Ông không bao giờ áp đặt con cháu bất cứ điều gì, dù là trong việc học. Nhưng mọi người trong gia đình ai cũng hiểu, biết ông rất vui khi thấy các con cháu thành đạt. Các cháu vào đại học báo tin, ông đều khóc.

Sau dịch Covid-19, sức khỏe cụ giảm sút hẳn, lãng tai và không nhìn thấy đường nên ông không còn tự đạp xe đến thăm bưu điện như trước. Nhưng sáng nào cũng ngồi trên chiếc ghế xếp trước nhà để phơi nắng.

"Mỗi người qua lại hỏi thăm, trò chuyện đôi câu cũng khiến ba tôi vui lắm. Cũng như ngày xưa, tính ông thích được nói chuyện", bà Dương Thị Yên, con gái út của cụ kể.

Ông Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê đại diện hình ảnh của người dân TP.HCM - Ảnh 5.

Cụ Ngộ gắn bó cả đời với Bưu điện trung tâm TP. Ảnh chụp tháng 7.2019.

Phạm Hữu

Trân quý quá trình làm việc nghiêm túc, cần mẫn của bác Ngộ - suốt đời gắn bó với Bưu điện Trung tâm TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa (Hoa viên nghĩa trang Bình Dương) cho biết đã tặng cụ Ngộ mộ phần an nghỉ trong nghĩa trang thuộc đường Nghệ sĩ và đã được gia đình chấp thuận.

Vị đại diện chia sẻ: "Đường Nghệ sĩ cách cổng Vĩnh Hằng của Hoa viên khoảng 300m sẽ đón thêm 'Người giữ hồn cho những lá thư tay' về an nghỉ, gần mộ phần của các văn nghệ sĩ khác như: nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang, nghệ sĩ Vũ Linh...".

Buổi sáng cuối cùng trước khi "người viết thư xuyên hai thế kỷ" rời cõi tạm. Ông Ngộ trong mắt các con vẫn là: người cha không muốn làm phiền đến con cháu.

Ông Minh Đức kể lại: "Sáng đó ba tôi cầm bàn chải nói, sao tự dưng nay làm biếng đánh răng quá". Đang mải lo cho mẹ, ông Đức bảo rằng: "Chờ con một chút rồi con dìu ba đi". Nhưng khi quay ra, người con trai đã thấy ông đã tự đi đánh răng.

Rồi đến 20 giờ, ông đi thanh thản và nhẹ nhàng trong vòng tay con gái...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.