Nếu như từ sân bay Paro (phi trường duy nhất ở Bhutan) về thủ đô Thimphu, du khách được phiêu diêu thả hồn trên con đường với một bên tựa theo triền núi uốn quanh, còn một bên men theo con suối lớn chảy dài xuyên suốt...; thì từ thủ đô Thimphu đến các thành phố khác, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những dãy núi cao xanh ngút ngàn xen lẫn những thung lũng xanh mát - nơi những vườn đào, mận, lê trĩu quả, những thửa ruộng bậc thang vàng ươm. Thấp thoáng trên những thung lũng ấy là những ngôi nhà của người dân hay những dzong (tu viện được xây dạng pháo đài).
Trong số đó, Punakha Dzong in mình bên dòng nước trong vắt như hòa mình cùng thiên nhiên. Tiếp đến trên hành trình thơ mộng là Dochula Pass, một quần thể khó có thể bỏ qua với 108 tháp hùng vĩ, lẩn khuất đầy ma mị với mây trắng bao quanh. Ngồi trên những ngọn tháp, con người ta cứ có cảm giác đang bay bổng giữa thiên đường khi được mây quấn lấy. Khi trời trong và ít mây, từ những ngọn tháp này, du khách có thể ngắm dãy Himalaya hùng vĩ.
tin liên quan
Du khách Việt quên 1.000 USD, giấy tờ và cái kết khó tin tại sân bayNhân chuyện chàng trai Việt giả ăn xin thử lòng người Nepal, tôi nhớ như in câu chuyện mà tôi và hai người bạn đã trải qua tại đây khi để quên 1.000 USD cùng toàn bộ giấy tờ trên taxi. Và kết quả là... cả sân bay đã ra tay.
Cũng thoắt ẩn thoắt hiện giữa mây trời, tu viện Taktsang (Tiger’s Nest) nổi tiếng nằm ở độ cao đến 3.200 m so với mực nước biển và cheo leo trên vách đá dốc đứng khoảng 1.000 m so với thung lũng Paro, tạo nên một điểm xuyết khó quên.
|
Đâu cần nhiều tiền
|
Tìm hiểu mới biết, họ chẳng cần phải lo lắng gì, như lời giải thích của chị Đoàn Hằng Nga, một người VN sang Bhutan sinh sống đã được 4 năm. Chị chia sẻ: “Đất nước này đã cho tôi thấy cuộc sống hạnh phúc không hề phụ thuộc vào tiền”. Rồi chị phân tích: Cái mà con người lo lắng nhất là đói phải không? Nhưng ở đây không có đói, bạn sẽ không thấy một ai ăn xin cả. Bởi nếu người dân nào không có đất để sống, họ sẽ làm đơn trình lên nhà vua, vua sẽ cấp đất làm kinh tế. Còn bệnh tật cũng có chính phủ lo cho người dân. Tất nhiên, cũng có những trường hợp người dân gặp phải những căn bệnh hiểm nghèo, vượt quá khả năng của ngành y tế ở Bhutan vốn còn nhiều hạn chế. Thế nhưng, với những trường hợp như vậy, bệnh nhân có thể làm đơn xin vua đưa ra nước ngoài chữa trị. Và đã có nhiều trường hợp được vua chuẩn thuận.
|
Không những vậy, dù trong giờ làm hay thậm chí một cuộc họp, phụ huynh cũng có thể bỏ ngang để đi đón con. Đó là vì, đất nước này đặt sự quan tâm, chăm sóc con cái quan trọng hơn so với hiệu quả công việc. Ai ai cũng được đối xử công bằng như nhau, quan chức khó dám tham ô - vốn bị xem là hành vi đáng khinh miệt ở đất nước này. Nhà vua thường xuyên vi hành và mọi người dân đều có quyền “chặn đường” nhà vua để tố cáo những bất công trong cuộc sống. Từng vụ việc đều được vua lắng nghe, giải quyết ngay sau đó chỉ vài ngày.
|
Đất nước không trộm cắp
Ở Bhutan, khi nhìn từ bên ngoài người ta khó có thể phân biệt giữa nhà giàu với nhà nghèo, bởi chính phủ quy định xây chung một kiểu nhà, chỉ có sự khác biệt về tiện nghi bên trong. Không những vậy, đây còn là nơi không có tội phạm, trộm cắp, giật đồ, lừa gạt. Anh Tenzin Wangchuk, người dẫn đoàn chúng tôi đi tham quan, đã khẳng định như thế và đảm bảo du khách có thể hoàn toàn yên tâm dạo phố vào bất cứ giờ giấc nào trong ngày. Đến các chợ địa phương, bạn sẽ cảm nhận rõ sự thật thà của người dân. Không có tình trạng nói thách giá bán, kể cả với du khách, thậm chí sẵn sàng cân dư cho khách khi mua hàng...
Đó là một trong những yếu tố để góp phần tạo ra sự thanh bình, nét vô lo và không chút phiền muộn thể hiện ở hầu hết người dân đất nước này. Nơi mà mỗi người dân đều được hưởng một thứ hạnh phúc trọn vẹn, với không khí trong lành, được ăn thực phẩm sạch, sống một cuộc sống không vội vã và sợ hãi bất cứ điều gì.
Không chạy đua thu hút du khách
Ông Damcho Rinzin, Giám đốc tiếp thị du lịch của Bộ Du lịch Bhutan, cho biết trong kế hoạch phát triển du lịch, nước này không chạy theo mục tiêu tăng số lượng du khách. Theo đó, phát triển du lịch phải đi liền với việc xây dựng đất nước, không để mất bản sắc văn hóa dân tộc cũng như gây ô nhiễm môi trường, bằng cách tất cả người dân nơi đây làm bất cứ ngành nghề gì, kể cả du lịch, khi ra đường đều phải mặc quốc phục. Những làng phục vụ du lịch chỉ được phục vụ du khách vào những giờ mà họ xong việc đồng áng của gia đình. Khi du khách vào Bhutan được tài xế và hướng dẫn viên du lịch đưa đi tham quan, nhưng được giám sát kỹ nếu ai có hành động gây ảnh hưởng đến người dân cũng như môi trường của đất nước này sẽ không được cấp thị thực để quay trở lại. Tài xế còn chịu trách nhiệm nhặt rác trong thời gian đậu xe chờ đưa rước khách tham quan.
|
Bình luận (0)