Người Việt trong vòng xoáy khủng hoảng ở Nepal

15/10/2015 09:09 GMT+7

Nepal đang chìm trong cuộc khủng hoảng thiếu nhiên liệu, nhu yếu phẩm, và cộng đồng người Việt cũng không thoát khỏi ảnh hưởng.

Nepal đang chìm trong cuộc khủng hoảng thiếu nhiên liệu, nhu yếu phẩm, và cộng đồng người Việt cũng không thoát khỏi ảnh hưởng.

Dân Nepal xếp hàng dài chờ mua xăng tại Kathmandu và cảnh lũ lượt đi bộ trên đường phố Nepal (ảnh nhỏ) - Ảnh: Kim CươngDân Nepal xếp hàng dài chờ mua xăng tại Kathmandu và cảnh lũ lượt đi bộ trên đường phố Nepal (ảnh nhỏ) - Ảnh: Kim Cương
Giá cả hàng hóa tăng gấp 3 đến 4 lần bình thường, mất điện xảy ra liên tục trong khi nguồn nhiên liệu xăng dầu, khí đốt đã gần như kiệt quệ. Đó là hậu quả của tình trạng bất ổn tại biên giới với Ấn Độ, nước cung ứng toàn bộ xăng dầu và nhiều hàng hóa thiết yếu khác như vật liệu, thuốc men cho Nepal.
Tình hình càng tồi tệ hơn trong bối cảnh Nepal vẫn đang chật vật khắc phục hậu quả từ trận động đất kinh hoàng khiến hơn 9.000 người thiệt mạng hồi tháng 4.
Tình cảnh này khiến chính phủ Nepal phải ra lệnh hạn chế di chuyển bằng xe máy và xe hơi do thiếu hụt xăng dầu, còn cảnh hàng chục ngàn phương tiện di chuyển xếp hàng rồng rắn tại các trạm xăng trong sự kiểm soát của lực lượng an ninh dần trở nên quen thuộc tại thủ đô Kathmandu.
“Tôi phải đợi từ 14 giờ đến 0 giờ ngày 13.10 mới thấy vãn người để ra trạm xăng, vừa tới thì đã hết sạch”, chị Kim Cương kể với Thanh Niên. Chị Kim Cương là người Việt Nam đã sống tại Kathmandu nhiều năm nay và là chủ hệ thống quán phở đã giúp đỡ rất nhiều đồng hương bị kẹt tại Nepal trong trận động đất hồi tháng 4.
Đến nay, Tổng công ty dầu khí Nepal đã nỗ lực phân phối nhiên liệu theo đầu người nhưng “việc cung ứng nhiên liệu và hàng hóa vẫn diễn ra rất chậm”, anh Khapangi Magar, một thanh niên Nepal cho Thanh Niên hay.
Khách hành hương mắc kẹt
Việc thiếu hụt nhiên liệu đã ảnh hưởng nặng nề đến giao thông tại Nepal. Chị Kim Cương cho biết chị “chưa bao giờ thấy người Nepal đi bộ nhiều đến vậy”. Thậm chí, có lúc chị “không thấy bất cứ phương tiện cá nhân nào lưu thông ở Kathmandu”. Đi phương tiện cũng không đỡ khổ hơn khi mỗi xe lam thường chở từ 8 - 10 người thì nay phải chở 15, còn xe buýt từ mốc 12 người phải “nhét” đến khoảng 25 người.
Khủng hoảng hiện nay ở Nepal cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những người Việt Nam đi du lịch và hành hương tại nước này. Theo nguồn tin của Thanh Niên, nhiều người đi hành hương kẹt cứng trên núi khi không có xe nào chịu chở, dù hành khách đồng ý trả giá cao, nhà chùa cũng đang thiếu thốn nặng nề nên khách không thể ở mãi được.
Anh Nguyễn Mạnh Duy, một người Việt đến Nepal du lịch và leo núi đúng lúc khủng hoảng nổ ra, cho biết có trường hợp bị trễ kế hoạch đến 2 ngày vì xe buýt quá tải.
Hiện tại, sau những lời kêu gọi của chính phủ Nepal tới Liên Hiệp Quốc cũng như việc nước này có Thủ tướng mới là ông Khadga Prasad Sharma Oli, tình hình đang dần khả quan hơn. Tuy nhiên những đợt hàng cứu trợ của người VN giúp Nepal khắc phục hậu quả động đất vẫn không thể vượt qua biên giới Ấn Độ.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, anh Trọng Ninh, một người Việt đang tham gia công tác từ thiện hỗ trợ nạn nhân động đất ở Nepal, cho biết: “Rất nhiều nơi không mua được nhiên liệu, giá cả lại đắt, nhiều người phải đi bộ đi làm trong khi sắp tới mùa đông nên ở đây rất lạnh. Hiện tại những đợt hàng cứu trợ cho trận động đất trước kia đều phải hoãn lại do không qua được biên giới Ấn Độ. Vả lại, xe cộ của nhóm cứu trợ đều phải “đắp chiếu” hết vì không mua được xăng, giá chợ đen cao gấp 2 - 3 lần và mỗi lần cũng chỉ mua được vài lít”.
Lý do trực tiếp dẫn đến tình cảnh hiện nay là cộng đồng dân tộc thiểu số Madhesi đã chặn cầu tại Birgunj, cửa khẩu biên giới với Ấn Độ ở cách Kathmandu khoảng 90 km về phía nam, để phản đối hiến pháp mới được thông qua ngày 20.9, trong đó chia Nepal thành 7 tỉnh bang. Nội dung này bị cho là sẽ khiến cộng đồng Madhesi không có đại diện nào trong quốc hội.
Tuy mang tiếng thiểu số nhưng người Madhesi chiếm tới 39% dân số Nepal và đặc biệt gắn bó mật thiết với một số cộng đồng của Ấn Độ. Vì thế, Nepal cáo buộc Ấn Độ “cố tình bóp nghẹt nguồn cung ứng” nhằm gây áp lực buộc Nepal phải xem xét lại hiến pháp mới.
Đến nay, New Delhi bác bỏ mọi cáo buộc và lập luận rằng những nhà cung ứng dịch vụ, vận tải và thương gia Ấn Độ lo ngại tình hình chính trị, an ninh và ổn định ở Nepal nên mới ngừng làm ăn với các đối tác láng giềng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.