Căn hộ chúng tôi thuê ở tầng 7 – nơi có tủ điện tầng chập điện và phát hỏa. Vào lúc 2 giờ 5 phút sáng, ngày 3.4, thấy điện thoại đang sạc bỗng dưng chớp tắt và kêu liên lục, tôi nghĩ đến khả năng chung cư đang bị chập điện.
Khoảng 10 phút sau, nhiều người Thái bắt đầu la hét và chạy khắp các hành lang. Do ở một mình, tôi quyết định chờ một lúc để cân nhắc tình hình chứ không vội mở cửa vì chưa biết bên ngoài đang xảy ra va chạm xô xát hay sự cố gì để xử lý cùng dòng người đang hoảng loạn tại hành lang.
tin liên quan
Cháy chung cư Carina: Cảm phục câu chuyện vợ chồng ôm con vượt qua cõi chếtSau 5 phút, khi điện trong phòng bị cúp toàn bộ, tôi thay quần áo, lấy sẵn túi tiền và điện thoại để chuẩn bị mở cửa chạy ra ngoài. Không gian đặc quánh làn khói đen và mùi khét đặc trưng của sự cố về điện cùng hơi nóng ập vào mặt tôi. Không thể tìm được lối đi mà xung quanh thì hỗn loạn tiếng người la hét chen nhau chạy, tôi quyết định đóng ngay cửa lại và ứng phó với phương án ở trong phòng cầm cự.
Những ngày gần đây, qua báo chí tôi có biết về sự việc cháy chung cư Carina ở TP.HCM, và tôi không không nghĩ điều đó đã xảy ra chỉ trước 1 ngày tôi dự định về thăm gia đình ở Việt Nam. Đa phần trong các vụ cháy, nạn nhân thường phải đối mặt với rủi ro từ ngạt khói trước các nguy cơ khác.
Tôi lấy quần áo, vải vóc trong phòng rồi thấm ngập nước để chèn vào cửa ngăn không cho khói tiếp tục vào thêm. Khói trong phòng lúc này vốn đã rất dày đặc, những bụi khói độc hại làm cổ họng tôi rát và phản ứng sặc ho liên tục. Do luôn chủ động sạc đầy pin điện thoại, tôi dùng chế độ đèn điện thoại để xác định các vị trí trong phòng để lấy đồ và di chuyển.
Để tránh bị mất nước và giảm cảm giác khô rát, tôi tìm nước uống liên tục. Sau đó, tôi mang một chai nước và điện thoại bật đèn pin để ngửa lên để có ánh sáng hắt ra ban công chờ cứu hộ.
|
|
|
tin liên quan
Cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người chết: Còn lại gì ngoài nỗi đau...Xác định được bên dưới ban công nhìn xuống sân chung cư là nhà kho và bãi đậu vẫn còn đầy xe, do vậy xe cứu hỏa sẽ không thể tiếp cận bằng hướng ấy ngay lập tức. Thay vì kêu cứu hoặc dùng gậy đập vào lan can tạo tiếng động như các căn hộ phía trên đầu, tôi quyết định tiết kiệm sức lực và kiềm chế hơi thở vừa đủ để không phải hít thêm nhiều khói độc và châm nước liên tục vào chiếc khăn đang quấn khắp đầu và mặt.
Trong tình huống này, tôi tin nếu càng hoạt động nhiều thì cơ thể càng mất nhiều oxy, và lúc đó lại phải hít vào khói và các chất độc hại hơn. Như vậy sẽ mất dần cơ hội cầm cự sống sót.
2 giờ 20 phút, tôi bắt đầu nghe tiếng cứu hỏa và cứu thương từ xa.
Chung cư tôi ở là một công trình đã xây dựng từ năm 1987. Biết bao thế hệ du học sinh Việt Nam đều ở đây và nhiều người khẳng định chưa bao giờ xảy ra vụ việc tương tự. Vì xây từ lâu, nên hệ thống báo cháy khá sơ sài, chỉ có đèn khẩn cấp ở dọc hành lang dẫn ra cầu thang thoát hiểm, thậm chí một số cái không sáng được. Hệ thống báo cháy bằng chuông và vòi phun nước tự động đều không có. Cửa thoát hiểm ngoài tòa nhà có nhưng một số tầng bị khóa.
Chung cư Rajtevee nằm sâu trong con đường Soi 18 với bề ngang 3m nên không đủ cho xe cứu hỏa tiếp cận. Xung quanh sân chung cư là bãi đỗ ô tô chật kín không còn một chỗ cho xe máy di chuyển.
|
Đến 2 giờ 30 phút, từ tầng 7 tôi bắt đầu nghe tiếng máy bơm nước hoạt động. Nước được huy động từ các cây cứu hỏa và thậm chí là nước cống. Trong khi đó, tôi vẫn tiếp tục cầm cự tại căn phòng của mình. Số lượng người bị thương khá cao là do có một số người ở tầng thấp quyết định nhảy ra khỏi ban công, đồng thời những căn hộ khác cũng bắt đầu ném đồ đạc xuống đất.
Đến 3 giờ 50 phút, tôi được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi tòa nhà. Đến tầm 7 giờ sáng thì toàn bộ ngọn lửa đã được khống chế. Các lực lượng chức năng đã có mặt sẵn sàng để đón những người được cứu thoát đưa xuống sân chung cư và tiếp nhận từng ca để phân loại mức độ cần hỗ trợ ra sao.
8 giờ sáng, các bàn chức năng được lập tạm thời để hướng dẫn và hỗ trợ người dân. Nhiều quán ăn xung quanh nấu đồ ăn như cháo, cơm để hỗ trợ nạn nhân sau vụ cháy. Người dân sống gần đó mang đến cho những người vừa thoát khỏi vụ cháy một ít giày dép và quần áo. Điều đó khiến những người xa xứ chúng tôi cảm thấy ấm áp về tính nhân văn của người Thái.
Rất nhiều lực lượng như cảnh sát, phòng cháy chữa cháy, y tế, lực lượng cứu hộ khẩn cấp, quân đội đều có mặt để điều tiết hiện trường, hỗ trợ người dân. Chúng tôi được hướng dẫn khai báo số phòng, cập nhật hình ảnh thiệt hại, số passport để đền bù thiệt hại. Chúng tôi được cấp các nhu yếu phẩm cần thiết và nước uống, thức ăn cũng như chỗ ở tạm.
Tôi cảm thấy rất xúc động và cảm phục người dân Thái. Tất cả các quy trình ấy đều được bố trí rất phù hợp trong một không gian nhỏ hẹp của Soi18 kéo dài từ đường Phetchaburi.
10 giờ cùng ngày, lực lượng thẩm định chất lượng công trình được đưa đến hiện trường với nhiều chuyên gia để kiểm tra kết cấu, hư hại sơ bộ.
11 giờ, từng đoàn quan chức nhà nước của Bộ Công an đều đến thăm hỏi người dân, động viên và thông báo với báo chí. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô và cán bộ khoa Kỹ thuật của Trường đại học Chulalongkorn thăm hỏi, hỗ trợ lấy danh sách các sinh viên đang nhập viện và bố trí chỗ ở mới cho các bạn sinh viên trong cơn hỏa hoạn.
14 giờ, chúng tôi bắt đầu được cho phép lên phòng lấy các đồ đạc cần thiết và lên xe chở về ký túc xá Chula. Chúng tôi được thông báo rằng đến ngày 7.4, sẽ có buổi nói chuyện với chủ nhà và lực lượng chức năng về phương hướng giải quyết đền bù thiệt hại, nhanh chóng ổn định chỗ ở mới cho các nạn nhân.
Qua sự việc này, bản thân tôi là người trải qua tình huống nguy hiểm đó, tôi muốn chia sẻ lại kinh nghiệm sống sót của mình để góp thêm thông tin hữu ích cho cộng đồng:
1. Nhớ các lối thoát hiểm nơi chung cư bạn đang sống, đặc biệt là cửa thoát hiểm có chế độ tự đóng chứ không được phép khóa.
2. Biết vị trí/phòng tủ điện kỹ thuật của tầng nơi mình ở nằm đâu?
3. Nên thường xuyên đi thử cầu thang thoát hiểm của tòa nhà để chắc rằng chân bạn cũng quen thuộc từng bước đi như bạn bước ở cầu thang nhà mình mà không cần mở mắt.
4. Khi có sự cố cháy xảy ra, cần bình tĩnh xác định:
- Xác định nơi lửa cháy/khói phát ra: Từ đây bạn sẽ biết mình nên chạy thoát hiểm về hướng ngược lại.
- Xác định lửa cháy lan hay chỉ có khói: Từ đây bạn sẽ biết được nên ứng phó bằng cách hạn chế tiếp xúc với khói hay phải chạy thoát để tránh lửa.
5. Dùng khăn ướt để chèn các vị trí cửa ra vào chỗ hành lan để ngăn khói độc vào phòng
6. Quan sát hướng gió để biết tránh sức nóng.
7. Ở gần vòi nước như nhà tắm, nhà bếp, bật vòi nước chảy liên tục.
8. Sử dụng chăn, khăn ướt để quấn quanh người nếu thấy sức nóng do cháy và che toàn bộ mặt để tránh khói độc hại gây ngạt.
9. Uống nước và mang theo nước bên cạnh.
10. Cần lấy nhanh các vật dụng có thể gây tiếng động hoặc phát sáng như điện thoại, đèn pin.
11. Giữ bình tĩnh, hạn chế la hét nhiều vì sẽ khiến cơ thể bị mệt, mất sức và kéo theo hít thở nhiều thì khói vào người nhiều hơn, mất ôxy nhiều hơn, sẽ nhanh chóng dẫn đến mệt nhanh hơn.
12. Di chuyển trong phòng nên đi cúi thấp vì khói có xu hướng bốc lên trên.
|
Bình luận (0)