Một buổi sáng mùa khô khi hiệp định Paris vừa ký kết (27/1/1973), bên bờ kinh Bà Tỵ anh Tư Bao phụ trách xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh bảo tôi vận bộ bà ba lấm bùn, anh trùm lên đầu tôi chiếc nón lá cũ mèm cùng đi ra cánh đồng gặp một số nông dân trong ấp chiến lược “bung ra” làm ruộng. Xế trưa, hai lão nông quê xã Bình Trị Đông kéo tôi và Tư Bao lại mé bờ mẫu trải đệm bàng bày chai rượu và mấy quả bần cùng mắm cá sặc.
Trong lúc đang lai rai nhậu, lão nông tên Tư Tuyết ngon trớn, hỏi: “Chú em người Huế mới vô, hả?” (cách gọi thanh niên miền Bắc của người Nam bộ). “Dạ! Cháu ở Hà Nội ạ!” - tôi trả lời. Ông Tư Tuyết lại nắm tay tôi, rót đầy chung rựu, nói: “Qua với chú em chung ly, hén!”. Chiều ý ông, tôi nâng chung rượu đặt lên môi dốc cái ực. Thấy vậy, ông Tư Tuyết đọc liền câu ca:
Gió đưa lắt lẻo trái bần chua
Chấm với mắm sặc khỏi mua tốn tiền
Không chỉ có trái bần chấm mắm cá sặc làm mồi nhậu, khi con nước sát, tôi mang bao cát “lông” ra kinh, móc tay vào bập dừa nước thế nào cũng lôi được chú càng xanh to như cán liềm. Hết “lông” kinh mò tôm, lại lên đồng tìm cua. Hễ thấy mặt ruộng thở phập phồng, thò tay xuống thể nào cũng lôi được chú cua nặng gần nửa ký
Lần khác, tôi được phân công tôi ở tại căn cứ đóng trên bờ con kinh nhỏ rậm rì tàn cây bàn và dừa. Trong lúc tôi đang nghĩ chuyện bọn cảnh sát có thể hành quân vào “địa hình” tìm kiếm căn cứ của ta bỗng tôi nghe có tiếng động ngoài kinh. Tôi ôm cây tiểu liên AK hướng về phía tiếng lội bì bõm. Hai cô gái còn khá trẻ bất ngờ xuất hiện. Để trấn an tôi, một cô vừa rửa chân vừa nói: “Chúng em trong chợ ra. Hôm nay tết Đoan Ngọ, má bảo mang con vịt quay, bánh hỏi ra cho mấy anh ăn Tết!”. Trong lúc tôi đang lúng túng, cô gái xưng tên Út móc trong người ra một cái bọc nho nhỏ, nói: “Hay tin anh Ba mới ở Hà Nội vô, má gửi cho anh Ba chiếc áo má may cho anh Thành em. Anh Thành chưa kịp mặc thì hy sinh hồi Mậu Thân... Coi như món quà của má”.
|
Sau ngày 30/4/1975, tôi được mấy anh ở huyện ủy Bình Chánh cho biết, Út là học sinh trường trung học Mạc Thị Bưởi ở thị trấn An Lạc. Cô gái đi với Út tên Nữ con người dì ruột với Út có cha ở tù ngoài Côn Đảo. Cả hai cô là cơ sở nội tuyến của chi bộ xã Tân Tạo và huyện ủy Bình Chánh.
Thời gian này, ở căn cứ huyện ủy Bình Chánh, tôi được nghe chị Năm Ru cán bộ phụ trách một xã sát thị trấn Bình Chánh báo cáo công tác phát triển hội viên, đoàn viên trong các đoàn thể quần chúng. Khi kể về buổi kết nạp một Hội viên phụ nữ vào Đảng tại căn cứ bên bờ kinh, chị nói: Lễ kết nạp chỉ có hai người, không có cờ Đảng và ảnh Bác Hồ. Chị đành giải thích cờ Đảng màu đỏ có hình búa liềm ở giữa. Bác Hồ có khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt sáng để chị này tưởng tượng.
Lần thứ 2 tôi trở lại vùng ven. Lần này, tình hình “dễ thở” hơn. Phần tôi quen với chiến trường vùng ven chằng chịt kinh rạch, tôi lại có nhiều bạn hữu. Một lần, theo du kích Tân Nhật vô ấp 3 sát sông Chợ đệm. Ấp có nghề trồng bàng và đan đệm bàng. Xen giữa tiếng đập bàng, có tiếng hò nho nhỏ của ai đó:
Đập bàng đan đệm nuôi ai?
Nhà bên có tiếng hò cũng nho nhỏ đáp lại:
Đập bàng đan đệm nuôi trai xứ này!
Từ Bình Chánh, tôi sang xã Vĩnh Lộc, huyện Tân Bình làm việc và ở chung với Năm Ngon, Bí thư chi bộ xã Vĩnh Lộc. Cô Phi Hùng (vợ Năm Ngon) cán bộ Phụ vận từ căn cứ Khu ủy cũng vừa trở về Vĩnh Lộc. Hằng ngày, chúng tôi ra kinh giăng lưới bắt cá. Một đêm, đi qua đìa hoang, Năm Ngon nói: “Địa hình ta đang ở rất gần khu Đìa Dứa có 32 dân công hỏa tuyến hy sinh năm Mậu Thân 1968), trong đó có 25 nữ, hầu hết là người xã Vĩnh Lộc”. Tôi tưởng tượng đêm định mệnh ngày 20 tháng năm âm lịch năm ấy, máy bay trực thăng quần đảo xối đạn xuống đoàn dân công đang làm nhiệm vụ tải hai thương binh sư đoàn 9 về tuyến sau.
Thế đấy, những con người vùng ven đã hớp hồn tôi từ gần nửa thế kỷ trước và trở thành những ký ức không bao giờ nguội lạnh.
|
Bình luận (0)