Người xưa trọng sách: Ngồn ngộn thi thư

18/04/2024 07:21 GMT+7

Xét trong sách vở thời xưa ghi chép lại, thấy rằng việc trước thuật, in khắc và ban hành, lưu trữ sách vở của tiền nhân, nhiều nẻo cẩn trọng và nâng niu lắm.

Sách nhiều "trâu kéo phải mệt, nhà chất phải đầy"

Bình Ngô đại cáo không chỉ viết về chiến thắng của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng Minh, mà ngay lời mở đầu, Nguyễn Trãi đã khẳng định "Như nước Việt ta từ trước/Vốn xưng văn hiến đã lâu" (Bùi Kỷ dịch). Gắn liền với nền văn hiến hàng nghìn năm ấy, Lịch triều hiến chương loại chí khẳng định nước ta có thư tịch từ lâu. Trải qua các triều đại không ngừng bồi đắp, "sách vở ngày ngày càng nhiều, nếu không trải qua binh lửa mà thành tro tàn, thì hẳn là trâu kéo phải mệt, nhà chất phải đầy".

Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ được biên soạn, khắc in thời vua Gia Long

Mộc bản sách Hoàng Việt luật lệ được biên soạn, khắc in thời vua Gia Long

TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA IV

Việc biên soạn, khắc in và ban hành sách vở, trải qua các triều đại, luôn có sự quan tâm từ chính quyền. Trước nhất là việc biên soạn. Tư nhân, mà chủ yếu là các nhà Nho viết sách, tác phẩm còn được thống kê trong phần "Văn tịch chí" của Lịch triều hiến chương loại chí. Còn chính thức, nhà nước biên soạn sách tùy thể loại, có thể kể một vài: Thời Trần Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn được giao soạn Hoàng triều đại điển; năm Ất Mão (1495) làm sách Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca; năm Đinh Dậu (1777) chúa Trịnh sai Phan Trọng Phiên soạn sách Bình Nam lục

Riêng đối với lĩnh vực in ấn khi xưa, sử dụng kỹ thuật in mộc bản, bên cạnh đó có cả sách chép tay. Sử sách ghi chép những gì thuộc về chính sử, hoạt động của vua quan, cũng dành dù là một phần khiêm tốn đề cập mảng khắc in sách. Chẳng hạn thời Lê Trung hưng, Đại Việt sử ký tục biên chép năm Đinh Sửu (1697), Lê Hy dâng bộ Quốc sử tục biên thực lục được biên soạn xong. Bộ sách này trước đó năm Quý Mão (1663), Tể thần Phạm Công Trứ thực hiện biên soạn nhưng việc khắc in chưa xong. Sau chúa Trịnh sai Lê Hy, Nguyễn Quý Đức biên soạn tiếp. Việc biên soạn hoàn thành, nhà chúa sai khắc in luôn để ban hành. Trong năm Giáp Dần (1734) triều đình thực hiện in ấn nhiều tác phẩm. Tháng Giêng khắc in sách Ngũ kinh ban bố cho thiên hạ. Tháng 3, khắc in các sách Chư sử, Thi lâm, Tự vựng ban hành. Bản in Ngũ kinh khắc xong, sai chứa ván ở nhà Quốc học.

Thời Nguyễn, việc in ấn sách vở rất thịnh. Sử nhà Nguyễn chép nhiều việc in ấn sách qua thời gian. Tỉ như Quốc sử di biên có ghi thời Gia Long, năm Đinh Mão (1807), khắc in sách Đại học diễn nghĩa của Tăng Tử. Năm Ất Hợi (1815), thực hiện in bộ sách Bắc sử thông giám. Năm Nhâm Thìn (1832) thời Minh Mạng khắc in Ngự chế thi tập… Đồng thời với việc tự chủ sách vở, nhà nước còn hạn chế nhập sách. Năm Bính Thìn (1736) thực hiện lệnh cấm không được mua sách Trung Quốc.

Quan tham nhũng sách, Bộ Hình hạch tội

Với sách công, sau khi khắc in, nhà nước sẽ ban hành, đưa sách đến các cơ quan, đối tượng cần thiết. Thời vua Lê Thánh Tông, năm Đinh Hợi (1467) ban cấp bản in sách Ngũ kinh của nhà nước cho Quốc Tử Giám làm tài liệu học tập. Năm Tân Mùi (1511) ban sách Trị bình bảo phạm gồm những điều có quan hệ đến chính trị, phong tục...

Khuê Văn Các trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Khuê Văn Các trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

TRẦN ĐÌNH BA

Thời Nguyễn, Quốc sử di biên thông tin, năm Nhâm Thân (1812) ban hành sách Hoàng Việt luật lệ gồm 22 quyển. Năm Bính Tý (1816), bộ sách này được cấp phát cho quan lại các địa phương để học tập, làm theo… Năm Ất Sửu (1865) thời vua Tự Đức, ban sách Nông tang y thựcChâu huyện đề cương, sách Bổ hoàng khảo (dạy phép bắt sâu keo) cho các hạt Nam, Bắc, theo Quốc triều chánh biên toát yếu. Cũng có lúc, tư nhân chủ động khắc in sách, như trường hợp Trần Doãn Đức được Đại Nam liệt truyện ghi lại. Ông đỗ hương tiến thời Minh Mạng, làm đến Tri phủ Tĩnh Gia. "Đức thường nghĩ đến nối chí cha, khắc in nhiều sách thiện phát đi các nơi".

Trong việc ban hành, phân phát sách có lúc xảy ra việc tư lợi. Toàn thư cho biết thời Lê sơ "hằng năm sách công ban xuống cho các phủ ở ngoài như Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển, Cương mục, cùng các loại sách thuốc. Nhưng có khi phủ quan tham ô, tự tiện giữ riệt lấy làm sách tư của mình, không hề giao cho học quan và y quan, rất là trái lệ". Trước thực trạng đó, năm Giáp Thìn (1484), nhà nước định lệnh sách công ban xuống, Hiến ty các xứ phải kiểm soát các phủ trong hạt mình quản, nếu phát hiện những sách cấp mà quan bản phủ cố tình giữ lấy, sách học không giao cho học quan, sách thuốc không giao cho y quan thì cứ tâu hặc lên, giao cho Bộ Hình trị tội.

Để chứa sách, nhà nước mở thư viện công lưu trữ với tên gọi khác nhau tùy thời như nhà Bát Giác, kho Đại Hưng, kho Trùng Hưng thời Lý, kho phủ Thiên Trường thời Trần... Tục biên ghi năm Nhâm Ngọ (1762) đặt thư các (gác chứa sách, tức thư viện), lấy Nguyễn Bá Lân, Lê Quý Đôn làm học sĩ, để duyệt sách vở. Ngô Thì Sĩ và một người khác giữ chức Chính tự (đính chính các chữ sai). Theo thông tin từ Quốc sử di biên, năm Quý Hợi (1803) khắc in Thánh dụ quảng huấn để ban hành, "sách được lưu trữ tại Huỳnh cung [tức Trường Quốc Tử Giám] ở Bắc Thành", điều đó cho thấy trường Giám cũng là nơi có thư viện lưu sách vở. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.