Nhiều người yêu thiên văn Việt Nam hy vọng sẽ quan sát được sao chổi C/2024 S1 (ATLAS) vào cuối tháng 10, sau khi vừa nói lời tạm biệt với sao chổi cổ đại 80.000 năm ghé thăm trái đất. Tuy nhiên điều bất ngờ đã xảy ra. Trang Space.com thông tin sao chổi C/2024 S1 (ATLAS) không còn nữa. Vì sao?
Các nhà khoa học cho biết mới đây ngày 28.10, sao chổi bốc hơi khi đang hướng đến cận điểm, điểm gần nhất với mặt trời trên quỹ đạo của nó. Trước đó, người ta hy vọng rằng sao chổi, được đặt tên chính thức là C/2024 S1 (ATLAS), có thể trở thành "món quà Halloween" có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng cuối cùng, đây chỉ là suy nghĩ viển vông.
Sao chổi C/2024 S1 (ATLAS) đã đi qua điểm gần nhất với trái đất vào ngày 23.10, đạt cấp sao là 8,7, quá mờ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, các kính thiên văn vẫn có thể thoáng thấy vị khách băng giá từ bên ngoài hệ mặt trời.
Sau khi tiếp cận, sao chổi bắt đầu bay về phía mặt trời, khiến việc quan sát bằng bất kỳ thiết bị nào khác ngoài các thiết bị chuyên dụng được thiết kế để quan sát mặt trời trở nên khó khăn.
"Quả cầu tuyết bẩn"
Giống như tất cả các sao chổi khác, C/2024 S1 (ATLAS) về cơ bản là một "quả cầu tuyết bẩn", một vật thể đông lạnh bao gồm khí, đá và bụi còn sót lại từ những ngày đầu tiên của hệ mặt trời cách đây khoảng 4,6 tỉ năm.
Một số sao chổi có thể mất đến hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu năm để quay quanh mặt trời, mặc dù một số có thể quay quanh trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Sao chổi Halley, một trong những sao chổi nổi tiếng nhất, quay quanh khoảng 75 năm một lần. Trong khi đó, sao chổi Encke quay quanh mặt trời cứ sau 3,3 năm.
Trước đó, sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) đã sống sót sau khi tiếp cận gần nhất với mặt trời vào ngày 27.9 và tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục cho những người quan sát trên toàn thế giới, có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong suốt tháng 10.
Dù rất nuối tiếc khi không ngắm được sao chổi mới phát hiện C/2024 S1 (ATLAS) này, tuy nhiên anh Thế Ngọc (25 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết anh đang mong chờ siêu trăng cuối cùng của năm vào tháng 11 tới đây.
"Do ảnh hưởng của bão, thời tiết TP.HCM những ngày này trời mưa. Nếu sao chổi không tan rã, mình cũng khó mà ngắm được nên đành đợi những sự kiện thiên văn khác", anh chàng nói thêm.
Bình luận (0)