“Người Nhật hứa hẹn với tôi nhiều điều, bảo đảm lượng tiêu thụ khổng lồ và số tiền lớn nếu tôi đồng ý bỏ thương hiệu tỏi đen Leo’s và gia công sản phẩm bằng tiếng Nhật cho họ. Nhưng đối với tôi thương hiệu Việt là không thể đánh đổi. Tôi đã từ chối họ”.
Doanh nhân Nguyễn Leo Long và sản phẩm tỏi đen - Ảnh: Q.T
|
Doanh nhân, Việt kiều Mỹ Nguyễn Leo Long bắt đầu câu chuyện với Thanh Niên bằng những lời tâm huyết như vậy.
Từ bán nước sạch đến tỏi
Nguyễn Leo Long được biết đến nhiều với cái tên Hoàng Long, vốn xuất thân là một nhà nghiên cứu môi trường cho một tổ chức khoa học ở Mỹ. Sang Mỹ từ khi mới hơn 10 tuổi, Leo Long theo học ngành y nhưng sau đó, anh nhận ra đây không phải là đam mê của mình nên chuyển sang nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực môi trường.
|
Năm 1998, Leo Long bắt đầu về VN để thực hiện một nghiên cứu về chất lượng nước. Từ những kết quả phân tích, Leo Long nhận thấy người Việt đang đối mặt với nguy cơ bệnh tật quá cao vì nguồn nước bị nhiễm bẩn. Từ trăn trở ấy, năm 1999, Leo Long đầu tư hệ thống lọc nước tinh khiết công nghệ cao với hy vọng đem đến nguồn nước sạch hơn cho người dân. Tuy nhiên, ý tưởng đó đã gặp phải thử thách lớn khi thị trường nước tinh khiết bùng nổ với rất nhiều sản phẩm đủ loại.
Năm 2005, trong lúc chán nản và chưa thể định hướng được tương lai, một khách hàng Nhật Bản đột nhiên xuất hiện đề nghị Leo Long cung cấp cho họ nguồn nước đã được lọc sạch, tuyệt đối không còn vi khuẩn. Thực hiện yêu cầu của đối tác Nhật Bản một thời gian, Leo Long bắt đầu thắc mắc không biết họ dùng nguồn nước tinh khiết của mình để làm gì. Tìm hiểu thêm kỹ hơn Leo Long mới phát hiện ra người Nhật từ lâu đang âm thầm mua tỏi của VN, dùng nguồn nước sạch của Long để lên men thành tỏi đen và bán về Nhật với giá cao gấp chục lần.
Trong tỏi đen có rất nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, tuy nhiên hai hợp chất là polyphenol và S-allyl cysteine được quan tâm nhiều nhất. Hai hợp chất trên trong tỏi tươi có hàm lượng thấp, sau quá trình lên men dài, các hợp chất trên được sản sinh ra trong tỏi đen với hàm lượng gấp từ 5 - 10 lần so với tỏi tươi. Người Nhật đã phát minh ra công nghệ lên men này giúp làm giảm cholesterol, hỗ trợ các trường hợp xơ cứng động mạch, bảo vệ tim mạch, hỗ trợ ổn định huyết áp, phòng ngừa ung thư và giúp ăn ngon miệng... Nhận thấy công dụng tuyệt vời của sản phẩm này, Nguyễn Leo Long quyết định sẽ tìm cách để sở hữu...
“Không lý do gì chỉ bán hàng thô”
Theo Leo Long, bước ngoặt lớn nhất của anh là từ những cuộc đàm phán với người Nhật. Bằng khả năng thuyết phục của mình, Leo Long đã khiến người Nhật hoãn kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tỏi đen tại VN đồng thời chuyển giao công nghệ hiện đại này cho Long, kèm theo điều kiện phải cung cấp sản phẩm ngược lại cho họ trong vòng 3 năm.
Chỉ trong năm đầu tiên kinh doanh, Nguyễn Leo Long đã bán được 3 tấn tỏi đen thành phẩm với thương hiệu của mình: Tỏi đen Leo’s. Trong số này 70% được xuất khẩu sang Mỹ và Canada, đạt tất cả những tiêu chuẩn khắt khe nhất của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDI). “Người Mỹ biết đến công dụng của tỏi đối với sức khỏe từ rất lâu, chính vì vậy khi tôi đưa ra thương hiệu này dù mới mẻ nhưng lại được đón nhận rất tốt. Giá bán ở Mỹ và Canada là 2 USD/củ mà họ vẫn mua. Có cả một hệ thống siêu thị lớn tại Mỹ đặt hàng cho tôi với số lượng khổng lồ nhưng với sản lượng của mình còn hạn chế, tôi đã phải từ chối đề nghị này”, Leo Long kể.
Khi thương hiệu tỏi đen Leo’s đã bắt đầu có chỗ đứng, người Nhật lại tìm đến Long để tiếp tục đàm phán. “Họ không ngờ rằng tôi mua công nghệ Nhật để tạo ra sản phẩm và xây dựng một thương hiệu Việt hẳn hoi chứ không phải bán sản phẩm thô cho họ”, Leo Long bộc bạch và kể thêm: “Khách hàng Nhật yêu cầu tôi bỏ cái thương hiệu Leo’s trên bao bì đi, vì sản phẩm VN chưa phổ biến trên thế giới và cũng khó bán ở Nhật. Mục đích của họ là muốn tôi cung cấp sản phẩm bên trong, còn bao bì nhãn hiệu thì in theo ý của họ. Khách Nhật hứa hẹn sẽ mua của tôi mỗi năm không dưới 5 tấn hàng tỏi đen, giá trị trên 10 tỉ đồng, họ chấp nhận luôn cả việc đặt cọc trước vài trăm ngàn USD. Đây là những lợi ích rất lớn trước mắt mà những doanh nghiệp khác khó có thể từ chối. Nhưng đối với tôi thì tâm nguyện là giữ cho bằng được thương hiệu Việt, chúng ta tự sản xuất được nguyên liệu, có công nghệ hiện đại đáp ứng được tất cả tiêu chí khắt khe nhất của Mỹ, Nhật, không có lý do gì chỉ bán hàng thô cho họ”.
Việc từ chối thay đổi thương hiệu Việt trên bao bì đã khiến khách Nhật không vừa ý, họ chỉ lấy hàng với số lượng vừa đủ, nhưng bù lại thị trường Mỹ, Canada và ngay trong nước nhu cầu tiêu thụ tỏi đen thương hiệu Leo’s tăng lên đáng kể.
Bình luận (0)