Theo nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Báo Thanh Niên chọn chủ đề này bởi 2 lý do:
Thứ nhất, đây là ngành kinh tế tổng hợp, đầu vào và đầu ra của nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế nên việc bất động sản tê liệt suốt từ quý 4/2022 đến nay kéo theo sự đình đốn của sản xuất vật liệu xây dựng, thiết kế, nội thất... Ở góc tiếp cận đó, vực dậy thị trường bất động sản đồng nghĩa với hồi sinh rất nhiều lĩnh vực liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo của năm 2023.
Đơn cử, 156 dự án hiện bị tắc tại TP.HCM mà sau rất nhiều nỗ lực, đến nay mới chỉ có 5 dự án được tháo gỡ. Nếu tính bình quân mỗi dự án trị giá 2.000 tỉ đồng thì đã có tới hơn 320.000 tỉ đồng bị chôn vào đây mà không tạo ra giá trị gì cho nền kinh tế. Với hàng ngàn dự án bị tắc trên cả nước mà Chính phủ đang lập các Tổ công tác để xử lý ngoài kia, đồng nghĩa với một nguồn lực khổng lồ bị đóng cứng, và hệ quả tất yếu là tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.
Thứ 2, thời gian qua, bất động sản được quan tâm nhiều nhất từ trung ương tới địa phương. Đã có rất nhiều các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp bất động sản, giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp bất động sản. Cùng với đó, một loạt các chính sách được ban hành để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, thủ tục hành chính... thế nhưng đến thời điểm này, bức tranh bất động sản vẫn chưa thể khởi sắc. Số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn cung mới lẫn sức cầu toàn thị trường sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp bất động sản ngưng hoạt động vẫn tăng. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?
Nhà báo Lâm Hiếu Dũng kỳ vọng các chuyên gia, doanh nghiệp có mặt tại hội thảo từ góc độ quản lý với vai trò tháo gỡ các vướng mắc pháp lý mà theo thống kê, đang chiếm tới 70% khó khăn của thị trường bất động sản, phân tích việc đã tháo những gì, gỡ những gì, còn nút thắt nào chưa thể tháo gỡ. Rồi đại diện của các kênh huy động vốn trái phiếu, tín dụng đã bị nghẽn từ quý 4 năm ngoái cũng được ban hành nhiều quy định tháo gỡ vậy đã "thông hay chưa" nhưng sao cộng đồng doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn, đói vốn. Và các doanh nghiệp, thị trường kêu giá nhà cao, chúng ta đã nỗ lực giảm giá xuống hay chưa? Vì sao giá lại cao như vậy?...
Chuyên gia kinh tế Trần Du lịch: ‘Hết quý 1 thị trường bất động sản ấm dần’
Theo ông Lâm Hiếu Dũng, thời điểm Báo Thanh Niên lên kế hoạch tổ chức hội thảo này là ngay sau khi Tổng Cục Thống kê công bố GDP quý 1 cả nước và tăng trưởng của nhiều tỉnh/thành không đạt mục tiêu. Đặc biệt, TP.HCM được mệnh danh là đầu tàu kinh tế của cả nước lại có mức tăng trưởng gần "đội sổ", khiến cho tất cả chúng ta đều cảm thấy bất an.
"Vì thế, ở góc độ Báo Thanh Niên, chúng tôi thấy có trách nhiệm phải 'làm gì đó' và ý tưởng một cuộc hội thảo ra đời trong bối cảnh như vậy. Cũng phải thú thật là, lẽ ra cuộc hội thảo này diễn ra sớm hơn nhưng thời điểm đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các chuyên gia kinh tế, các DN đều bận rộn với kế hoạch, giải pháp để lấy lại những gì đã mất ở quý 1. Thế nên sắp xếp để có thể ngồi lại với nhau không đơn giản dù ai cũng nóng lòng, cũng nhiệt huyết", nhà báo Lâm Hiếu Dũng cho biết.
Đặc biệt, cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước ban hành 2 Thông tư quan trọng gồm Dự thảo Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Hai ngày sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành 2 Thông tư này, tạo một luồng sinh khí cho thị trường.
Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, bối cảnh đã có chuyển biến mạnh mẽ. Vì vậy, ngoài những chủ đề đã lên kế hoạch, Báo Thanh Niên mong muốn chúng ta tập trung phân tích, làm rõ thêm hiệu quả cũng như tác động của các chính sách mới được ban hành. Trúng chưa, đủ chưa, cần có thêm điều kiện gì để phát huy nhanh, tác động mạnh, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế các quý sau cũng như về lâu dài.
Bình luận (0)