Ngưu Lang - Chức Nữ thời nay - Kỳ 1: Chuyện tình “xuất khẩu”

11/02/2009 11:30 GMT+7

Một anh lính trẻ canh đèn biển phải sống xa người vợ trẻ sau khi cưới, cô giáo trẻ miền núi với người chồng nay đây mai đó cùng các công trình xây dựng, người vợ tần tảo một mình nuôi con khi chồng đi xuất khẩu lao động… Ngày nay, có nhiều đôi vợ chồng phải sống xa nhau vì công việc vẫn luôn hướng về nhau bằng tình yêu và nỗi nhớ.

Như chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ xưa kia, họ vẫn chờ nhau và mong một nhịp cầu Ô Thước để được sống gần bên nhau.

“Ai đi muôn dặm non sông. Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy!”. Trời đã dần về khuya, câu hát ru con của chị Nguyễn Thị Thủy mang đầy nỗi thương nhớ của người vợ trẻ. Đã gần hai năm nay, người mẹ trẻ ở xóm Bình Hà (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn ngày ngày nhớ thương chồng. “Tính đến hôm nay anh đã đi được 605 ngày rồi. Suốt hai tháng đầu vợ chồng xa nhau, đêm nào tôi cũng ứa nước mắt nhưng không dám khóc to sợ con tỉnh giấc. Trong lòng luôn bồn chồn, lo lắng không biết bên xứ người một thân một mình cuộc sống của anh ra sao?” - nhìn vào tấm hình hai vợ chồng chụp chung, chị Thủy tâm sự.

Nhớ anh nhiều lắm

Mỗi khi nhớ chồng, chị Thủy lại lấy tấm hình ra xem để vơi dần nỗi nhớ - Ảnh: ĐÌNH DN

“Lúc ở nhà, cả hai vợ chồng đều đầu tắt mặt tối với việc đồng áng, chạy ăn từng bữa để lo cho con ăn học chứ có biết gì lễ tình yêu với tình nhân gì đâu. Nhưng qua đó được hơn một năm, vào đúng ngày 14-2 năm ngoái anh ấy gọi điện về nói hôm nay là lễ tình yêu gì đó, người ta nói lời yêu thương với nhau. Tôi vui lắm và mừng muốn khóc luôn vì hạnh phúc quá! Cách nay không lâu anh lại gọi về bảo đúng ngày 14-2 năm nay anh sẽ gửi tin nhắn có hình ảnh như một món quà cho tôi trong ngày lễ này. Tôi nôn quá” - chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.

Tấm ảnh đó là kỷ vật duy nhất của anh mà chị có được. Đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng nên dù đã cưới nhau được gần 17 năm, nhưng vợ chồng chị chưa có được một bức ảnh chụp chung nào khác sau tấm hình ngày cưới. Từ ngày chồng đi xuất khẩu lao động, một mình chị nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học cùng người mẹ già. Ngày trước có nhau, vợ cày cấy ruộng đồng lo cho sào ruộng, vườn khoai, đồng bắp; còn chồng chạy xe công nông ai mướn gì chở nấy kiếm tiền phụ vợ nuôi con và mẹ.

Từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng vừa làm nuôi sáu miệng ăn, vừa tranh thủ sửa sang nhà cửa để có chỗ ở ổn định. Rồi con đi học, chạy vay mượn đầu trên xóm dưới để cho con đến trường bằng bạn bằng bè, chẳng mấy chốc số nợ ngày một nhiều. Nghe người ta đi xuất khẩu lao động có tiền, vợ chồng bàn tính thiệt hơn với cảnh người ra đi xa tít, còn kẻ ở lại thui thủi một mình. Rồi họ gạt nước mắt chấp nhận.

Và từ đó, một tay chị “vác cày chồng bừa” với hơn một mẫu đất nông nghiệp. Ngày mùa xong xuôi, khi phụ nữ trong làng ven sông gác lưỡi liềm lên chạn bếp là lúc chị lại lầm lũi xuống sông đánh cá. Dù mùa nắng khô hạn hay mùa đông rét buốt, người ta vẫn thấy chị quần quật với công việc. Chị nói: “Mỗi lúc nhớ chồng tôi thường mượn công việc để nguôi ngoai. Lắm khi đi làm ngoài đồng, nhìn người ta chồng cày vợ cấy tôi tủi thân và nhớ anh nhiều lắm. Nhưng nước mắt lăn xuống bao nhiêu cũng khô, nỗi nhớ chồng từ mùa lúa này qua mùa lúa khác vẫn cứ đằng đẵng”.

Một lần tâm sự đổi mất 20kg khoai

Chị Thủy một mình nuôi dạy con - Ảnh: Đình Dân

Còn ở đất nước Qatar xa xôi, anh Ngô Đăng Minh vất vả với công việc thợ hồ bao nhiêu, nỗi nhớ vợ nhớ con cũng nhiều bấy nhiêu. Những lúc ấy anh cũng chỉ biết điện thoại cho vợ con. Vì công việc của anh không ổn định một chỗ nên anh chị rất khó thư từ cho nhau, chỉ có thể liên lạc bằng điện thoại. Khi vừa đặt chân đến đất khách quê người, anh đã điện ngay về nhà báo tin. Đó là cuộc điện thoại đẫm nước mắt khi cả hai cùng nghẹn ngào khóc rồi thút thít động viên nhau cùng cố gắng.

Biết nơi quê nhà vợ nhớ thương mình nhiều nên mỗi lúc điện về ngoài hỏi chuyện mẹ già, chuyện học hành của con, chuyện làng xóm, đồng áng…, anh luôn động viên chị bằng câu: “Anh sắp sửa về rồi mà. Tính ngày thì hơi lâu chứ tính năm thì chỉ vụt qua như một giấc ngủ trưa thôi”. Rồi trong những lời động viên vợ, anh còn tỉ tê xin lỗi và nói rất ân hận vì có vài lần trót lớn tiếng với vợ.

Ngày trước khi bị cảm lạnh chị cũng có anh chăm sóc. Thế nhưng bây giờ ngay cả khi tai họa giáng xuống chị cũng không có chồng đỡ đần. Cách nay ba tháng, đứa con trai mới học lớp 5 của anh chị bị lũ cuốn trôi. Quằn quại với nỗi đau mất con, nhưng điện cho chồng chị chỉ nói con bị ốm nặng sợ không qua khỏi chứ không dám nói con đã ra đi. Chị sợ ở xứ người đơn độc anh không chịu đựng nổi mất mát quá lớn này.

Từ ngày nhận tin con đau nặng, anh như người mất hồn nhưng không thể về vì chưa hết hợp đồng. Chị kể trong tiếng điện thoại rè rè điện về, anh nói: “Con ơi con có đau lắm không? Con nói cho cha nghe một tiếng đi, đã lâu lắm rồi cha không được nghe tiếng con nói. Con yên tâm đi, ngày cha về có tiền cha sẽ mang con ra Hà Nội chữa bệnh”. Nghe tiếng chồng qua điện thoại, người vợ như chết lặng.

Năm đầu qua mỗi tháng anh gọi về nhà vài lần, nhưng sau thưa dần vì cước điện thoại quá đắt đỏ so với tiền lương bấp bênh. Có khi hai ba tháng chị Thủy mới được nghe giọng nói của chồng. Chị Thủy kể ở quê chỉ làm được một vụ lúa chắc ăn sau tết, còn vụ sau làm kiểu một mất một còn vì lũ lụt thường xuyên. “Cũng tranh thủ trồng khoai, bắp, lạc để kiếm thêm nhưng giá cả chẳng được bao. Mỗi ký khoai chỉ bán được 3.000đ nên mỗi cuộc điện thoại tốn chừng 60.000đ, nghĩa là đã mất đứt 20kg nên có nhớ mấy cũng ráng chịu. Biết rằng tháng 5 này anh sẽ về hẳn nhưng sao chờ đến ngày đó xa quá. Giờ tôi chỉ ước có chồng bên cạnh để vợ chồng tối lửa tắt đèn có nhau” - chị Thủy trầm ngâm.

Theo Phi Long - Đình Dân / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.