Từ hôm nay 18.5 đến ngày 20.5, Trung Quốc lại tiến hành tập trận quân sự ở Biển Đông, khu vực phía đông đảo Hải Nam, theo thông báo trên website Cục Hải sự Hải Nam. Trước đó, lực lượng hải cảnh nước này cũng vừa tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông nhưng không công bố chi tiết. Đáng chú ý, đây là cuộc tập trận đầu tiên của hải cảnh Trung Quốc kể từ khi được đặt dưới sự kiểm soát của Cảnh sát vũ trang nhân dân, trực thuộc Quân ủy Trung ương, thay vì Cục Hải dương quốc gia - một cơ quan dân sự - như trước đây.
tin liên quan
Trung Quốc sắp điều chiến đấu cơ xuống Trường Sa ?Điều chiến đấu cơ, lập ADIZ ?
Trả lời Thanh Niên, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, nhận định sau khi triển khai phi pháp máy bay vận tải quân sự và tên lửa tới Trường Sa, Trung Quốc có thể sớm tung chiến đấu cơ tới các đảo nhân tạo phi pháp. “Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng về nhân sự và hoạt động quân sự khác trên các đảo”, ông dự đoán. Chuẩn đô đốc Rommel Jude Ong của Philippines cũng dự đoán bước kế tiếp của Bắc Kinh là sẽ điều động chiến đấu cơ J-11, với tầm hoạt động 1.500 km, tới khu vực.
Trước những diễn biến trên, nhà phân tích Richard Heydarian tại Đại học De La Salle (Philippines) lo ngại Trung Quốc sẽ sớm thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. “Trung Quốc đang phát triển bộ khung của ADIZ ở Trường Sa có thể cung cấp cho họ khả năng áp đặt vùng cấm trong khu vực. Tôi lo thời điểm đó đang đến gần”, ông Heydarian cảnh báo với tờ Philippine Daily Inquirer. Trong khi đó, chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) tỏ ra thận trọng hơn khi nhận định Trung Quốc có thể sẽ điều chiến đấu cơ và máy bay ném bom chiến lược xuống Trường Sa nhưng sẽ không chính thức tuyên bố ADIZ hay một vùng cấm quân sự chính thức. “Tuy nhiên, động thái này sẽ được Trung Quốc giữ lại như kế sách cuối cùng và sử dụng khi thời cơ đến”, ông Koh nói với Thanh Niên.
Hành xử lừa dối
Cũng theo ông Heydarian, hành vi triển khai khí tài quân sự tới Trường Sa chứng tỏ Bắc Kinh “phản bội” cam kết không quân sự hóa những thực thể ở Biển Đông. “Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho chúng ta thấy thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc đã hành xử mang tính lừa dối”, chuyên gia này nói. Tương tự, trả lời Thanh Niên, tiến sĩ luật Trần Thăng Long thuộc Trường ĐH Luật TP.HCM nhận định sự xuất hiện của tên lửa Trung Quốc tại Trường Sa “đi ngược lại những cam kết của chính Trung Quốc và các quốc gia trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai”. Ông Long còn cho rằng đây là bằng chứng củng cố nhận định trước nay về âm mưu quân sự hóa, độc chiếm Biển Đông.
Phát biểu với giới phóng viên hôm qua, quyền Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ chuyên trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W.Patrick Murphy cho hay tình trạng quân sự hóa Biển Đông gây ra “quan ngại sâu sắc” ở nước này. Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Murphy nhấn mạnh những thông tin gần đây về quân sự hóa Biển Đông cho thấy “những cam kết trong quá khứ đã bị vi phạm, trong đó có cam kết không phi quân sự hóa”. Ngoài ra, tại phiên điều trần trước Tiểu ban đối ngoại Đông Á thuộc Thượng viện Mỹ, Trợ lý bộ trưởng quốc phòng chuyên trách an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall Schriver khẳng định những hoạt động của Trung Quốc trong nhiều năm qua đang gây bất ổn ở Biển Đông. Ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đeo đuổi quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, nhưng không bao giờ chấp nhận những chính sách hay hành động mang tính đe dọa, phá hoại trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)