Nguy cơ bạo lực từ mạng xã hội

14/06/2018 14:00 GMT+7

Các nhà nghiên cứu cũng như giới hữu trách cảnh báo nguy cơ mạng xã hội bị lợi dụng làm công cụ kích ngòi làn sóng bạo lực và tội phạm.

Trong nghiên cứu mới công bố, Ủy ban Phòng chống tội phạm hình sự Chicago (CCC) kết luận mạng xã hội “đóng vai trò đáng kể” trong việc kích ngòi làn sóng bạo lực tại Chicago, thành phố có tỷ lệ hung thủ giết người tính trên dân số thuộc hàng cao nhất nước Mỹ, theo truyền thông nước này. Theo CCC, hơn 10.000 thành viên của trên 50 băng nhóm tội phạm ở Chicago sở hữu nhiều tài khoản mạng xã hội, bao gồm Facebook, Instagram và Twitter, để hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như buôn bán ma túy và khiêu khích đối phương. “Số liệu cho thấy nhiều vụ bạo lực đẫm máu xuất phát từ những lời chửi bới và khích bác trên mạng xã hội. Chúng tôi thường chứng kiến nhiều cái chết xảy ra ngay sau khi đoạn video khiêu khích đăng trên mạng”, AP hôm qua dẫn lời Giám đốc CCC Andrew Henning cho hay.
Theo Sở Cảnh sát Chicago, trong nửa đầu năm 2018 có đến 213 người bị giết do bạo lực băng nhóm tại thành phố. Hiện giới công lực đang tăng cường lực lượng tuần tra và mở rộng sử dụng công nghệ, bao gồm phân tích hoạt động trên mạng xã hội. Tuy nhiên, họ vẫn đang chật vật để bắt kịp tốc độ hoạt động giao tiếp trên mạng. “Thách thức lớn cho cảnh sát là phân biệt lời đe dọa trên mạng thật hay giả. Mạng xã hội là tự do ngôn luận. Nếu nhà chức trách can thiệp sâu vào hoạt động trên mạng xã hội thì có nguy cơ bị tố cáo bóp nghẹt tự do ngôn luận”, Trợ lý tổng chưởng lý bang Illinois, bà Shannon O'Brien chia sẻ. Sắp tới, nghiên cứu của CCC sẽ được phổ biến rộng rãi đến các trường học và người dân ở Chicago để tăng cường ý thức sử dụng mạng xã hội.
Không chỉ ở Mỹ, nhiều nước khác cũng đang nỗ lực tìm kiếm biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mạng xã hội trở thành công cụ kích động. Trả lời phỏng vấn tờ The Times, bà Cressida Dick, Cảnh sát trưởng Vùng đô thị London (Anh), cảnh báo mạng xã hội tạo ra “bầu không khí độc hại online” cho giới trẻ và kích ngòi bạo lực. Tiến sĩ Simon Harding thuộc Đại học Middlesex (Anh) cũng lưu ý: “Chúng tôi phát hiện các băng nhóm tội phạm gia tăng sử dụng mạng xã hội trong vòng 4 năm qua nhưng không thể nắm con số cụ thể. Thiếu tỉnh táo trong thế giới mạng khiến giới trẻ dễ bị lôi kéo vào hoạt động tội phạm”.
Các chuyên gia đề xuất đẩy mạnh tuyên truyền về hiểm họa từ sử dụng mạng xã hội sai mục đích tại các trường học. “Bên cạnh đó, chính phủ phải kịp thời bổ sung chính sách, luật phù hợp. Chúng ta không thể đơn giản nói thanh thiếu niên ngày càng hung hăng hơn vì mạng xã hội mà phớt lờ những khó khăn họ đang đối mặt trong xã hội, nhất là tình trạng thất nghiệp”, chuyên gia Craig Pinkney thuộc Đại học Birmingham (Anh) nói. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh tuyên bố sẽ phát triển chiến lược mới và cảnh sát đang thử nghiệm chương trình phối hợp với các công ty mạng xã hội để rà soát, chặn hoặc xóa bỏ nội dung độc hại liên quan đến tội phạm, theo tờ The Guardian.
Trong thời gian qua, tại một số nước như Indonesia và Myanmar, các đối tượng xấu thông qua internet để kích động những vụ xung đột sắc tộc, tôn giáo và tấn công khủng bố. Hồi tháng 4, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận mạng xã hội này đã bị lợi dụng trong làn sóng bạo lực nhằm vào cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar. Trong khi đó, Indonesia dù có luật về phòng chống phát ngôn gây thù hận, nhưng vẫn không thể ngăn chặn triệt để thông tin xuyên tạc, độc hại. Cảnh sát Indonesia cho biết những vụ tấn công, đốt phá chùa chiền và nhà thờ gần đây xuất phát từ mạng xã hội, theo tờ The Jakarta Post. EU cũng đã ra tối hậu thư cho Facebook, Google và Twitter phải có biện pháp truy quét thông tin xấu trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, nếu không sẽ phải chịu chế tài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.