Một ngày cúp 7 lần!
Đó là tình trạng xảy ra tại BV Q.Thủ Đức (TP.HCM) hôm thứ hai (ngày 10.5) vừa qua. Mặc dù BV có đường điện ưu tiên riêng, có máy phát điện riêng, nhưng việc cúp điện liên tục ngoài dự kiến đã gây không ít khó khăn cho nhiều khâu khám chữa bệnh, các y, bác sĩ và cả bệnh nhân. Một nhân viên của BV nói: “Mỗi khi điện cúp, thì độ 7-10 giây sau máy phát điện sẽ tự động phát. Nhưng điện cúp liên tục khiến công việc liên tục gián đoạn theo”.
Nói về tình trạng cúp điện, bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic, TP.HCM, than trời: “Trung tâm cũng rơi vào tình trạng quá khổ sở vì bị cúp điện liên tục trong những ngày qua. Mặc dù có đến hai đường dây ưu tiên ngoài đường dây điện chính, nhưng không hiểu vì quá tải hay sao mà điện bị cúp liên tục, cúp ngoài dự kiến, ngoài lịch thông báo. Trong lúc trời nắng nóng gay gắt, bệnh nhân đông nghẹt, việc cúp điện khiến không khí ở đây ngột ngạt, bác sĩ, nhân viên và người bệnh mệt mỏi, mọi công việc bị kéo dài ra thêm 2-3 giờ/ngày”.
Không đến nỗi khốn khổ như hai đơn vị trên, nhưng Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Trần Chính, cho biết trong tuần qua BV cũng bị cúp điện 1-2 lần. BV huyện Củ Chi (xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi, TP.HCM) hôm 9.5 điện cũng cúp nguyên một buổi. Một lãnh đạo BV Củ Chi nói: “Mọi năm mùa nắng cũng có cúp điện, nhưng không cúp lâu cả buổi như năm nay. May là BV vừa trang bị một máy phát điện mới nên điện nguồn cúp thì điện máy phát chạy để sử dụng máy X-quang, siêu âm, chứ máy phát cũ trước đây thì thua”.
Hôm qua, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) cũng nhận được thông báo ngày 16.5 tới nguồn điện tại đây cũng sẽ bị cúp 2 lần trong ngày (mỗi lần kéo dài 2 giờ đồng hồ).
Không dám mổ
Với lưu lượng cả 2.000 lượt bệnh nhân/ngày, việc cúp điện liên tục ngoài dự kiến đã ảnh hưởng đến công việc khám bệnh, xét nghiệm tại Trung tâm Medic. Theo bác sĩ Phan Thanh Hải: “Mỗi khi cúp điện, không chỉ người bệnh, y, bác sĩ nóng nực, bực dọc, mà nhiều công việc khác trong khám, chẩn đoán cũng bị ảnh hưởng. Nhân viên đang nhập dữ liệu của bệnh nhân vào máy thì điện cúp, nên phải thao tác lại; đang chuẩn bị chụp CT, nếu cúp điện thì mất 30 phút máy mới hoạt động lại. Mỗi khi cúp điện thì chúng tôi chỉ ưu tiên điện từ máy phát cho một số bộ phận quan trọng như xét nghiệm..., ngắt hết máy lạnh ở nhiều nơi, khiến bệnh nhân cũng khó chịu!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hôm bị cúp điện 7 lần (ngày 10.5), BV Q.Thủ Đức phải mổ cho 41 bệnh nhân. Các y, bác sĩ phải làm việc kéo dài thời gian khá nhiều vì nhiều lần bị gián đoạn do điện cúp bất ngờ. Riêng có một ca cần tán sỏi niệu quản bằng máy laser qua nội soi, các bác sĩ không dám làm vì thấy điện quá “cà giựt”! Một bác sĩ cho rằng: “BV Q.Thủ Đức là nơi phẫu thuật rất nhiều mỗi ngày, trong đó có mổ những kỹ thuật quan trọng như chấn thương sọ não, khám cho 1.400 - 2.000 bệnh nhân/ngày thì điện lực cần phải đảm bảo nguồn điện cho BV. Bởi dù khi bị cúp, máy phát điện sẽ hoạt động sau 7-10 giây, nhưng lúc đó đèn mổ cũng bị ngắt, dao đốt điện trong lúc mổ cũng tạm dừng...”.
PGS-TS Nguyễn Trần Chính nói: “Sợ nhất khi cúp điện ở BV là bộ phận phòng mổ, khu cấp cứu, máy móc tắt đột ngột dễ bị hư hỏng”. Một nhân viên gây mê hồi sức của một BV đa khoa ở TP.HCM bức xúc: “Thường thì máy giúp thở, monitor theo dõi bệnh nhân có hệ thống pin lưu trữ để khi điện cúp máy vẫn đảm bảo hoạt động vài giờ. Nhưng đó là với những máy đời mới, còn với các máy đã cũ pin rất dễ bị chai, nên bị cúp điện đột ngột sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người bệnh”.
Đà Nẵng: lùi ngày mổ Gần một tháng nay, nắng nóng kéo dài tại Đà Nẵng khiến tình trạng cúp điện xảy ra liên tục. Mỗi ngày, Điện lực Đà Nẵng phải cắt giảm khoảng 500.000 KWh và BV cũng không thoát khỏi danh sách “nạn nhân”. BV Đà Nẵng là nơi tập trung hàng ngàn bệnh nhân đến khám và điều trị hằng ngày. Những ngày cúp điện, tại đây, hệ thống thang máy đều đóng cửa im ỉm, trong khi những khoa phòng điều trị bệnh nhân nặng đều nằm ở những tầng cao. Vì vậy, việc di chuyển bệnh nhân nặng gần như là bất khả kháng. Thời tiết nắng nóng gay gắt, mất điện, không có quạt máy khiến cho tình trạng càng thêm bi đát, khi các khoa phòng hầu hết đều đông người và trong tình trạng quá tải. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc BV Đà Nẵng: “BV có 2 máy phát điện, một máy có công suất 500 KVA, một máy phát điện cũ, 2 máy này cũng chỉ đủ công suất để cung cấp cho những khoa hồi sức, cấp cứu, khoa bệnh nhân nặng và phòng mổ; các khoa phòng còn lại đều phải chịu tình trạng không có điện”. BV C Đà Nẵng còn "bi đát" hơn, khi công suất máy phát điện mới trang bị chỉ 20 KVA, đủ để phục vụ cho cấp cứu; máy còn lại thì đã cũ, chỉ hoạt động cầm chừng và không thể chạy suốt ngày để phục vụ cho các khoa phòng bệnh. Các trung tâm y tế quận, huyện, BV tư... còn khổ sở hơn. Bác sĩ Ngô Đức Hải, Phó giám đốc BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), cho biết: “Những ca phẫu thuật phức tạp như mổ tim, nếu xếp lịch trúng ngày cúp điện thì phải dời ngày lại, bởi dù có máy phát điện dự phòng công suất cao, nhưng phải đề phòng trường hợp máy phát điện hỏng hóc, sẽ rất nguy hiểm. Không riêng BV này mà tất cả các BV trên địa bàn thành phố, những ca mổ, phẫu thuật nếu xếp lịch trong ngày này đều phải dời ngày lại, trừ trường hợp mổ cấp cứu”. Diệu Hiền Hà Nội: mò mẫm trong bóng tối Đại diện BV Mắt Trung ương (Hà Nội) cho biết tại đây vẫn xảy ra tình trạng mất điện. Hệ thống điện máy phát chỉ có thể phục vụ được các khu vực trọng yếu: cấp cứu, phòng mổ; riêng khu vực hành chính và điều trị nội trú sẽ phải “mò mẫm trong bóng tối”. Những ngày nắng nóng, mất điện là cực hình với nhân viên y tế và người bệnh. Tới đây, BV sẽ đầu tư thêm hệ thống máy phát điện mới với công suất lớn hơn để có thể duy trì được hoạt động của toàn BV trước tình hình nắng nóng. Còn Phó giám đốc BV Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền than: “Dù Điện lực Đống Đa luôn dành ưu tiên cho BV, nhưng vẫn không thể tránh khỏi những sự cố mất điện đột ngột, bất ngờ. Để duy trì công tác khám chữa bệnh, BV vẫn chủ động có hệ thống máy phát điện phục vụ nhu cầu tối thiểu cho các hoạt động "sống", đặc biệt là các khu vực cấp cứu, tất cả các hệ thống máy phục vụ trực tiếp cho chẩn đoán, điều trị; các thiết bị chụp mạch vành, chẩn đoán hình ảnh, dữ liệu liên quan đến điều trị. Nhưng cũng có khi sự cố gây mất điện nhiều giờ mà họ lại không dự báo trước được thời gian cần để khắc phục, do đó chúng tôi vẫn bị động trong việc ứng phó với sự cố điện”. Liên Châu |
Thanh Tùng
Bình luận (0)