Ngày 6.11, Quốc hội (QH) đã nghe và thảo luận các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng thời gian qua, việc đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng đã tạo niềm tin ở nhân dân vào quyết tâm của Đảng và Chính phủ về chống tham nhũng. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan ở T.Ư điều tra. “Dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về tình hình tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý. Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này, hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm”, ĐB Thắng bày tỏ.
Tham nhũng ở cấp tỉnh còn nghiêm trọng
Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga lưu ý phản ánh của dư luận cho thấy tình hình tham nhũng ở khu vực cấp tỉnh còn nghiêm trọng, đây cũng là nơi có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản... Bà Nga nói và đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng chương trình công tác hằng năm cần chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại các khu vực này. Theo bà, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng tình hình tham nhũng còn rất nghiêm trọng, nhưng việc tự phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Ủy ban này dẫn chứng trong năm qua, cơ quan thanh tra đã ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.403 tỉ đồng, nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ với 214 đối tượng. Kiểm toán xử lý nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỉ đồng nhưng chỉ chuyển 2 vụ việc sang CQĐT.
“Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”, bà Nga nói.
Mới thu được 7,82% tiền và tài sản tham nhũng
ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng với các vụ án tham nhũng, tòa có tuyên những bản án nghiêm khắc mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý coi như không triệt để, không đạt được mục tiêu.
Báo cáo 10 năm PCTN của Chính phủ cũng nêu rõ thiệt hại được phát hiện hơn 59.000 tỉ đồng, hơn 400 ha đất, nhưng mới thu được 7,82% về tiền và tài sản, 54,75% về đất. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng nhưng chưa đạt yêu cầu, năm 2016 mới đạt 38,3%.
ĐB Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng theo báo cáo PCTN của Chính phủ năm 2017, các vụ tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỉ đồng và 77.057 m2 đất, trong đó đã thu hồi được hơn 329 tỉ đồng và 3.700 m2 đất. Như vậy, tỷ lệ thu hồi về tiền được khoảng 22%, về đất khoảng 4,8%... “Theo dõi việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng lớn, số tiền thu hồi về ngân khố quốc gia còn thất vọng hơn nhiều. Chẳng hạn, vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vinashin. Theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Niên phải liên đới, bồi thường thiệt hại cho Vinashin số tiền là 989,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7.2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào”, ông Hiển nói và cho rằng: “Các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án cần phải coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.
Báo cáo trước QH, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, nhất là công khai, minh bạch; sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà tặng theo hướng tăng cường tính tự giác và có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.
Cảnh báo tội phạm núp bóng doanh nghiệp
Báo cáo trước QH, thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết trong năm qua, lực lượng công an đã triệt phá 3.736 băng nhóm tội phạm; tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm về trật tự xã hội là 83%; riêng các vụ việc rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,69%. Lực lượng chức năng đã khởi tố điều tra 40.497 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội với 58.983 bị can, giảm 5,48% số vụ và giảm 8,08% số bị can so với năm 2016. Ngược lại, tội phạm tham nhũng lại tăng cao về số vụ lẫn số bị can với 220 vụ, 479 bị can, tăng 22,8% số vụ và 28,07% số bị can so với năm 2016...
Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh côn đồ, có hung khí vẫn xảy ra ở một số nơi. Đáng chú ý, sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma túy; tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở một số địa phương.
Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐB bày tỏ lo ngại về tình trạng tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm bảo kê, tranh giành địa bàn hoạt động, thanh toán lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng...; tình trạng hành hung y, bác sĩ và nhân viên y tế gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân. ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đề nghị Bộ Công an lưu ý để có biện pháp xử lý với loại tội phạm núp bóng doanh nghiệp, điển hình là các hình thức kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính hỗ trợ sinh viên...
|
Lo ngại tình trạng ‘‘chi bộ nhà ta’’
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đánh giá báo cáo về tham nhũng của Chính phủ đề cập rất ít về công tác cán bộ. “Cử tri mong muốn được chuyển đến QH câu hỏi có hay không có tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức, nếu có thì báo cáo của Chính phủ về PCTN chưa đầy đủ. Còn nếu không thì tại sao việc bổ nhiệm cán bộ công chức đúng quy trình mà người tài có đức lại không được bổ nhiệm, một bộ phận cán bộ có đạo đức kém, năng lực hạn chế hơn lại được bổ nhiệm’’, ông Bộ nêu và nhấn mạnh nếu không làm tốt công tác cán bộ sẽ tạo ra thế hệ tham nhũng thứ hai. Bởi theo ông, khi họ đã bỏ tiền chạy chức, chạy quyền, nếu được giao quyền sẽ tính bài tham nhũng để thu lại.
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng nhận diện rõ tình trạng cả họ làm quan cũng chính là nhận diện rõ hành vi tham nhũng vặt của cán bộ công chức, để có biện pháp xử lý. “Nếu để lâu thì cả họ làm quan sẽ phát sinh tình trạng “tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta”, kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ gây mất đoàn kết, bè phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ”, bà Dung nói.
|
Bình luận (0)