Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới vì mất kết nối Mỹ - Nga

15/06/2020 16:16 GMT+7

Các nhà nghiên cứu cảnh báo những cường quốc hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình, hậu quả là căng thẳng vẫn gia tăng và viễn cảnh kiểm soát vũ khí được đánh giá là “ảm đạm”.

“Việc mất đi các kênh liên lạc chủ chốt giữa Mỹ và Nga...có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới”, theo trang Defense News hôm 15.6 dẫn lời đồng tác giả báo cáo Shannon Kile, giám đốc chương trình kiểm soát vũ khí hạt nhân của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Mỹ và Nga chiếm hơn 90% số vũ khí hạt nhân hiện tại trên thế giới.
Ước tính, vào đầu năm 2020, Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và CHDCND Triều Tiên có tổng cộng 13.400 đầu đạn hạt nhân, giảm 465 so với đầu cùng kỳ năm ngoái.
Việc sụt giảm chủ yếu do Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, Giám đốc Kile cảnh báo về tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START giữa Mỹ - Nga, chuẩn bị hết hạn vào tháng 2.2021.
New START là thỏa thuận hạt nhân cuối cùng vẫn còn hiệu lực giữa hai cường quốc, nhằm mục đích duy trì kho hạt nhân dưới mức như thời Chiến tranh Lạnh.
“Các cuộc thảo luận nhằm kéo dài New START hoặc đàm phán một hiệp ước mới đều không đạt được tiến triển nào trong năm 2019”, các nhà nghiên cứu SIPRI cho hay.
Cùng lúc đó, các thế lực hạt nhân vẫn tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đang gia tăng quy mô kho vũ khí của họ.
“Trung Quốc đang trong quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ kho vũ khí hạt nhân. Lần đầu tiên nước này phát triển cái gọi là bộ ba răn đe hạt nhân, cấu thành từ các lực lượng tên lửa trên bộ, tên lửa trên biển và máy bay mang theo vũ khí hạt nhân”, báo cáo nêu rõ.
Chính quyền Bắc Kinh liên tục từ chối lời đề nghị của Mỹ mời tham gia các cuộc đối thoại nhằm giảm vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.