Theo AP, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tối 4.10 đã thông qua dự luật cho phép quân đội tiến hành các hoạt động quân sự bên trong Syria. Đây là chỉ dấu tiệm cận cao nhất nguy cơ một cuộc chiến giữa hai quốc gia, kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tháng 3.2011. Trong 18 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước chỉ trích chính quyền Damascus mạnh mẽ nhất và không hề che giấu việc hậu thuẫn phe nổi dậy.
Căng thẳng leo thang sau khi một quả đạn cối được bắn từ Syria vào làng Akcakale gần biên giới khiến 5 người thiệt mạng hôm 3.10. Lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích trả đũa, làm 2 sĩ quan Syria bị thương. Nước này còn liên lạc với các đồng minh NATO và cáo buộc chính quyền al-Assad cho các tay súng người Kurd ẩn náu để chống Ankara. Những động thái trên cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng bước vào một cuộc chiến với láng giềng.
|
Tám lạng đấu nửa cân
Thực tế, Syria sở hữu một trong những quân đội mạnh nhất khu vực. Tờ International Business Times dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết quân đội Syria có khoảng 325.000 binh sĩ trước khi xung đột tại nước này leo thang. Dù đã xảy ra nhiều vụ đào ngũ nhưng lực lượng dự bị và các nhóm bán vũ trang có thể được bổ sung vào lượng quân nhân hao hụt. Có hơn 310.000 người nằm trong danh sách dự bị vào năm 2010 và chính phủ có thể thu nạp hơn 100.000 thành viên các nhóm bán vũ trang.
Cũng theo IISS, Syria có 4.950 xe tăng, nhiều hơn bất kỳ nước nào trong khu vực, bao gồm hơn 1.500 xe tăng chiến đấu T-72 của Nga. Không quân có khoảng 550 máy bay chiến đấu, cũng thuộc loại nhiều nhất trong khu vực. Trong số này có khoảng 150 chiến đấu cơ MiG-23, MiG-25 và MiG-29 khá hiện đại. Ngoài ra, còn phải kể đến khoảng 790 khẩu đội tên lửa đất đối không và hơn 8.000 tên lửa vác vai, 84 tên lửa đạn đạo chiến thuật. Phương Tây cũng nghi ngờ Damascus đang sở hữu một kho vũ khí hóa học cực kỳ lớn.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 660.000 binh sĩ, bao gồm 387.700 lính dự bị và 152.200 dân quân. Khác với Syria, vốn sử dụng đa số vũ khí từ thời Liên Xô, các thiết bị quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại hơn do phương Tây cung cấp. Quân đội có 3.759 xe tăng, 436 máy bay chiến đấu và 30 trực thăng tấn công.
Tuy nhiên, mọi so sánh sẽ không còn ý nghĩa một khi NATO bị lôi vào cuộc. Hãy nhìn lực lượng của ông Muammar Gaddafi vỡ trận nhanh như thế nào sau khi NATO quyết định không kích Libya.
Tình hình khó lường
Phương Tây không ngớt chỉ trích Syria về vụ pháo kích, còn Phó thủ tướng Israel Dan Meridor tuyên bố đây là hành động tấn công NATO. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng NATO sẽ cố hết sức tránh phải nhúng tay vào Syria. AFP dẫn lời các chuyên gia nói vụ tấn công trên cùng hành động trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ khá nghiêm trọng nhưng chưa đủ để NATO bước vào một cuộc phiêu lưu mới đầy rủi ro. Bài học từ sự phẫn nộ đối với phương Tây sau khi can thiệp vào Libya vẫn còn đó, chưa kể thái độ quyết liệt của Nga và Trung Quốc. Chuyên gia Nadim Shehado thuộc tổ chức Chatham House (Anh) nhận định những vụ đụng độ trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria “chỉ tạo ra ngọn lửa lớn trong thời điểm thích hợp. NATO hiện không sẵn sàng can dự bởi nếu có thì một vụ việc nhỏ hơn như thế này cũng đã đủ để ra tay”.
Về phần mình, AP dẫn lời Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari tuyên bố chính phủ nước này đang điều tra vụ việc, đồng thời khẳng định Syria không muốn leo thang bạo lực với Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thì tuyên bố ông không muốn gây chiến với Syria nhưng quyết tâm “bảo vệ biên giới và nhân dân”. Trong tình hình này, với những diễn biến khó lường trong cuộc khủng hoảng tại Syria cùng những toan tính chiến lược của các bên, thế giới hoàn toàn có lý do để quan ngại về một cuộc xung đột, ít nhất là đụng độ tay đôi giữa 2 nước.
Trùng Quang
Bình luận (0)