Khi mặt trời kích hoạt cơn bão khủng khiếp ập đến sao Hỏa hồi tháng 5, siêu bão bao trùm hành tinh đỏ bằng các lớp cực quang và phóng thích các hạt điện tích, bức xạ trên bề mặt hành tinh, Đài CNN hôm 15.6 dẫn thông tin từ NASA.
Các nhà thiên văn đã dựa vào các tàu trên quỹ đạo cũng như tàu thăm dò trên bề mặt sao Hỏa để ghi nhận phạm vi ảnh hưởng của bão mặt trời, từ đó tìm hiểu cường độ bức xạ mà các phi hành gia có thể đối mặt trong các sứ mệnh tương lai.
Theo NASA, bão mặt trời mạnh nhất đợt này xảy ra vào ngày 20.5, xuất phát từ vết lóa cấp X12. Các chùm tia X và tia gamma với vận tốc ánh sáng đã đến sao Hỏa trước nhất, kế đến là các hạt điện tích trong vòng vài chục phút.
Tàu thăm dò Curiosity, hiện thám hiểm Hố Gale ở phía nam đường xích đạo, đã chụp được những hình ảnh lao đến của các hạt điện tích.
Năng lực cực mạnh từ các hạt điện tích mặt trời đã tạm thời vô hiệu hóa camera trên tàu thăm dò khác là Mars Odyssey. Lần gần nhất Mars Odyssey gặp phải tình trạng này là vào năm 2003, thời điểm vết lóa cấp X45 "nướng chín" thiết bị phát hiện bức xạ của con tàu.
Tàu thăm dò Curiosity sử dụng thiết bị đo bức xạ và phát hiện nếu một phi hành gia đứng kế con tàu vào thời điểm đo đạc, người này phải phơi nhiễm lượng bức xạ cao gấp 30 lần chụp X quang.
Việc tìm hiểu lượng bức xạ cao nhất trong các cơn bão mặt trời có thể giúp các nhà khoa học trái đất chuẩn bị tốt hơn cho những sứ mệnh tương lai gửi phi hành gia đến sao Hỏa.
Bình luận (0)