Nguy cơ đá lở ở một làng miền núi

Mạnh Cường
Mạnh Cường
19/12/2024 08:14 GMT+7

Sau những trận động đất cường độ lớn ở Kon Tum, dư chấn mạnh khiến hàng chục tảng đá lăn xuống một ngôi làng vùng cao Quảng Nam, đe dọa cuộc sống của hàng chục người dân.

NHỮNG TẢNG ĐÁ LỚN CHÊNH VÊNH

Đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 11 gây thiệt hại nặng nề cho huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), khi có hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ cô lập cục bộ. Khi công tác khắc phục mưa lũ vừa cơ bản hoàn thành thì lại bị ảnh hưởng bởi dư chấn mạnh từ hàng loạt trận động đất có cường độ lớn ở Kon Tum.

Nguy cơ đá lở ở một làng miền núi- Ảnh 1.
Nguy cơ đá lở ở một làng miền núi- Ảnh 2.

Hiện trường đá lăn sau động đất ở làng Tu Hon

ẢNH: NAM THỊNH

Gần đây nhất, chiều 30.11, có 2 trận động đất cường độ 3,8 và 4 độ Richter được Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu VN) ghi nhận tại địa bàn H.Kon Plông (Kon Tum). Bên phía địa bàn giáp ranh Nam Trà My, dư chấn gây rung lắc mạnh, nhiều người dân hoảng sợ bỏ chạy khỏi nhà. Chưa hết, sau những trận động đất cường độ lớn, hàng chục tảng đá lăn xuống khu vực gần làng Tu Hon (thôn 3, xã Trà Don, H.Nam Trà My), cách nhà dân khoảng 50 m. Tại hiện trường, một số tảng đá nặng cả tấn nằm chênh vênh ở vực cao hoặc vướng vào một số gốc cây, nguy cơ đá rơi cứ "treo" lơ lửng trên đầu 69 nhân khẩu của 17 hộ dân, chưa kể các cô trò ở điểm trường mầm non làng Tu Hon.

Anh Lê Văn Khả (25 tuổi, ở làng Tu Hon) vẫn còn nhớ cảm giác lo sợ khi xảy ra dư chấn động đất liên tiếp chiều tối 30.11; chưa dứt nỗi hoang mang vì động đất, chỉ vài phút sau bất ngờ có thêm tiếng nổ lớn phát ra từ đỉnh núi, sau đó có tiếng đá lăn. "Sau các trận động đất, nhà cửa của bà con rung lắc mạnh, nhiều người dắt con cái tháo chạy khỏi nhà, kêu gọi thêm mọi người trong làng cùng bỏ chạy tán loạn. Bà con trong làng ai cũng sợ", anh Khả kể.

Theo anh Khả, người dân trong làng may mắn khi được "mẹ rừng" che chở. Bởi, nếu không nhờ các gốc cây và dây leo cản trở, những tảng đá lớn nặng hàng tấn lăn xuống làng sẽ gây hậu quả khôn lường. "Những tảng đá lớn giờ nằm chênh vênh trên vách núi. Nếu không có giải pháp kịp thời, chỉ cần xảy ra dư chấn động đất mạnh thì chúng sẽ lăn xuống làng", anh Khả lo lắng.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về tình trạng sạt lở, đá lăn uy hiếp làng Tu Hon sau nhiều trận động đất xảy ra, đội xung kích của UBND xã Trà Don đã huy động lực lượng đến hiện trường khảo sát.

NGUY HIỂM CHỰC CHỜ

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trung Thực, Chủ tịch UBND xã Trà Don, cho hay trên đỉnh núi Ngọc Mong có rất nhiều đá tảng mồ côi. Những tảng đá lớn lăn xuống gần làng Tu Hon do trời mưa lớn cộng với rung chấn từ động đất bên phía Kon Tum. Phần lớn đá lăn xuống vướng vào cây cối, dây rừng, nằm chênh vênh trên núi, trở thành hiểm họa đe dọa khu dân cư, điểm trường học và an toàn lưu thông trên tuyến QL40B.

Nguy cơ đá lở ở một làng miền núi- Ảnh 3.

Những tảng đá lớn nặng hàng tấn chực chờ lăn xuống

ẢNH: NAM THỊNH

Chính quyền xã đã đề nghị người dân cứ ban đêm rời khỏi nhà, đến ngôi làng bên cạnh để ở, ban ngày mới quay về. Một ngôi nhà ở làng gần đó cũng được địa phương mượn để vận chuyển tài sản của Trường mầm non Tu Hon và đưa 20 cháu bé đến học tạm.

Nguy cơ đá lở ở một làng miền núi- Ảnh 4.

Điểm trường mầm non và nhà dân tại làng Tu Hon bên dưới khu vực sạt lở, đá lăn

ẢNH: NAM THỊNH

Theo ông Thực, chính quyền xã đã báo cáo tình hình với UBND H.Nam Trà My, trước mắt đề nghị cắt cử lực lượng hỗ trợ, phối hợp xử lý các tảng đá lớn bằng cách phá vỡ ra thành từng viên nhỏ. "Những tảng đá nặng hàng tấn chênh vênh trên núi, nếu không có phương án xử lý kịp thời sẽ lăn xuống làng bất cứ lúc nào. Hiện nay động đất xảy ra thường xuyên. Mưa gió còn biết đường mà tránh, chứ động đất là vô chừng nên sơ tán người dân là yêu cầu bắt buộc", ông Thực quả quyết. Bước đầu, dân làng Tu Hon đồng ý di dời đến nơi ở mới. UBND xã Trà Don xin ý kiến huyện cho chủ trương lập phương án sắp xếp dân cư, di dời toàn bộ nhà cửa đến nơi ở mới, cách làng cũ khoảng 2 km.

Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho người dân

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin về tình hình rung lắc xảy ra trên địa bàn H.Nam Trà My do ảnh hưởng của động đất tại H.Kon Plông (Kon Tum), UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các sở ngành, địa phương chủ động kiểm tra tác động, ảnh hưởng của động đất để chủ động ứng phó. UBND tỉnh giao chính quyền H.Nam Trà My đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và cơ sở hạ tầng trên địa bàn; chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.