Người dân vùng núi lở mòn mỏi chờ đường

Mạnh Cường
Mạnh Cường
07/09/2024 17:38 GMT+7

Sau gần 4 năm xảy ra thảm họa sạt lở, dự án tái thiết, khôi phục các tuyến đường lên các xã vùng cao H.Phước Sơn (Quảng Nam) được triển khai, nhưng đến nay nhiều khu vực vẫn "giậm chân tại chỗ". Khi mùa mưa bão đến, người dân lại đối diện với nỗi bất an.

NỖI ÁM ẢNH SẠT LỞ

Cuối tháng 10.2020, vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra tại H.Phước Sơn đã phá hủy gần như toàn bộ các tuyến đường huyết mạch nối liền các xã vùng cao như: Phước Kim, Phước Công, Phước Thành, Phước Lộc.

Người dân vùng núi lở mòn mỏi chờ đường- Ảnh 1.

Sau 4 năm xảy ra sạt lở, nhiều tuyến đường lên các xã vùng cao Phước Sơn vẫn ngổn ngang

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đi vào 4 xã nói trên. Trong đó, ĐH1 (đoạn xã Phước Kim - Phước Thành) dài hơn 13 km, tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng. Tuyến ĐH5 (đoạn từ xã Phước Công đi xã Phước Lộc) dài gần 10 km, tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2024. Riêng ĐH2 (đoạn từ xã Phước Thành đi Phước Lộc), gần 10 km, tổng mức đầu tư 152 tỉ đồng; thời gian thực hiện dự án từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2025. Cả 2 dự án này (một dự án gồm tuyến ĐH1, ĐH2 và một dự án là tuyến ĐH5) đều do UBND H.Phước Sơn làm chủ đầu tư.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dù dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường lên các xã vùng cao đã được triển khai 3 năm nay, nhưng nhiều khu vực vẫn còn nham nhở, đất đá lởm chởm; nhiều đoạn hầu như chưa được khắc phục, sửa chữa. Cụ thể, đường ĐH5 đoạn từ Cầu Khỉ lên cầu Nước Mắt vẫn ngổn ngang, nhiều tảng đá lớn nằm chỏng chơ dọc đường, xe cộ phải luồn lách né tránh. Tương tự, các đoạn đường từ xã Phước Lộc qua Phước Thành chưa được khắc phục hoặc khắc phục dang dở. Trong khi đó, đoạn đường đi qua khu vực Đồi Chim của xã Phước Kim chưa được thi công. Điều đáng nói, dù đang là mùa nắng nhưng các dự án triển khai thi công cầm chừng, nhiều đoạn bị bỏ bê, không thấy phương tiện, nhân công.

Anh Hồ Văn Phước (37 tuổi, ở xã Phước Lộc) cho biết giao thông từ trung tâm huyện vào đến xã đang gây nhiều vất vả cho người dân. "Đường thi công mấy năm rồi nhưng đến nay nhiều đoạn vẫn chưa hoàn thành. Mỗi khi mưa to, chúng tôi không dám di chuyển trên những con đường này vì rất nguy hiểm. Mùa mưa bão đang đến, nỗi ám ảnh về sạt lở trên những tuyến đường này lại xuất hiện", anh Phước nói.

Ông Hồ Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết sau đợt sạt lở vào cuối năm 2020, đến nay giao thông rất khó khăn do việc khắc phục chậm trễ. Chính quyền xã đã nhiều lần có ý kiến lên huyện để thúc đẩy các nhà thầu thi công khẩn trương, nhưng đến nay tất cả vẫn rất chậm, nhiều đoạn sạt lở hầu như chưa được thi công. "Mỗi mùa mưa bão, chính quyền xã phải họp dân để tuyên truyền vận động bà con không đi lại trên các tuyến đường dễ xảy ra sạt lở, lũ ống. Chỉ cần mưa kéo dài, sạt lở xảy ra là các xã vùng cao bị cô lập. Chính quyền cũng như người dân rất mong mỏi các tuyến đường sớm hoàn thành để yên tâm đi lại", ông Long nói.

Phải "ĐỘNG VIÊN" NHÀ THẦU !

Theo Ban Quản lý dự án H.Phước Sơn, dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH này không được đưa vào dạng dự án cấp thiết, nên buộc phải tiến hành đầy đủ thủ tục liên quan rồi mới thi công. Vì vậy, kể từ cuối năm 2020, khi các tuyến đường đã bị hư hỏng, phải gần 1 năm sau dự án mới đầy đủ thủ tục để thi công. Đáng nói, các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu; cố tình kéo dài, không triển khai thi công dự án theo hợp đồng. Trình bày về việc chậm trễ, các đơn vị thi công có văn bản gửi UBND H.Phước Sơn với lý do vật liệu khan hiếm, giá tăng quá cao so với hợp đồng ban đầu. Thời tiết cũng là một nguyên nhân để "đổ lỗi".

Người dân vùng núi lở mòn mỏi chờ đường- Ảnh 2.

Tuyến đường ĐH5 thi công dở dang

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Người dân vùng núi lở mòn mỏi chờ đường- Ảnh 3.

Nhiều vị trí trên tuyến đường chưa được thi công

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, thừa nhận do năng lực một số nhà thầu tham gia các dự án này chưa tốt khiến việc thi công ì ạch. "Vừa rồi chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà thầu, đơn vị thi công. Sau đó cũng có sự chuyển biến khi nhà thầu đã tập trung đưa máy móc, nhân lực để làm. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà thầu thi công tuyến đường ĐH5 đến ngày 15.9 phải dập xong mặt nền, ngày 30.9 phải đổ xong cấp phối", ông Trung nói.

Ông Trung cho hay tuyến ĐH5 sẽ hết hợp đồng vào ngày 31.12.2024, tuy nhiên với thực trạng như hiện nay thì khó mà hoàn thành như dự kiến. "Nếu bây giờ mạnh tay với các nhà thầu, đơn vị thi công thì phải đi đấu thầu lại từ đầu nên không biết khi nào mới có đường cho dân đi. Bây giờ phải "động viên" doanh nghiệp để họ cố làm cho xong các mặt đường", ông Trung nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.