Sáng 22.12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến “Tìm hiểu về các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam”.
Sự gia tăng của bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi
Với sự thay đổi của mô hình bệnh tật, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng của nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và bệnh không lây nhiễm. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh.
Tháng 10.2022, Việt Nam ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM. Đây là bệnh truyền nhiễm mới nổi từ sau dịch Covid-19 và đến nay Việt Nam vẫn rải rác ghi nhận ca bệnh. Bên cạnh đó, nhiều bệnh truyền nhiễm tái nổi cũng được ghi nhận gia tăng như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm, sởi…
Theo HCDC, từ ngày 9 - 15.12 (tuần 50), TP.HCM ghi nhận 613 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 15,7% so với trung bình 4 tuần trước.Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến nay là 14.865 ca.
Số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng là 191, giảm 27,4% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay là 16.367 ca. TP.HCM cũng ghi nhận 373 ca sởi, tăng 29,0% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 3.189 ca.
“Người gác cổng đầu tiên” để ngăn chặn dịch bệnh
Phát biểu tại chương trình, bác sĩ Trần Việt Phương, Phó trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế cho biết, số lượng khách quốc tế tăng mạnh vào dịp lễ tết là thách thức đối với ngành y tế TP.HCM trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Theo bác sĩ Phương, TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước nên lượng khách di chuyển quốc tế rất lớn. Cửa khẩu quốc tế tại TP.HCM có lưu lượng phương tiện xuất nhập cảnh lớn. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có khoảng 130 chuyến bay quốc tế với 25.000 lượt khách quốc tế mỗi ngày.
Bác sĩ cho biết, Sở Y tế TP.HCM, HCDC và các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn đang thực hiện giám sát; phòng, chống bệnh truyền nhiễm từ quốc tế nghiêm ngặt. Trong đó, cửa khẩu quốc tế là “người gác cổng đầu tiên” để ngăn chặn dịch bệnh.
Tại chương trình, thạc sĩ Trương Thị Thanh Lan, Trưởng khoa Giám sát cảnh báo, chuẩn bị và đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh (HCDC) cho biết, TP.HCM gặp khó khăn trong việc phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian đầu.
Hệ thống giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu gặp khó khăn khi người bệnh không có triệu chứng và đang trong thời gian ủ bệnh. Đây cũng là nguyên nhân người bệnh bỏ qua việc thăm khám, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Cảnh giác với thông tin “câu like, câu view”
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe (HCDC) cho biết, hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội, thông tin sai sự thật chiếm phần lớn với mục đích “câu like, câu view”.
Theo bác sĩ Yến, khi tiếp cận tin tức mới trên mạng xã hội, người dân cần cảnh giác cao và kiểm chứng bằng cách truy cập vào các trang thông tin chính thống từ Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM…
Bác sĩ Yến cho biết, TP.HCM có hệ thống giám sát cảnh báo dịch bệnh từ Trung ương đến địa phương. Ngành y tế TP.HCM có mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng lớn. Đây là cánh tay đắc lực nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe trong cộng đồng.
Bác sĩ lưu ý, phát hiện bệnh truyền nhiễm sớm là “bài toán sống còn”. Vì vậy, khi người dân phát hiện dấu hiệu bất thường như nhiều người xung quanh mắc cùng một triệu chứng; động vật chết hàng loạt thì cần báo cáo ngay với cơ sở y tế gần nhất.
“Hệ thống giám sát dịch bệnh hiệu quả nhất xuất phát từ ý thức của người dân. Khi xuất cảnh, người dân cần tìm hiểu kỹ tình tình dịch bệnh tại nước sở tại. Khi về nước, người dân cần khai báo sớm nhất cho cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Yến nói.
Từ ngày 11 - 31.12.2024, Sở Y tế TP.HCM triển khai kế hoạch tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều cho trẻ 7 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn TP.HCM.
Chương trình nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng; chủ động phòng ngừa dịch bệnh; giảm tỷ lệ tử vong tại TP.HCM.
Đối tượng tiêm chủng là trẻ đủ 7 tuổi (tức trẻ sinh trong năm 2017, đã qua sinh nhật lần thứ 7 vào thời điểm được tiêm vắc xin). Ngoại trừ trẻ đã tiêm đủ 5 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu (có bằng chứng được tiêm thể hiện trên phiếu hoặc sổ tiêm chủng, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia); trẻ đã tiêm vắc xin có thành phần uốn ván, bạch hầu trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm.
Sở Y tế TP.HCM triển khai tiêm vắc xin tại trường học, cơ sở bảo trợ trẻ em, các trạm y tế phường, xã, thị trấn… trên địa bàn TP.HCM.
Bình luận (0)