Nguy cơ dịch chồng dịch hiển hiện

11/07/2022 05:54 GMT+7

Trong khi dịch Covid-19 vừa tạm ổn thì xuất hiện biến chủng phụ BA.4, BA.5 của biến chủng Omicron, dự báo nguy cơ số ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng. Còn sốt xuất huyết tuy chưa vào đỉnh dịch nhưng số ca mắc đã ở mức cao và số ca tử vong cũng gia tăng báo động. Nguy cơ dịch chồng dịch đã được Sở Y tế TP.HCM cảnh báo.

Phía Nam đã có 48 ca tử vong

Chiều 10.7, PV Thanh Niên ghi nhận tình hình tại một số dãy trọ trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM). Anh L.K (23 tuổi) cho hay thường xuyên phải tăng ca, ít khi sinh hoạt tại phòng trọ, nên nước tồn đọng lâu ngày trong chum, vại ở nơi trọ tạo điều kiện sinh ra lăng quăng. “Tôi vừa khỏi sốt xuất huyết (SXH) cách đây 2 tuần. Từ nay tôi sẽ rút kinh nghiệm, nước không sử dụng sẽ đổ bỏ”, anh K. nói. Tương tự, tại một nhà dân trên đường Tô Ngọc Vân (TP.Thủ Đức), sử dụng nước đặt dưới kệ chén để phòng kiến, nhưng do để lâu ngày đã trở thành môi trường cho muỗi, lăng quăng sinh sôi.

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM

NHẬT THỊNH

Nguy cơ dịch chồng dịch hiển hiện ở TP.HCM

Đến hết ngày 9.7, TP.HCM đang điều trị 1.800 ca SXH, trong đó TP chiếm 1.334 ca; 154 ca nặng (88 ca ở TP); 15 ca thở máy xâm lấn (3 ca ở TP); 5 ca lọc máu (1 ca ở TP). Theo Sở Y tế, hằng năm, TP.HCM ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc SXH, trong đó có khoảng 5 - 10 trường hợp tử vong. Riêng năm 2022, tính đến hết ngày 9.7, tổng số ca mắc SXH của toàn TP là 25.566 ca, trong đó có 12 ca tử vong, tăng 10 ca so với trung bình giai đoạn 2016 - 2020. Hiện trung bình mỗi ngày TP có từ 300 - 400 ca SXH nhập viện.

Tìm diệt lăng quăng trong phòng trọ ở KP.6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM

Trần Duy Khánh

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, 20 tỉnh khu vực phía nam đã có 65.522 ca mắc SXH, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2019, đây là năm có dịch bệnh SXH bùng phát. Cả khu vực phía nam đã có 1.798 ca nặng (chiếm 2,74% ca mắc) và 48 ca tử vong do SXH. Theo công bố của Viện Pasteur TP.HCM, dịch bệnh SXH tại các tỉnh phía nam và TP.HCM năm nay thuộc type huyết thanh D1 như năm 2021, nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh D2.

Theo Sở Y tế, dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022, những tháng cao điểm của mùa mưa, số ca mắc SXH của TP sẽ tiếp tục gia tăng, theo đó số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng, nếu không quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng chống dịch SXH ngay từ bây giờ.

Bên cạnh SXH và Covid-19, theo dự báo của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, hiện bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng cao hơn với cùng kỳ năm 2021, riêng tỷ lệ trẻ mắc sởi tương đương so với cùng kỳ năm trước. Dự báo các bệnh này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.

Đã từng nhiễm Omicron thì có mắc biến phủng Covid-19 BA.5 không?

Chưa có thuốc đặc hiệu điều trị SXH

Theo Sở Y tế, cho đến nay SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chính vẫn là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua việc diệt muỗi, lăng quăng. Một số ít quốc gia trên thế giới có sử dụng vắc xin phòng bệnh SXH nhưng hiệu quả phòng bệnh chưa cao. Biện pháp phòng chống SXH duy nhất áp dụng tại VN vẫn là “diệt lăng quăng, diệt muỗi”, trong đó diệt lăng quăng được xem là biện pháp đơn giản, hiệu quả và căn cơ. Việc phun hóa chất diệt muỗi gây SXH chỉ là biện pháp đáp ứng cấp bách nhằm làm giảm nhanh số lượng muỗi trưởng thành, nhưng khi hết thời gian hóa chất tồn tại trong không gian, thì lứa muỗi mới lại tiếp tục phát triển và truyền bệnh. Do đó, phun hóa chất diệt muỗi chỉ phát huy được hiệu quả khi việc diệt lăng quăng được thực hiện đồng bộ một cách triệt để.

PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi đồng 1, cho biết hiện dịch SXH có tăng nhưng chưa quá tải. Để chống sốc SXH, hiện BV không còn Dextran (khoảng tháng 12.2022 mới có hàng), dịch truyền HES 200.000 dalton cũng còn hạn chế, ưu tiên để điều trị cho những ca nặng; trường hợp nhẹ hơn thì dùng HES 130.000. “Hy vọng với các biện pháp dập dịch quyết liệt, cùng với ý thức người dân nâng cao, các tuyến dưới điều trị khá hơn sau tập huấn thì sẽ kiểm soát, hạn chế ca tử vong”, PGS-TS Quang nói.

Cần sự chủ động và hợp sức của nhiều hệ thống

Để ngăn chặn dịch bệnh SXH, Sở Y tế TP.HCM cho rằng rất cần hành động của mỗi người dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong chính nơi mình sống và làm việc mỗi ngày.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn thực hiện những biện pháp diệt lăng quăng phù hợp cho từng loại vật chứa phổ biến tại thành phố, mọi người đều có thể tải các hướng dẫn cụ thể này từ trang web của HCDC (hcdc.vn).

Tại cuộc kiểm tra SXH trên địa bàn Q.Bình Tân và H.Bình Chánh (ngày 8.7), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, SXH là bệnh năm nào cũng có. Tuy nhiên TP đang ở tình trạng khó khăn hơn nhiều do Covid-19, ca nhiễm biến chủng phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron đã xâm nhập. Nếu không kìm được dịch SXH thì nguy cơ dẫn đến dịch chồng dịch. Phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, các biện pháp khi triển khai phòng bệnh SXH cần có sự chủ động và hợp sức của nhiều hệ thống. “Phải làm sao để mọi người dân đều có thể cùng tham gia thực hiện các biện pháp phòng bệnh, có như vậy chúng ta mới có đủ sức để phòng dịch và không cần phải tốn sức nữa”, Phó chủ tịch UBND TP nói.

Ca mắc SXH tăng gần 23 lần, Đà Nẵng quyết liệt ứng phó

Ngày 10.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết trong báo cáo về tình hình SXH 6 tháng đầu năm 2022, địa phương ghi nhận số ca mắc SXH gia tăng từ tháng 4 và đã vượt ngưỡng đường cong chuẩn 5 năm (2016 - 2020). Cụ thể, tính từ ngày 1.1 đến 3.7, TP.Đà Nẵng có 1.380 ca SXH, cao gấp 22,7 lần so với cùng kỳ. Tuy vậy, số ca nặng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít (0,07%) trong tổng số ca mắc. Các quận, huyện Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang có số ca mắc SXH/100.000 dân cao hơn trung bình 5 năm; trong đó Q.Liên Chiểu có tỷ lệ cao nhất TP và cao gấp 3,56 lần so với trung bình 5 năm.

Hoàng Sơn

Số ca tiêm vắc xin Covid-19 gia tăng

Ngày 10.7, ghi nhận của Thanh Niên tại Trạm y tế P.15, Q.Gò Vấp (TP.HCM) có thưa thớt người dân đến tiêm vắc xin Covid-19. Bà Ngô Thị Oanh, Trưởng trạm y tế P.15 cho biết, trong tuần trạm sẽ tổ chức tiêm từ 2 - 3 ngày, mỗi ngày tiêm nhiều nhất khoảng 500 liều và tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. “Riêng trong hôm nay (10.7), trạm tổ chức tiêm cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và đã tiêm được 400 liều”, bà Oanh nói.

Từ 6 giờ 30, điểm tiêm vắc xin tại Trường tiểu học Trần Quang Cơ (P.4, Q.10) tổ chức tiêm cho người dân trên địa bàn, rất đông người dân đến tiêm, đa số là người lớn tuổi được người nhà đưa đến.

Phụ trách điều phối điểm tiêm vắc xin, ông Nguyễn Phi Vũ (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.4, Q.10) cho hay, vắc xin được tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên và phường sẽ tổ chức tiêm vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần để tiện cho người dân. “Trung bình mỗi ngày tiêm khoảng 550 liều. Do chỉ tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật nên người dân đến đông. Các cán bộ phường tại điểm tiêm sẽ hướng dẫn xếp hàng nộp thông tin và chờ đến lượt. Tính đến hiện tại, phường đã tổ chức tiêm mũi 4 cho khoảng 80% đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao”, ông Vũ nói.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nếu như trước ngày 13.6, trung bình mỗi ngày chỉ có 4.000 - 8.000 lượt tiêm thì sau khi phát động chiến dịch tiêm thì số người tiêm có tăng. Nhưng từ ngày 5.7, khi TP công bố phát hiện 3 ca nhiễm biến chủng phụ BA.4, BA.5 thì số người đi tiêm tăng 5 - 10 lần. Cụ thể, ngày 6.7 tiêm 76.580 mũi, ngày 7.7 tiêm hơn 48.216 mũi; ngày 8.7 tiêm 77.482 mũi; ngày 9.7 tiêm 17.998 mũi. Không chỉ đi tiêm mũi nhắc lần 1, 2, mũi bổ sung mà nhiều người mới bắt đầu đi tiêm mũi 1, mũi 2. Tính đến hiện tại, TP.HCM đã tiêm 21,8 triệu mũi. Trong đó có hơn 8,5 triệu mũi 1, hơn 7,5 triệu mũi 2, 685.255 mũi bổ sung, hơn 4,4 triệu mũi nhắc lại lần 1 và 637.379 mũi nhắc lại lần 2.

Duy Tính - Song Mai - Trần Xuân Khánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.