Nguy cơ khủng bố đè nặng lên những đâu?

09/07/2005 20:44 GMT+7

Vụ đánh bom khủng bố tại trung tâm thủ đô London của Vương quốc Anh đã khiến cả thế giới rúng động. Dường như lực lượng khủng bố đang nhắm vào các đồng minh của Mỹ tại châu u và dù muốn hay không, những nước này hiện có lẽ cũng đang tự hỏi ai sẽ là mục tiêu kế tiếp?

11/9/2001, nước Mỹ trở thành nạn nhân của vụ khủng bố chưa từng có về tính chất cũng như qui mô trong lịch sử nhân loại. 11/3 năm ngoái, cả đất nước Tây Ban Nha - một trong những đồng minh lớn của Mỹ trong cuộc chiến Iraq và chống khủng bố toàn cầu - chìm trong tang tóc sau hàng loạt vụ đánh bom tại ga xe lửa ở thủ đô Madrid cướp đi sinh mạng của hơn 190 người. Và chỉ 1 năm sau, đến lượt Anh - đồng minh thân cận nhất của Mỹ - bị “hỏi thăm”.

Hàng trăm người chết và bị thương ngay giữa lòng thủ đô đảo quốc sương mù, cũng là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, là bằng chứng rõ nhất cho thấy khủng bố đang lên lịch tấn công những nước ở lục địa cũ, thân cận với Mỹ và ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ. Không nói ai cũng biết, sau Anh thì Ý là đồng minh gần gũi nhất của Washington tại châu u và là quốc gia Tây u có lực lượng binh sĩ đông thứ 3 (sau Mỹ và Anh) tại Iraq. Bản thân Thủ tướng S.Berlusconi cũng phải thừa nhận vai trò của Ý ở Iraq khiến nước này dễ bị tấn công. Chỉ nội trong vòng 48 giờ qua, đã có 2 nhóm khủng bố khác nhau liên quan đến al-Qaeda dọa sẽ “tính sổ” với Ý và thậm chí một nhóm còn mô tả Rome là “thủ đô của những kẻ ngoại đạo”. Trước tình hình như vậy, chính phủ Ý đã triển khai thêm cảnh sát thường phục để bảo vệ hệ thống giao thông công cộng, tăng cường an ninh tại các sân bay và đặt 13 ngàn địa điểm nhạy cảm dưới sự canh gác đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều cư dân thành Rome vẫn cho rằng một cuộc tấn công vào thủ đô là không thể tránh khỏi.

Ngẫu nhiên mà lãnh đạo 3 nước Mỹ, Anh và Ý đều có họ bắt đầu bằng chữ B (Bush, Blair, Berlusconi), và theo tình báo từ những nước khác thì hiện đất nước của các vị 3B này được xem là có nguy cơ bị tấn công cao nhất. Sau “ứng viên” số 1 là Ý, những nước châu u khác dính líu đến Iraq cũng đang lo ngay ngáy. Đó là Đan Mạch, có quân ở Iraq và cũng bị đe dọa như Ý bởi một nhóm tự nhận gây ra vụ đánh bom ở London; Ba Lan, gửi đến Iraq 1.700 quân và nắm vai trò chỉ huy một sư đoàn đa quốc gia. Ngay cả Pháp, rất được lòng người Hồi giáo do phản đối cuộc chiến Iraq, cũng có thể là mục tiêu vì chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ và Anh, cũng như giúp lãnh đạo các nước Bắc Phi từng là thuộc địa của mình chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Xuân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.