Nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, tim mạch khi tắm khuya

Phúc Kha
Phúc Kha
02/08/2023 14:46 GMT+7

Người trẻ thường có thói quen tắm khuya. Tuy nhiên, thói quen này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các chứng bệnh về hô hấp, tim mạch.

Đủ lý do tắm khuya

Nguyễn Minh Sang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết bản thân thường xuyên đi tắm lúc 1 giờ. Những ngày thức khuya học bài, làm bài tập, nếu cảm thấy uể oải, không thể tập trung học hành, Sang đi tắm. Sau khi tắm, Sang thấy rằng cơ thể rất mát mẻ, thoải mái, tinh thần tỉnh táo.

Do không muốn xin tiền ba mẹ để chi tiêu hàng tháng, Nguyễn Thị Thảo Phương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã đi làm thêm tại quán bán thức ăn nhanh. Ca làm việc của Thảo Phương bắt đầu lúc 18 giờ, kết thúc lúc 0 giờ. Tan ca làm, Thảo Phương về đến nhà trọ khoảng 0 giờ 30 phút. Trở về nhà trọ, nằm nghỉ ngơi sau ca làm mệt mỏi, đến khoảng 1 giờ Phương mới có thời gian đi tắm.

Phương nói: “Công việc của mình tiếp xúc nhiều với dầu mỡ. Mình không thể để cơ thể đầy mùi mồ hôi, mái tóc khô cứng để chờ đến sáng mới tắm. Với mình, tắm sau khi đi làm về sẽ giúp mình có được cảm giác thoải mái, dễ chịu, cơ thể sạch sẽ, loại bỏ được lớp bụi bẩn trên cơ thể”.

Lê Minh Duy, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Buổi tối, mình không bận bịu gì nhưng vẫn có thói quen đi tắm trước khi đi ngủ. Hàng đêm, mình đi tắm lúc 23 giờ 30. Mình muốn cơ thể thoải mái sạch sẽ hơn trước khi bước chân lên chiếc giường êm ái”.

Nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, tim mạch khi tắm khuya - Ảnh 1.

Vì bận công việc đến tối muộn, một số bạn trẻ có thói quen tắm khuya

SHUTTERSTOCK

Tắm khuya dễ mắc bệnh về hô hấp, tim mạch

Theo bác sĩ CK1 Nguyễn Hữu Khánh, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), ban đêm là thời điểm nhiệt độ xuống thấp, nếu đi tắm vào lúc này, cơ thể dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt, có thể xuất hiện hiện tượng co mạch hoặc giãn mạch, làm máu khó lưu thông tốt. Mạch máu khi bị co lại, làm tăng nguy cơ co thắt mạch máu nuôi tim. Vì thế, người trẻ hãy hạn chế đi tắm sau 23 giờ.

Bác sĩ Hữu Khánh nói: “Tắm nước nóng trước khi đi ngủ làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến cơ thể bị rối loạn dẫn đến khó ngủ, mất ngủ. Tắm đêm với nước lạnh làm cơ thể mất nhiệt. Tình trạng mất nhiệt nếu kéo dài dễ dẫn đến lạnh phổi, nguy cơ đối mặt với bệnh lý sốt siêu vi, thậm chí là nhiễm trùng phổi. Khi cơ quan hô hấp bị suy yếu, lâu dần sẽ dẫn đến mất đi sức đề kháng”.

Nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, tim mạch khi tắm khuya - Ảnh 2.

Để bảo vệ sức khỏe, người trẻ nhớ lau khô người, sấy khô tóc sau khi tắm

SHUTTERSTOCK

Bác sĩ Khánh cho biết cách hiệu quả để phòng tránh những rủi ro nêu trên là tạo thói quen tắm sớm để quá trình trao đổi chất trong cơ thể được diễn ra tốt hơn. Để tắm một cách khoa học và bảo vệ sức khỏe, bác sĩ Khánh khuyến cáo không nên tắm ngay khi vừa trở về nhà vì cơ thể đang tiết nhiều mồ hôi. Hãy chờ cơ thể tỏa nhiệt, mồ hôi khô ráo, ít nhất sau 15 phút thì mới được tắm. Tắm với nước không quá lạnh hoặc quá nóng để cơ thể không thay đổi nhiệt độ đột ngột. 

“Khi tắm, không nên dội nước lên người hoặc trên đầu xuống một cách đột ngột vì sẽ khiến cơ thể bị hạ nhiệt đột ngột, dễ bị bệnh, nên đưa nước từ chân dần lên hai tay và sau đó mới tới người”, bác sĩ Hữu Khánh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.