Nguy cơ mất nhà vì cho doanh nghiệp mượn sổ đỏ

01/08/2013 08:33 GMT+7

Một số hộ dân ở Hà Tĩnh đang có nguy cơ bị ngân hàng 'siết nhà' đòi nợ vì đã cho doanh nghiệp mượn 'sổ đỏ' để vay vốn.

Giữa tháng 6 vừa qua, ông Trần Văn Trà, thương binh hạng ¼, ở P.Nam Hồng, TX.Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, bất ngờ nhận được “trát” đòi nợ của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh). Đến chi nhánh này, ông được thông báo: Công ty CP Xây dựng Cầu đường Hà Tĩnh là đơn vị được ông và một số người khác bảo lãnh vay vốn đã nợ gần 17 tỉ đồng (trong đó hơn 7 tỉ là nợ gốc, gần 10 tỉ đồng lãi).

Ông Trà lo lắng vì món nợ “trên trời rơi xuống” - d
Ông Trà lo lắng vì món nợ “trên trời rơi xuống” - Ảnh: K.Hoan 

Theo ông Trà, giữa năm 2005, con trai ông Trà, công tác tại Công ty CP Xây dựng cầu đường Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty Cầu đường) về thuyết phục bố cho doanh nghiệp này mượn sổ đỏ để bảo lãnh vay vốn làm ăn. Nghĩ đây là đơn vị danh hiệu anh hùng và là doanh nghiệp nhà nước, thời hạn bảo lãnh chỉ một năm, có ký giấy mượn hẳn hoi nên vợ chồng ông đồng ý ký vào các giấy tờ, mẫu biểu mà BIDV Hà Tĩnh hướng dẫn.

Đến thời hạn trả sổ đỏ, ông Trà đến Công ty Cầu đường hỏi thì được chỉ sang BIDV Hà Tĩnh nhưng chi nhánh này chưa giải quyết. Tìm hiểu, ông mới biết có nhiều người cũng đang trong tình cảnh như mình.

Ngày 19.6 vừa qua, ông Trà được BIDV Hà Tĩnh mời đến làm việc và thông báo số nợ 17 tỉ của Công ty Cầu đường như đã nói trên. Theo BIDV, ông và những người đã đứng ra bảo lãnh sẽ phải trả nợ thay vì doanh nghiệp này không còn khả năng trả nợ. Trong đó, ông Trà phải trả 350 triệu đồng, tương ứng trị giá nhà đất đã bảo lãnh. “Lúc đó, lãnh đạo công ty đến nhà mượn sổ đỏ, nhờ tui ký vào thì tui ký, chứ có biết là mình đứng ra bảo lãnh cho họ vay tiền đâu”, ông Trà nói.

Cũng theo ông Trà, vì hợp đồng bảo lãnh có nội dung “bảo lãnh vô điều kiện” nên Công ty Cầu đường và BIDV Hà Tĩnh tự thỏa thuận với nhau. “Họ vay hết khoản này sang khoản khác, thích đưa tài sản bảo lãnh của chúng tôi vào hợp đồng tín dụng nào thì đưa, thích thanh toán cho hợp đồng nào thì thanh toán, không đoái hoài đến bên bảo lãnh nên hơn tám năm rồi mới thông báo cho chúng tôi đến trả nợ thay. Rõ ràng chúng tôi đã bị lừa”, ông Trà nói.

“Chúng tôi cho rằng đã có sự tùy tiện về việc ưu tiên trả nợ cho các khoản vay không có bảo lãnh mà quên đi quyền lợi của những người bảo lãnh”, ông Trần Anh Huân, một nạn nhân cho mượn sổ đỏ bức xúc nói.

Ông Ngô Huy Hoàn, Giám đốc Công ty Cầu đường Hà Tĩnh cho biết: do đang nợ nần nên công ty không vay được vốn ngân hàng nên càng khó khăn. “Chúng tôi xác định phải có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng để lấy sổ đỏ về cho người dân, nhưng công ty đang rất khó thực hiện. Trường hợp xấu nhất, nếu công ty bị phá sản, chúng tôi sẽ bán tài sản để trả nợ, trường hợp bán hết tài sản mà vẫn trả không hết nợ thì những người bảo lãnh cũng phải chia sẻ, gánh vác một phần”, ông Hoàn nói. Ông Hoàn cũng cho biết: từ khi mượn sổ đỏ để vay tiền đến nay, công ty đã qua ba đời giám đốc. Khi ông nhận chức thì công ty đã bị ngân hàng “cấm cửa” nên ông không biết việc vay và trả nợ như thế nào.

Ông Hoàn cũng cho biết: trong số những người dân cho công ty mượn sổ đỏ, một số người từng là cán bộ của công ty. Hiện đã có vài hộ tự bỏ khoảng 300 triệu đồng để nhận sổ đỏ về, còn 8 hộ khác đang chờ đơn vị trả nợ cho họ.

Khánh Hoan

>> Bình Thuận không đạt chỉ tiêu cấp “sổ đỏ”
>> Mỏi mòn chờ sổ đỏ
>> Thu hồi 412 sổ đỏ giả
>> Mua căn hộ cao cấp 5 năm chưa có sổ đỏ
>> Chung cư có sổ đỏ giá 2 - 3 tỉ “lên ngôi”
>> Mang sổ đỏ để xin tài trợ
>> Nhai bánh mì làm “sổ đỏ”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.