Nguy cơ nợ xấu gia tăng, ngân hàng chi tiền tỉ trích lập dự phòng

Mai Phương
Mai Phương
26/10/2021 18:05 GMT+7

Hàng loạt ngân hàng tiếp tục báo lãi cao sau 9 tháng nhưng trích lập dự phòng nợ xấu cũng gia tăng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) báo cáo quý 3/2021 đạt lợi nhuận sau thuế hơn 2.102 tỉ đồng, đưa tổng số lãi sau 9 tháng lên hơn 7.174 tỉ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chỉ riêng trong quý 3/2021, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này đã tăng hơn 5 lần so với quý 3/2020, lên mức 820 tỉ đồng. Tổng cộng sau 9 tháng, chi phí dự phòng rủi ro của ACB lên hơn 2.812 tỉ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Về chất lượng cho vay, số dư nợ xấu gồm nợ cần chú ý, dưới tiêu chuẩn hay có khả năng mất vốn đều tăng cao gấp đôi so với đầu năm nay.

Nhiều ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng khi nơ xấu dự báo sẽ gia tăng

đào ngọc thạch

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - VBB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 đạt 68 tỉ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng chi phí chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 51 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VBB đạt 394 tỉ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ, tương đương 101% kế hoạch năm. Nợ xấu của ngân hàng tăng 459 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm, tương đương tăng 59% lên 1.243 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng mạnh lần lượt 275% và 159%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,75% lên 2,65%. Còn Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) công bố lợi nhuận trước thuế của quý 3/2021 là 766 tỉ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng trong kỳ tăng 157% ở mức 271 tỉ đồng và lũy kế sau 9 tháng là 887 tỉ đồng, tăng 176% so với 9 tháng năm 2020. Nợ xấu cũng tăng 10% so với đầu năm, lên mức 2.783 tỉ đồng, trong đó riêng nợ nghi ngờ tăng 1,7 lần, lên 974 tỉ đồng. Dù vậy sau 9 tháng năm nay, LPB vẫn đạt lợi nhuận sau thuế là 2.228,5tỉ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đến hết tháng 9.2021 có tổng nợ giảm nhẹ 3% so với đầu năm, còn 1.378 tỉ đồng. Nhưng trong quý 3/2021 dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này tăng 223% so cùng kỳ lên 1.345 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TPBank tăng 99% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, trích gần 2.349 tỉ đồng...

Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành ngày 29.9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết nợ xấu, kể cả nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi Covid-19 đến trong năm 2020 và năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1 - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.