Nguy cơ phụ thuộc vào than nhập khẩu

15/06/2011 23:47 GMT+7

Theo kế hoạch của Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) đặt ra, tới năm 2015 dự kiến sẽ nhập khẩu 6 triệu tấn than. Tuy nhiên, tháng 6.2011, tàu than nhập khẩu đầu tiên từ Indonesia của TKV đã cập bến.

 

Khai thác được than nhưng vẫn phải nhập khẩu - ảnh: Lưu Quang Phổ 

Vì sao không dừng xuất?

TKV cho biết, đây là chuyến than nhập khẩu thí điểm, để thăm dò thị trường cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam. Việc nhập khẩu than từ Indonesia để cung cấp cho thị trường phía Nam cũng sẽ tiết giảm chi phí hơn vận chuyển than từ phía Bắc vào, và có giá thành tương đương với giá than trong nước.

Theo dự báo, tới năm 2015, tổng công suất nguồn điện chạy than sẽ khoảng 44.000 MW, tương ứng với nhu cầu than khoảng 78 triệu tấn/năm. Trong khi lượng than cung cho nhu cầu cả nước mà TKV có thể đáp ứng được theo tính toán vào năm 2015 chỉ là 52 triệu tấn. Tương lai xa hơn, tính toán dựa trên Tổng sơ đồ điện 6, tới năm 2020, dự báo lượng than nhập khẩu sẽ chạm con số 100 triệu tấn/năm. Đáng nói, Tổng sơ đồ điện 7 hiện vẫn đang trong tính toán, nên số dự báo này có thể sẽ còn đội cao hơn nữa.

Cũng theo kế hoạch của TKV, than tự sản xuất trong nước từ năm 2011 tới năm 2015 tăng thấp, từ 44 triệu tấn lên 55 triệu tấn, trong đó, phục vụ cho nhu cầu trong nước sẽ tăng từ 27,5 triệu tấn lên 52 triệu tấn, và than xuất khẩu giảm dần từ 16,5 triệu tấn xuống 3 triệu tấn vào năm 2015.

Với các con số nói trên, nhập khẩu than là không thể tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra là, tại sao TKV không tính đến chuyện cần sớm dừng xuất than?

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, TKV xuất khẩu các loại than chất lượng cao, trong nước chưa có nhu cầu, và nhập về các loại than hàm lượng giá trị thấp phục vụ cho nhu cầu nhiệt điện, thép, xi măng. Ông Hùng cũng thừa nhận, ngành than vẫn phải xuất để bù khoản lỗ do giá bán trong nước đang thấp.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng, “hiện giá than bán cho điện, xi măng vẫn thấp hơn giá than bình quân trong nước và giá trong nước vẫn thấp hơn giá xuất khẩu, nên ngành than buộc phải xuất khẩu để bù lại khoản này. TKV có cái khó, nhưng không thể nói xuất than hàm lượng nhiệt cao do trong nước chưa có nhu cầu, vì lượng nhiệt càng cao chi phí sản xuất điện càng thấp, giá điện càng rẻ”.

Cũng theo ông Sơn, đang tồn tại nhiều nghịch lý trong ngành than, khi Indonesia sẽ là đối tác nhập khẩu than chính mà VN hướng tới, nhưng tại Uông Bí, Indonesia cũng đang là đối tác của TKV với sản lượng than khai thác 600.000 tấn/năm.

Tính chung 5 năm 2006 - 2010, lượng than xuất khẩu của TKV đã xuất khẩu xấp xỉ 100 triệu tấn/năm.

Loay hoay tìm nguồn nhập

Không thể nói xuất than hàm lượng nhiệt cao do trong nước chưa có nhu cầu, vì lượng nhiệt càng cao chi phí sản xuất điện càng thấp, giá điện càng rẻ

Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng

Ông Sơn cho biết, trữ lượng khai thác ở bể than Đông Bắc đã kịch trần, trong khi bể than sông Hồng vẫn chưa có quyết sách để phát triển. Tối đa bể than Đông Bắc chỉ có thể khai thác được 60 - 70 triệu tấn/năm, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước trong thời gian tới.

Không chỉ TKV, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện khác như Tập đoàn dầu khí VN hay Tập đoàn điện lực VN cũng đang phải tính dần tới việc tìm kiếm các đối tác để nhập khẩu than. Dự báo của Bộ Công thương cho biết, đến năm 2020 nhiệt điện chạy than có thể chiếm 45% tổng công suất nguồn, buộc nhu cầu than nhập khẩu cũng phải tăng tương ứng, khoảng 4 - 8 triệu tấn/năm vào năm 2015 và năm 2020 khoảng 40 - 50 triệu tấn/năm.

Thị trường than nhập khẩu chính mà TKV đang hướng tới là Indonesia và Úc, tuy nhiên đây cũng là những thị trường nhập khẩu tiềm năng của Trung Quốc và thị trường truyền thống của Nhật Bản. “Dự báo tới năm 2025 - 2030, lượng nhập khẩu than của Trung Quốc sẽ là 1,6 tỉ tấn, liệu VN có chen chân vào được thị trường?”, ông Sơn băn khoăn.

Trong khi đó, theo ông Vũ Mạnh Hùng, TKV vẫn đang trong quá trình tìm hiểu và đàm phán với các đối tác lớn này, và vẫn chưa có một hợp đồng nhập khẩu dài hạn chính thức nào được ký kết.

Nhập khẩu than là chuyện sớm hay muộn, nhưng giảm thất thoát trong quá trình sản xuất cũng là điều ngành than phải tính tới khi nguồn tài nguyên này không còn dồi dào. Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển (CODE), tỷ lệ than bị thất thoát trong khai thác hầm lò của VN lại lên đến 40 - 60%.

Xuất thô số lượng lớn rồi lao đao tìm nguồn nhập khẩu có thể sẽ là viễn cảnh ngành than sớm phải đối mặt.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.