Doanh nghiệp (DN) sản xuất kêu khó chồng lên khó khi giá xăng dầu liên tục tăng. Còn các chuyên gia lo ngại nguy cơ thị trường trong nước sẽ bị tắc nghẽn.
>> Thị trường xăng dầu lại méo mó
>> Giá xăng dầu tiếp tục tăng: Nhiều doanh nghiệp bối rối
>> Hàng loạt cây xăng “găm hàng” trước giờ tăng giá
Chới với
Ông Nguyễn Văn Đấu, Giám đốc Công ty CP rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), than thở việc xăng dầu tăng giá ngày 13.8 khiến DN này “mất toi” 20% trong tổng doanh thu dự kiến 150 tỉ đồng của cả năm. Bởi có tới 20 khoản mục chi phí của công ty sẽ tăng giá vì giá xăng tăng lần này, từ vận chuyển cho tới chạy nồi hơi, mua bao bì, đến thu mua nguyên liệu của nông dân... Cộng với các khoản thâm hụt từ việc không thể điều chỉnh các hợp đồng đã ký với đối tác, chi phí của Antesco tăng lên thêm ít nhất 10%. "Ngay khi nghe tin xăng dầu tăng giá, chúng tôi chới với. Như vậy lại phải tính cách giảm tối đa chi phí để sản xuất, kinh doanh có lãi mà nuôi công nhân”, ông Đấu cho hay.
|
Ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc quản lý kinh doanh Công ty may túi xách Hương Mai, cho biết trong các chi phí đầu vào, chi phí cho xăng của đội xe giao nhận hàng tăng lên nhiều nhất. Trước đây, cung cấp tiền xăng cho một nhân viên/tháng khoảng 500.000 - 600.000 đồng thì nay phải tăng thêm 20%. Ngoài ra, phí xe thuê vận chuyển hàng cũng tăng lên. Cộng với việc điện mới tăng giá, chi phí đầu vào của công ty đã bị đôn lên 10-15%.
|
Theo ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty nhôm - inox Kim Hằng, giá xăng dầu điều chỉnh liên tục, lên xuống thất thường nên DN như người bị bệnh cao huyết áp. Dù chi phí xăng dầu chiếm không phải lớn nhất trong cơ cấu giá thành sản phẩm nhưng tác động tâm lý của việc tăng giá xăng là rất nghiêm trọng. Cũng bức xúc không kém, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho rằng tác động tâm lý sẽ khiến người dân càng thêm thắt chặt chi tiêu, sức mua đã yếu càng thêm kiệt quệ. Trong điều kiện sức mua kém như hiện nay, DN nào tăng giá là tự giết mình, mất thị phần vào tay DN khác, nhất là DN nước ngoài. Nhiều DN phải chịu lỗ để duy trì sản xuất, duy trì việc làm cho công nhân. Họ rơi vào thế bị ép đến kiệt quệ.
Kinh doanh xăng dầu nhàn hạ
Theo tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), ở Việt Nam hiện nay, kinh doanh xăng dầu là nhàn hạ nhất, chỉ đơn giản nhập khẩu về và mở van ra bán trong khi DN kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng khác phải méo mặt. “Tôi chưa từng thấy DN xăng dầu nào có sáng kiến trong kinh doanh, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, trái lại họ liên tục kêu khó”.
"Các DN xăng dầu lâu nay vẫn cứ mãi sử dụng một điệp khúc để lấy cớ tăng giá. Nhưng không thể lừa người dân như vậy được. Dân đòi giảm giá khi thị trường thế giới giảm thì DN đổ thừa do lúc nhập khẩu về giá cao, không giảm được, mà không bao giờ nói điều ngược lại. Lần này tăng giá lại bảo Nhà máy Dung Quất tạm ngừng sản xuất nên hết hàng. Tôi tự hỏi là sao DN không trữ hàng để bán, đến nỗi nhà máy vừa mới tuyên bố tạm ngưng ngay lập tức DN cũng kêu hết hàng?”, TS Xuân bức xúc. Theo ông Xuân, DN xăng dầu hiện được dung dưỡng, từ đó tự tung tự tác trong cơ chế điều chỉnh giá. 11 DN xăng dầu nhưng thực tế chỉ có 1 DN mà thôi, nên không thể đòi hỏi có một cơ chế thị trường được; cạnh tranh hoàn toàn bị thủ tiêu.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1.7.2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 21% so với cùng thời điểm năm trước. Bên cạnh đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước tính đạt 1.327,5 nghìn tỉ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 6,7%.
Từ những con số trên, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, cả đầu vào và đầu ra của DN đang bị ách tắc và thị trường thật sự bị nghẽn. Thời gian tới, giá xăng dầu còn tiếp tục tăng vì DN xăng dầu có thể tận dụng cơ chế tự điều chỉnh giá trong 10 ngày mà nhà nước cho phép, thị trường sẽ khó khăn kéo dài.
Ở khía cạnh khác, TS Xuân cho rằng những khó khăn của DN xăng dầu không đáng bao nhiêu so với các DN khác để có thể ưu đãi người này nhưng trực tiếp đổ khó khăn thêm cho người kia. Bộ Tài chính cần phải nghiêm khắc trong quá trình cho phép điều chỉnh giá xăng dầu, cần cân nhắc kỹ lưỡng, chứ không thể cuống lên và cấp tập cho phép tăng giá chỉ sau vài tiếng kêu khó.
N.T.Tâm - Hoàng Việt
Bình luận (0)